SSDH – Chủ nhân giải thưởng của cuộc thi lần 41 – 2012 là Nguyễn Đăng Quý Minh, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội. Sau 10 năm, Hà Nội mới lại có giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU.
Với đề tài “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói thế vận hội (Olympic Games) có ý nghĩa gì đối với mình”, Quý Minh đã gửi thư đến anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch môn chạy 50m tại Thế vận hội Olympic đặc biệt dành cho người thiểu năng trí tuệ Athens 2011.
Nguyễn Đăng Quý Minh, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội. (Ảnh: Võ Hoàng Tuấn)
* Vì sao bạn quyết định viết thư gửi cho anh Ngô Hữu Kỳ Phong?
– Mình rất thích bóng đá nên ban đầu mình nghĩ sẽ viết thư cho cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo… Nhưng một hôm, tình cờ lên mạng mình đọc được thông tin về anh Ngô Hữu Kỳ Phong, vận động viên Việt Nam giành huy chương vàng nội dung chạy 50m tại Thế vận hội Olympic đặc biệt dành cho người thiểu năng trí tuệ Athens 2011.
Mình thật sự xúc động và khâm phục khi biết anh ấy tuy không may mắc bệnh Down nhưng vẫn luôn giữ niềm tin lạc quan, khát vọng sống mãnh liệt và can đảm vượt qua bệnh tật để tích cực luyện tập thể thao. Ngoài ra, mình nghĩ người Việt
* Chủ đề cuộc thi năm nay là nói về ý nghĩa của thế vận hội (Olympic Games). Bạn cảm thấy chủ đề này thế nào?
– Mình nghĩ Olympic không chỉ là một sân chơi thể thao đề cao vấn đề thành tích, mà còn là nơi tôn vinh những vận động viên dám chiến thắng bản thân và nỗ lực hết mình để bước lên đỉnh vinh quang.
Mọi người thường cho rằng những cầu thủ như Messi hay Ronaldo bẩm sinh đã đá bóng giỏi nhưng ít ai biết để được thế giới công nhận, tự bản thân họ phải cố gắng và tự học không ngừng. Chẳng hạn như Ronaldo thường ở lại sau mỗi buổi tập 30 phút để tập sút phạt, hay Messi đã có thời điểm đeo chì vào chân để luyện tập đá bóng.
* Bạn mất bao lâu để hoàn thành bức thư?
– Mình hoàn tất trong vòng một tuần, phải viết đến lần thứ ba mới thấy hài lòng.
* Bạn có nhờ ai góp ý cho bức thư?
– Mình đã đưa bức thư cho thầy giáo dạy võ đọc và thầy khen tư tưởng cũng như cách khai thác vấn đề của bức thư khá tốt. Song, thầy góp ý là không nên viết những câu văn nặng tính triết lý, hô hào sáo rỗng mà cần gần gũi với thực tế cuộc sống, đúng với lứa tuổi của mình. Lúc về nhà mình đã đọc lại bức thư, suy ngẫm và sửa theo lời khuyên đó.
* Phần nào của bức thư khiến bạn đau đầu nhất?
– Đó chính là phần kết. Mình đã suy nghĩ rất nhiều để có thể viết được một cái kết mở và trọn vẹn.
* Bạn muốn truyền tải thông điệp gì qua phần kết của bức thư?
– Mình hi vọng sẽ góp phần thay đổi quan niệm của mọi người. Đừng bao giờ bằng lòng với những gì đang có, đừng bao giờ cho rằng mình kém cỏi bởi bên trong mỗi người đều có một khả năng rất lớn. Vấn đề là mọi người có biết cách đánh thức “gã khổng lồ đang ngủ quên” này hay không.
Quý Minh và cô Phạm Thanh Thủy, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội. (Ảnh: Võ Hoàng Tuấn)
* Bạn có thể chia sẻ bí quyết học tốt môn văn?
– Mình không bao giờ cầm bút viết liền một mạch mà sẽ gạch ra giấy sườn bài, các ý định triển khai và luôn chịu khó làm đi làm lại nhiều lần để trau chuốt câu văn, cách diễn đạt. Mình cũng chủ động lên thư viện của trường và mạng Internet để làm phong phú thông tin cho bài văn.
* Ước mơ của bạn là gì?
– Mình muốn trở thành một luật sư giỏi để có thể bảo vệ lẽ phải, sự công bằng cho tất cả mọi người.
Theo Võ Hoàng Tuấn
Tuổi Trẻ Online