Muốn giỏi tiếng Anh, phải nói hằng ngày

0

SSDH – ‘Khi tôi nói tiếng Anh, nhiều người nghĩ tôi chảnh chọe hay muốn thể hiện.’

 

Tôi vừa xem xong phỏng vấn của cầu thủ Xuân Trường ở Hàn Quốc, nhân tiện xin có vài ý kiến mong mọi người tham khảo. Thật sự là tôi không thích anh MC người Hàn vì anh chỉ dùng tiếng Hàn để phỏng vấn mà không quan trọng người nghe hiểu được bao nhiêu, mặc dù Xuân Trường chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh. Ai từng ở nước ngoài thì sẽ biết đến văn hóa giao tiếp tiếng Anh, ECC (English communication culture) này.

 

Muốn giỏi tiếng Anh, phải nói hằng ngày

 

Tóm tắt thuật ngữ này là chỉ dùng duy nhất tiếng Anh, để người ngước ngoài không lẻ loi, có thể hòa nhập câu chuyện và cũng tỏ ra mình không nói xấu hay có gì mờ ám, giấu diếm họ, đồng thời bày tỏ sự tôn trọng của mình với người nước ngoài. Để nói cho rõ hơn tôi lấy ví dụ về bản thân khi sống ở Singapore và Australia trong hơn 4 năm.

 

Khi ở Sing tôi trọ chung nhà với bạn bè tới từ nước khác và đi học thì bạn bè cũng đa quốc gia. Nhiều khi giờ ăn trưa hay bạn bè rủ đi coffee, trong nhóm có 2-3 người Việt Nam còn lại thì đa quốc gia. Lúc đầu tôi toàn dùng tiếng Việt để nói chuyện với bạn người Việt và chỉ dùng tiếng Anh nói với bạn nước ngoài thì thấy mấy bạn nước ngoài tỏ vẻ khó chịu, còn mấy bạn Việt thì khuyên tôi nên nói tiếng Anh.

 

Vì người nước ngoài họ không hiểu tiếng Việt nhiều khi lỡ họ nghĩ mình nói xấu, có gì muốn giấu diếm, chuyện mờ ám gì đó nên mới không nói tiếng Anh.

 

Tôi ngỡ ngàng hiểu ra vấn đề, không hề cảm thấy khó chịu khi bị chỉnh lưng mà còn thấy thật thú vị, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Xin nói thêm là ở mấy nước nói tiếng Anh này thì ai cũng nói được tiếng Anh, mặc dù chỉ là ngôn ngữ thứ hai thôi nhưng từ chị bán hàng ngoài chợ đến cô lao công trong mấy khu mua sắm họ đều nói tiếng Anh hàng ngày, nên tiếng Anh nó bình thường lắm, chả có gì là khoe mẽ ở đây hết.

 

Sau này vì một số lý do, tôi không ở Sing nữa mà về Việt Nam khoảng 2 năm, thời gian này tôi ít xài tiếng Anh. Sau lại qua Australia, tôi ở apartment for student, nói nôm na là khu nhà cho sinh viên, khác với ký túc xá.

 

Ai từng du học thì sẽ biết ở như vậy rất vui, vì cuối tuần nào cũng có party và sinh viên thì rất vui vẻ, hòa đồng, uống vào rồi thì rất máu lửa. Vì cũng lâu và ít xài tiếng Anh nên khi trong party có bạn người Việt tôi lại quên cái vụ ECC mà phang tiếng Việt trong lúc party.

 

Lúc đó đang đứng thành vòng tròn nói chuyện nên có bạn người Nam Phi nói tôi hãy tôn trọng mọi người mà xài tiếng Anh, vì tôi không hiểu anh đang nói gì và không thể tham gia vào câu chuyện. Chợt nhớ ra văn hóa ECC này nên tôi phải xin lỗi rối rít.

 

Sau tôi đổi chỗ ở vì gần trường với chỗ làm hơn, có chơi thân với một anh bạn người Đức chung nhà, cuối tuần cũng hay đi đá banh hay tập Gym, pub, party này nọ. Ngạc nhiên là khi đi với đám bạn anh này toàn người Đức mà họ chỉ dùng tiếng Anh để giao tiếp, chỉ khi nào không có tôi như đi WC nghe điện thoại hay ra ngoài hút thuốc họ mới xài tiếng Đức.

 

Tôi cảm thấy rất thoải mái khi đi với đám bạn này. Nhưng có lần tôi và anh bạn Đức này đi với anh bạn người Thái mới chuyển đến nhà, lần đó đi lễ hội tạt nước Songkran của người Thái thì thật là… Họ toàn nói tiếng Thái mà không dùng tiếng Anh gì cả. Được khoảng 30 phút thì tôi và anh bạn Đức bỏ về đi pub chơi vì cảm thấy khá khó chịu.

 

Vấn đề là nhóm bạn Thái ở đây mấy năm rồi và họ cũng hiểu về ECC nhưng không quan tâm. Từ đó mỗi lần anh bạn Thái rủ đi đâu chúng tôi đều từ chối.

 

Tôi không thiên vị hay nói người nước nào tốt hết, vì nước nào, môi trường nào đều có người này người kia. Nhưng nếu chọn đi chơi với nhóm bạn nước ngoài thì tôi sẽ đi với nhóm nào xài tiếng Anh. Còn không thì tôi cảm thấy mình như người thừa vậy.

 

Hiện tại tôi sống ở Việt Nam và dạy Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ. Chung chỗ làm có rất nhiều người nước ngoài nên mỗi khi rảnh chúng tôi cũng hay trò chuyện. Thật sự tôi thấy nhiều khi đang nói chuyện mà cả nhóm giáo viên người Việt toàn dùng tiếng Việt để nói, còn mấy đồng nghiệp nước ngoài tròn mắt và móc điện thoại ra bấm hay bỏ đi chỗ khác. Nói chung là họ cảm thấy không thoải mái nhưng vì làm chung và lịch sự nên không ra mặt.

 

Duy nhất chỉ có tôi, một anh Việt kiều đẻ ra bên Mỹ và một bạn từng du học ở Canada là hiểu vấn đề nên chúng tôi chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh trước mặt người nước ngoài. Bây giờ thì bắt đầu xảy ra vấn đề, nhiều người nghĩ chúng tôi chảnh chọe hay muốn thể hiện nên toàn nói tiếng Anh.

 

Tôi sống ở nước ngoài cũng một thời gian nên bị ảnh hưởng chút ít, tôi cũng mặc kệ, không quan tâm, ai thích thì nói chuyện, không thì cũng mặc kệ, làm hết giờ rồi out. Trời ơi! Đã dạy Anh văn rồi thì ai trong trung tâm này cũng như nhau thôi chứ hơn thua làm gì cho mệt. Đa số người có thành kiến là những người chưa bao giờ sống ở nước ngoài nên họ không biết về ECC.

 

Cũng may trong trường đa số là giáo viên nữ nên họ hay rủ đi ăn uống này nọ, cũng là có dịp để đồng nghiệp làm chung tạo mối quan hệ tốt hơn. Một lần có người lên tiếng hỏi là tại sao người Việt với người Việt mà lại dùng English để nói chi cho mệt.

 

Tôi mới nói về ECC, có anh Việt kiều rành hơn tui nhiều về vấn đề đó nên giải thích rõ lắm, xong mọi người đều trố mắt ra ‘Ủa zậy hả? Thiệt không? Ngộ quá ta? Mới nghe lun ta ơi’. Từ đó mọi người mới bớt thành kiến về tôi và 2 người kia.

 

Qua mấy câu chuyện trên tôi chỉ muốn mọi người tham khảo thêm về văn hóa nói tiếng Anh trong cuộc sống để không phải bỡ ngỡ hay nhiều khi thấy trong một nhóm có Tây có ta, mà người Việt mình dùng tiếng Anh thì đừng có thành kiến với họ.

 

Nếu ai có ý định vào làm trong công ty nước ngoài, hay đang làm, mấy bạn chuẩn bị đi du học, hay anh, chị nào đi định cư nước ngoài thì nên tìm hiểu về văn hóa ECC. Tiếng Anh không khó, nói hàng ngày thì sẽ quen. Nói cho cùng nó chỉ là một ngôn ngữ thôi, nên đừng thần thánh hay sợ nó quá.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply