Một ngày ở Budapest – “Viên ngọc” của Đông Âu

0

SSDH – Tôi đặt chân xuống sân bay Budapest với tâm trạng không vui vẻ gì do vừa bị hãng máy bay giá rẻ Ryan Air phạt mất 50€ cộng thêm cái nắng gắt buổi sáng khiến ấn tượng về Budapest lúc đầu trong tôi không đẹp đẽ lắm…

 

Tuy nhiên, khi ra khỏi sân bay, sự thân thiện của người Hungary khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ . Vì có hẹn trước với bạn tôi ở trong trung tâm thành phố, không biết rõ đường cộng với việc ở Budapest người ta không tiêu euro dù thuộc khối Schengen (đơn vị tiền tệ của Hungary là đồng Forint (HUF), 1€ bằng khoảng 290 HUF) nên tôi quyết định đi taxi.

 

Lúc đầu, tôi cảm thấy khá lo lắng vì sợ ở đây có taxi dù giống như ở Việt Nam. Nhưng không, ở sân bay lúc tôi xuống chỉ có duy nhất một hãng taxi và muốn lên xe, tôi phải tới quầy của hãng để điền thông tin. Tôi nói với người quản lý của hãng là mình muốn đi đâu, họ sẽ tìm con đường ngắn nhất từ sân bay đến khách sạn tôi ở rồi tính tiền và in hóa đơn ra luôn. 

 

du_hoc_-_mot-ngay-o-budapest-vien-ngoc-cua-dong-au

Khách phượt khi đến đây đều rất hài lòng và thường để lại một vài dòng đánh giá như thế này 

 

Họ còn dặn tôi là đến đưa cho tài xế một bản còn tôi giữ một bản, đến nơi thì thanh toán số tiền đã in trên hóa đơn. Tôi cảm thấy cách làm việc này rất khoa học, chuyên nghiệp và tạo được sự tin tưởng của khách hàng. Tôi cũng thầm mong Việt Nam cũng có những cách làm như thế này để du khách đỡ mất oan tiền!

 

Bác tài xế taxi đón tôi với nụ cười rạng rỡ với câu nói “Chào mừng đến Budapest” bằng tiếng Hungary làm khuôn mặt xám xịt của tôi trở nên tươi tắn hơn. Trên xe, bác tài cũng liên tục hỏi tôi gặp sự cố gì ở sân bay rồi nói với tôi về vẻ đẹp của Budapest với đầy tự hào và hãnh diện.

 

Đưa tôi đến địa điểm, bác tài còn xách hành lý cho tôi lên tận tầng 3 của khách sạn (lúc đó thang máy bị hỏng) mà không đòi hỏi tiền boa và vẫn giữ nguyên nụ cười tươi tắn (ở Pháp “tiền boa” là một văn hóa). Trước lúc về, bác tài còn bày tỏ với tôi bằng giọng tiếng Anh khá dễ thương : “Xin cảm ơn quý khách đã đến với đất nước chúng tôi”.

 

Khách sạn mà chúng tôi ở thực ra là một dạng hostel mà cô bạn tôi tìm thấy trên trang booking.com. Đây là một trong 20 điểm dân “phượt” tin tưởng và đánh giá cao . Theo như tôi được biết thì đây vốn là nhà ở nhưng sau đó được sửa lại và cho thuê theo ngày với giá khá rẻ (12,5€/1 người) với phòng rất đẹp và rộng rãi. Cô chủ rất hòa đồng và sốt sắng giúp tôi gọi cho bạn tôi.

 

Tôi đến Budapest vào một ngày trời trong veo và nắng ngọt, từ cửa sổ của khách sạn, phóng tầm mắt ra xa, tôi bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của “Viên ngọc Đông Âu” này. Nhìn một cách tổng quan, kiến trúc của thành phố là sự kết hợp hài hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa những tòa lâu đài, thánh đường cổ kính, nguy nga theo phong cách La Mã còn sót lại với những tòa nhà cao ốc hiện đại. Qua cô chủ khách sạn, tôi biết được những kiến trúc đẹp nhất của thành phố này đều nằm dọc theo hai bên dòng Danube. 

 

du_hoc_-_mot-ngay-o-budapest-vien-ngoc-cua-dong-au2

Tòa nhà Quốc hội về đêm bên ánh đèn rực rỡ và dòng sông Danube hiền hòa


Dòng sông Danube trong xanh chảy qua trung tâm thành phố Budapest và chia thành phố thành 2 phần: Buda và Pest. Buda bên bờ trái được xây dựng trên một ngọn đồi với nhiều tòa lâu đài tuyệt đẹp. Bờ phải là thành phố Pest được xây dựng trên một đồng bằng gồm những tòa nhà cổ kính thời trung cổ. Buda và Pest nối với nhau bằng 9 cây cầu qua sông Danube, mỗi cây cầu mang một vẻ đẹp riêng và giữ vai trò huyết mạch giữa hai phần của thành phố này.

 

Có lẽ nhờ kiến trúc độc đáo này mà Budapest được mệnh danh là một trong những thủ đô đẹp nhất thế giới. Người Budapest thường tự hào với 2 cái “nhất” của thành phố này mà khách sạn của chúng tôi nằm kế bên. Đầu tiên là Nhà Quốc hội lớn nhất châu Âu với 691 phòng, nằm bên bờ sông Danube, và kế đến là tuyến tàu điện chạy ngầm dưới đất đầu tiên của châu Âu, hoàn thành năm 1898, nay vẫn hoạt động.

 

Ngoài ra, cô chủ khách sạn cũng bật mí thêm về đại lộ Andrássy với 135 năm tuổi là con đường chính tại trung tâm thủ đô mang dáng dấp đại lộ Champs – Elysées của Paris. Đại lộ Andrássy có các cửa hàng cao cấp, vô số tiệm cà phê, nhà hàng và cả quán nghệ sĩ – nơi gặp gỡ của giới văn nghệ Hungary từ nhiều thế kỷ qua.

 

Budapest được thiên nhiên ưu đãi hệ thống suối địa nhiệt và hang động suối nước nóng dày đặc (108 cái). Người Hungari thường rất tự hào khoe rằng, nếu đục một cái lỗ trên mặt đất ở bất kì đâu tại đất nước này, bạn cũng sẽ thấy nước nóng. Nói một cách khác, đến với Budapest, bạn có thể xuýt xoa trước cái cay nồng của ớt, trầm trồ trước kiến trúc lộng lẫy của các danh lam thắng cảnh, lang thang ngắm nhìn thành phố về đêm bên hai bờ của dòng sông Danube… nhưng, nếu chưa tắm nước nóng ở đây thì bạn chưa tới Budapest một cách trọn vẹn.

 

Szechenyi và Gellert là hai hồ tắm nước nóng (quần thể phòng xông hơi, hồ nước lạnh và khu vực tắm nắng, các tia nước massage, hồ sủi bọt, hồ tạo sóng) nổi tiếng nhất và xuất hiện trên rất nhiều các tấm bưu thiếp về Budapest. Hồ Gellert thì to hơn, sang trọng hơn nhưng không có sự xuất hiện của nhiều người dân địa phương. 

 

du_hoc_-_mot-ngay-o-budapest-vien-ngoc-cua-dong-au3

Hồ nước nóng Szechenyi nổi tiếng của Budapest 

 

Sau khi được nghỉ ngơi ở Szchenyi, địa điểm tiếp theo là đỉnh đồi Gellert, đây là nơi có tầm nhìn đẹp nhất, bao quát cả Budapest. Từ dưới chân đồi phải qua rất nhiều bậc thang chúng tôi mới lên được đến đỉnh. Budapest đang chìm dần trong ánh hoàng hôn tím dìu dịu. Từ phía trên cao này người ta có thể nhìn sang lâu đài Castle Hill và toàn bộ khung cảnh phía bên dưới dòng sông Danube, từ những dinh thự lộng lẫy đang dần lên đèn cho đến những chiếc thuyền dập dìu đưa khách thả hồn trên dòng sông xanh êm đềm.

 

Cũng ở vị trí này, người ta hướng nhìn ra ngã rẽ của dòng sông Danube khi chia thành hai nhánh, chưa bao giờ cái ấn tượng về dòng sông Danube trong tôi lại mạnh mẽ  đến như vậy. Là con sông dài thứ hai của châu Âu và chảy qua nhiều nước khác nhau (Đức, Slovakia, Áo, …) nhưng có lẽ không nơi nào có thể sánh bằng với Budapest, nơi mà dòng sông xanh ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên cuộc sống, văn hóa, lịch sử, .. của thành phố này.

 

Danube, “báu vật” của người Hungary ấy đã làm cho khung cảnh thành phố trở nên thơ mộng, dịu dàng và trữ tình thêm biết bao nhiêu… Chúng tôi kết thúc một ngày thăm thú Budapest của mình bằng việc ra ngắm nhà hát Opera Quốc gia, một kiệt tác của nền kiến trúc tân Phục Hưng và quảng trường Anh Hùng, biểu tượng của sức mạnh và lịch sử các vương triều Hungary.

 

Về ẩm thực, ở Budapest bạn có thể tìm thấy tất cả các món ăn truyền thống cũng như rất nhiều món ăn trên thế giới. Budapest có vẻ gần với nước Đức ở món xúc xích, nhưng Budapest cũng có món xúc xích kolbase rất đặc trưng. Và đương nhiên, những nơi có món ăn truyền thống ngon nhất mà giá cả lại hợp lý nhất thì không du khách nào lại biết rõ bằng chính những con người nơi đây.

 

Phương Tú


Share.

Leave A Reply