“Narratage”: Tan vỡ bao nhiêu, em cũng yêu anh nhiều nhường ấy

0

Sẵn sàng du học – "Lời Tự Thuật" là một câu chuyện tình buồn, xoay quanh một mối quan hệ nguy hiểm vấn vương những hoài niệm trong cơn mưa và sự khát khao mãnh liệt về quyền yêu và được yêu.

Narratage (Lời Tự Thuật) là tác phẩm điện ảnh được xây dựng dựa trên tiểu thuyết Narataju của nhà văn Rio Shimamoto. Phim được đạo diễn Isao Yukisada khắc họa nên trên phông nền trầm buồn, ám ảnh với những ký ức về một mối tình thầy trò đẹp đẽ mà bi thương.

ssdh-narratage

 

Câu chuyện bắt đầu từ cơn mưa rơi ngoài trời đêm. Mưa luôn mang theo sự lãng mạn, nỗi buồn và sự nhớ nhung về những ngày tháng xưa cũ. Những hạt mưa rơi xuống, lời tự sự của Izumi Kudo (Kasumi Arimura) cất lên, kể về tình yêu mãi mãi và duy nhất của đời cô.

Vào năm hai đại học, sinh viên Izumi nhận được cuộc gọi từ Takashi Hayama (Jun Matsumoto), thầy giáo hướng dẫn tại câu lạc bộ nhạc kịch trung học. Đồng ý với lời đề nghị tham gia vào đội kịch của thầy, Izumi quay trở lại trường. Từ đó, những cảm xúc yêu thương dành cho người thầy năm xưa trỗi dậy, đẩy Izumi vào vòng xoáy của một cuộc tình sai trái, ngọt ngào và đau thương.

ssdh-narratage1

 

Thuở ấy, Izumi là một nữ sinh sống nội tâm, tự giam hãm mình trong những tổn thương tinh thần. Cô bé cứ cô đơn sống trong thế giới của riêng mình. Thế rồi thầy Takashi xuất hiện. Sự quan tâm, giúp đỡ chân thành của thầy đã làm lay động trái tim người thiếu nữ. Izumi rung động và ngây dại tựa như con thiêu thân lao vào ánh lửa, biết rằng tình yêu này sẽ không nhận được hồi đáp nhưng vẫn cứ cố chấp yêu thương.

Còn Takashi, một con người mẫu mực, anh đã từ chối tình cảm của Izumi. Nhưng trái tim khác với lý trí. Anh đau khổ khi phải kiềm chế tình cảm của mình dành cho cô học trò. Đó là vì anh bị ràng buộc bởi hôn nhân, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người đàn ông đã có gia đình, đó là vì những tổn thương và đau buồn trong quá khứ. Nhưng những đam mê, khao khát được yêu khiến anh cứ mãi hướng về người con gái bé nhỏ ấy.

Tình yêu vốn không có đúng hay sai, chỉ có những nhân tình cứ mãi day dứt, hành hạ bản thân mình trong sự lựa chọn yêu hay không yêu. Giữa Izumi và Takashi luôn tồn tại những xúc cảm yêu thương rõ rệt nhưng lại bị ngăn cản bởi giới hạn đạo đức của con người, chuyện tình của họ rồi sẽ đi đến đâu?

ssdh-narratage2

Lời Tự Thuật không đơn thuần là câu chuyện buồn về tình yêu nam nữ mà kịch bản còn ẩn chứa những giá trị nhân văn sâu sắc về cuộc sống và tình yêu. Điều đó khiến cho diễn biến tâm lý của các nhân vật càng trở nên phức tạp, đòi hỏi cao về kỹ năng diễn xuất. Jun Matsumoto và Kasumi Arimura đã hoàn thành khá "tròn" vai diễn của mình. Đó là một cặp đôi trái ngang, có mối quan hệ được coi là "trái táo cấm" trong phim.

Ánh mắt buồn, giọng nói đầy chất tự sự của Kasumi Arimura đã chuyển hóa thành một Izumi dịu dàng, nữ tính nhưng rất mạnh mẽ, quyết liệt khi thể hiện tình yêu trong tâm của mình. Gương mặt trầm mặc, đầy sự từng trải của Jun Matsumoto khiến cho nhân vật Takashi trở nên ôn nhu, lãnh đạm và chất chứa nhiều tâm sự trong sự dằn vặt về tinh thần. Matsumoto và Kasumi đã truyền tải một cách trọn vẹn, rất tự nhiên về sự giằng xé trong nội tâm và khao khát yêu thương mãnh liệt.

ssdh-narratage3

 

Bên cạnh hai nhân vật chính, Lời Tự Thuật còn có sự xuất hiện của nam phụ Reiji Ono do nam diễn viên tài năng Kentaro Sakaguchi hóa thân. Với nụ cười tỏa nắng của mình, Kentaro đã diễn tả được một Ono ân cần, chân thành khi đang yêu và điên loạn trong ghen tuông vì cảm thấy mình bị Izumi lợi dụng làm người thay thế Takashi.

Diễn xuất của các diễn viên dường như càng tỏa sáng trong tông màu vàng nâu trầm bao trùm cả không gian và bối cảnh phim. Nhịp phim chậm rãi, lắng đọng đan xen giữa thực tại và quá khứ nhằm gợi nhớ về một mối tình khắc cốt ghi tâm. Màu sắc điện ảnh được sử dụng bao gồm gam màu lạnh thể hiện nỗi đau và chất màu ấm, dịu dàng như ánh lửa để thể hiện niềm hạnh phúc khi được yêu thương.

Sự tương phản trong khung cảnh giữa đau thương và hạnh phúc đã tạo nên những xúc cảm đối nghịch cho khán giả. Một bộ phim sẽ khiến bạn xúc động và khắc khoải, trăn trở trong câu hỏi: Tình yêu sẽ tồn tại ở ngưỡng giới hạn nào?

ssdh-narratage4

Lời Tự Thuật có góc quay rất nghệ thuật, nhất là những đoạn quay cận mặt nhân vật nhằm đặc tả sự phức tạp trong quá trình biến đổi tâm lý của con người. Ngoại cảnh rất đẹp và thơ mộng với những cảnh sắc đời sống chân phương, mộc mạc. Cảnh thiên nhiên rất thật, sống động trong màu sắc và âm thanh, đặc biệt là cảnh về mưa. Cơn mưa như dẫn dắt quá trình phát triển tâm lí của nhân vật và tạo nên sự lãng mạn, chất trữ tình sâu lắng cho câu chuyện.

Cũng lấy đề tài là tình yêu thầy trò nhưng Lời Tự Thuật lại có phần nặng nề, u ám hơn tác phẩm Thầy Ơi! Em Yêu Anh phát hành cùng thời điểm. Nếu Thầy Ơi! Em Yêu Anh là ly trà sữa được giới trẻ ưa chuộng thì Lời Tự Thuật là ly cà phê đắng dành cho những kẻ trưởng thành thưởng thức. Những ai từng trải qua những đau thương, vương vấn trong tình yêu mới thấu hiểu và đồng cảm với thứ tình cảm mơ hồ và thiêng liêng đó của Izumi.

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, dừng lại để bắt đầu một hạnh phúc mới, đó chính là điều mà bộ phim muốn gửi gắm. Đôi khi sự nuối tiếc, chia ly mới thực sự khiến mỗi chúng ta trân trọng, nâng niu thứ tình cảm quý giá này. Dù có đau khổ thì ít nhất con người cũng cảm nhận và biết như thế nào là yêu, giống như lời thì thầm trong trái tim của cô gái Izumi: "Em yêu anh nhiều như cách nó tan vỡ".

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply