Một giấc mơ hoài niệm về miền ấu thơ xa thẳm

0

Sẵn sàng du học – Không khí làng quê xưa được tái hiện trong "Tiếng vọng ấu thơ" của nhà văn Ngô Vĩnh Bình với những kỷ niệm chất đầy, ngôn ngữ thi vị, thâm trầm tự sự.

Trong bài thơ Ông Đồ, Vũ Đình Liên từng viết: “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”. Câu thơ tràn đầy xúc cảm ấy, đã để lại một câu hỏi vang vọng đến tận những ngày sau.

Tiếng vọng ấu thơ của Ngô Vĩnh Bình, độc giả có thể tìm cho mình một lời đáp, dẫu nhỏ bé, nhưng cũng có khả năng góp mình tạo nên dư âm mạnh mẽ, để cất tiếng vọng đáp về miền xa, về những người xưa cũ, những điều xưa cũ ấy.

ssdh-tieng-vong-au-tho

 

Bước vào Tiếng vọng ấu thơ, người đọc sẽ lần lượt được dẫn dắt đi qua những vùng trầm tích văn hóa xưa của miền quê hương nồng hậu, trù phú đã nuôi dưỡng đời sống, tâm hồn tác giả lớn lên từng ngày. Ấy là làng Kẻ Nhội, một làng quê kinh Bắc, đậm chất miền quê Bắc Bộ. Ở đó, có sân Đình to nhất vùng, lại có đền Sái, có hội “Rước vua sống”. Khách thập phương đến đông đúc mỗi lần hội làng, đóng đám.

Bước vào không gian làng quê ấy, là đắm chìm trong sự yên bình, trầm mặc, với cây đa, cây đề, bến nước, sân đình, cùng tiếng ve kêu suốt mùa hè, tiếng quạ kêu khi đêm xuống…

Giữa khung cảnh quê mùa ấy, lũ trẻ con háo hức những ngày theo mẹ đi chợ, mắt tròn mắt dẹt trước những món đồ đầy sắc màu. Ký ức của tác giả cũng gợi lại bữa cơm gia đình ở quê, đơn giản nhưng tinh tế và thơm ngon với cơm gạo tám, tương cà, rau luộc, dưa muối, cá kho, thịt lợn luộc. Lâu lâu nhà có cỗ mới có bữa thịt gà. “Thịt gà là món ăn sang trọng bậc nhất”, chỉ có những dịp giỗ chạp, hội hè. Trong tâm tư tác giả, những món ăn quê ấy mãi sau này trưởng thành, đi khắp mọi miền, cũng vẫn là món ăn ngon nhất.

Một trong những cái thú vị nhất của ngày ấy chính là buổi đi xem tuồng làng. Tuồng làng được mở vào những ngày hội làng và Tết đến. Thuở ấy người lớn xem tuồng thì bàn luận ai anh hùng, ai trung, ai nịnh… rồi vở nào “xô”, kép đào nào đáng “thướng” (thưởng tiền). Bọn trẻ con thì sướng nhất là được ra sân đình vui đùa với nhau, chen chúc với các anh các chị, đôi khi còn làm cả những trò tinh quái. Câu hát tuồng đã đi vào ký ức của biết bao đứa trẻ, nuôi nấng từng ngày tháng lớn lên.

Trên từng trang viết đẫm hoài niệm của mình, tác giả đặc biệt dùng nhiều trang cho những người muôn năm cũ như cụ Đồ Dậu, cụ Lang Tỵ, bác Chưởng Bạ Văn, cụ Tú Thành, bác Phó Rào, bác Phó Cối, bác Giáo Chế, chú Bốn, cụ Ba, chú Kỳ,… những người ấy từng dạy chữ, chữa bệnh nên được người làng rất kính trọng, lũ trẻ thường nhìn họ bằng ánh mắt ngưỡng mộ, xa xăm, cha mẹ lại hay lấy người lớn ấy là tấm gương cho lũ trẻ noi theo. Đứa trẻ nhỏ năm nào giờ đã là nhà văn Ngô Vĩnh Bình, ngồi trước trang viết, hồi tưởng lại những người xưa cũ, viết nên những dòng tâm tư ấm áp, cảm động.

Nhiều câu chuyện nhỏ ngày xưa được gom góp lại trong Tiếng vọng ấu thơ, cất lên tiếng tâm tư thủ thỉ với những đứa trẻ hôm nay, để chúng phần nào chạm vào những nét đẹp đẽ dung dị của ngày xưa, giờ chỉ còn hiện hữu trong ký ức của người già. Cũng là duyên cớ để những người lớn tuổi tìm về bầu không khí xưa cũ, để hoài niệm, ngâm ngợi, mỉm cười về một thời mình từng sống như thế.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply