Muôn màu đời sống du học sinh

0

SSDH – Du học là ước mơ và cơ hội để các bạn trẻ có thể được đi học tại các nước phát triển, nơi có nhiều trường đại học với chất lượng đào tạo cao, điều kiện sống và học tập tốt. Tuy nhiên, trong đời sống, sinh hoạt thường ngày, không ít du học sinh bỡ ngỡ khi đặt chân lên đất khách quê người.

 du-hoc-sinh.jpg

Sau những giờ học căng thẳng, bạn Nguyễn Hải Bình (bìa trái) cùng các bạn du học sinh Việt Nam

tổ chức picnic ngoài trời.

 

Rời gia đình đến một vùng đất xa xôi, mới mẻ, áp lực làm quen với con người và môi trường, vừa đi học vừa đi làm không phải là điều dễ dàng đối với các du học sinh. Họ phải phải đối mặt với sự ngỡ ngàng và những khó khăn như: nỗi nhớ nhà, sự bất đồng ngôn ngữ, khó khăn về tài chính, áp lực học tập với bài vở “chất cao như núi”, những bài thuyết trình liên tục… Khi được hỏi về những trải nghiệm về môi trường học tập, sinh hoạt trong thời gian đi du học, Nguyễn Hải Bình, du học sinh trường Chemical Technology tại Prague (CH Séc), cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu cho biết: “Lúc đầu xa gia đình mình rất nhớ nhà và không quen với các sinh hoạt, ăn uống nơi đây. Rau ở đây đắt hơn thịt gà. Nhiều lúc mình thèm được ăn bữa cơm gia đình. Những bỡ ngỡ ban đầu bao giờ cũng  tạo ra áp lực rất lớn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Hàng trăm thứ phải lo toan, xoay xở khi không có người thân bên cạnh động viên, giúp đỡ. Nhưng sau 6 năm, chính những điều đó đã tạo giúp mình trưởng thành hơn, có cái nhìn toàn diện và tích lũy những kinh nghiệm trong cuộc sống”. Bên cạnh đó, môi trường học tập cũng đã giúp Hải Bình tự tin hơn. Đó là sự độc lập trong cách làm việc và tư duy, sự chủ động khi tiếp cận với kiến thức mới và cách nhìn nhận sâu sắc về các vấn đề.

 

Du học được hơn 6 tháng, Lê Thị Hồng Nhung, cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Vũng Tàu), hiện đang học chuyên ngành Master of Teaching của trường Newcastle (Australia) chia sẻ: “Ra nước ngoài mình có cơ hội sống độc lập, thay đổi cách nhìn nhận về quan hệ quốc tế và có cơ hội mang những kiến thức thực tế học được về Việt Nam”. Vốn là người thích nghi nhanh và hòa đồng nhưng Hồng Nhung cũng không tránh khỏi khó khăn trong việc viết khóa luận bằng tiếng Anh trong những tuần đầu đi học. Với Đồng Anh Nhân, hiện đang du học tại trường ACG (New Zealand) cho biết: “Khi mới sang, vấn đề khó khăn nhất của em là ngôn ngữ và văn hóa, vì mọi người giao tiếp chủ yếu là tiếng Anh. Tuy ở lớp trình độ ngoại ngữ em tương đối khá nhưng em cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ khi tiếp thu bài giảng, vì giáo viên nói nhanh”.

 

Dù là du học tự túc hay với học bổng toàn phần, du học sinh vẫn phải đối mặt với nỗi lo chi phí ăn ở. Với mức sinh hoạt phí trung bình 4-5 triệu đồng/tháng/người, ngoài giờ học, Hải Bình còn đi làm thêm để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống, đồng thời giúp tích lũy thêm vốn sống cần thiết cho bản thân. Hải Bình cho biết: “Chương trình học ở đây khá nặng và khó, nên du học sinh phải sắp xếp, cân đối để việc làm thêm mà không ảnh hưởng đến việc học. Công việc làm thêm đa số là phát tờ rơi, bồi bàn, thu ngân… may mắn xin được làm trong văn phòng thì đỡ vất vả hơn, nhưng lương rất thấp, dao động từ 60.000 – 200.000 ngàn đồng/giờ. Chuyện tìm được công việc làm thêm hầu như đều thông qua các mối quan hệ quen biết, do bạn bè giới thiệu, thế chỗ người quen vào làm, rồi giới thiệu cho bạn bè thay vào chỗ làm cũ của mình. Có những ngày cuối tháng hết tiền, mình chỉ ăn toàn trứng, vì trứng ở đây rẻ nhất” – Hải Bình cười nói. Bắt đầu du học từ cấp PTTH và có 6 năm trải nghiệm với môi trường học tập tại Mỹ, Lê Phúc, cựu học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) chia sẻ: “Ở đây rất nhiều bạn sinh viên đi làm thêm, công việc khá vất vả, đòi hỏi sự nhanh nhẹn và ý thức kỷ luật cao. Với một du học sinh, tiền lương từ việc làm thêm cũng chỉ đủ cho ăn uống chi tiêu và học phí”.

 

Dù ở bất kỳ đâu, làm gì, cuộc sống của du học sinh cũng gặp muôn vàn khó khăn. Đó không phải là con đường trải đầy hoa hồng như các bạn thường nhầm tưởng mà phải được xây dựng bằng sự chăm chỉ và lòng quyết tâm. “Một khi đã chuẩn bị kỹ được hành trang kiến thức cho mình thì hãy nên mơ tưởng đến du học. Du học không chỉ để lấy kiến thức qua bài vở, các bạn nên cố gắng thu xếp thời gian, cân đối giữa việc học và chơi, tìm hiểu văn hóa, hòa mình vào cuộc sống của họ. Với những khó khăn, các bạn phải có được một tâm lý vững vàng và tìm đến những hội sinh viên tại các trường để được chỉ dẫn hỗ trợ” – Nguyễn Khánh, du học sinh ngành kinh tế, Đại học Anh Quốc chia sẻ.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Báo Bà Rịa

 

Share.

Leave A Reply