SSDH – Tôi đến Trường St. Gilgen rất tình cờ, bởi trong dự định ban đầu, điểm đến sẽ là nước Mỹ. Khi xem danh bạ các trường, thấy có giới thiệu thêm các trường ngoài Mỹ, tôi vào website của St. Gilgen và quyết định chọn.
Trần Ngọc Thu ngồi ngoài cùng bên phải
Lúc đó, quả là tôi có chút băn khoăn vì thấy trước giờ chẳng ai du học trung học phổ thông tại Áo cả. Theo quy định, học sinh phải làm một bài luận ngắn giới thiệu về mình hoặc một đặc điểm nào đó về đất nước mình để gửi cho trường.
Sau rất nhiều lựa chọn, tôi lấy chủ đề về các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam để thực hiện bài luận. Cụ thể là nói về sáo trúc, loại nhạc cụ ông nội tôi rất yêu thích. Kết quả vượt ngoài mong đợi, bài luận của tôi được đánh giá rất cao. Thầy cô và bạn bè đều rất ngạc nhiên về loại nhạc cụ độc đáo này và nhờ bài luận tốt mà tôi được cấp học bổng của trường.
Tôi học chương trình IB – là chương trình tú tài quốc tế với đòi hỏi cao hơn nhiều so với trình độ trung học phổ thông. Ba tháng đầu, học 6 môn thì có đến 5 môn tôi phải “gồng”. Sự khác biệt lớn nhất giữa chương trình học ở Áo và Việt Nam là học sinh chỉ phải học 6 môn thay vì 12 – 13 môn như ở Việt Nam.
Tuy số môn ít hơn phân nửa nhưng chúng tôi phải học chuyên sâu và tự học là chủ yếu. Học tại Áo, hoạt động ngoại khóa là bắt buộc và có rất nhiều hoạt động để lựa chọn, nếu không chọn được hoạt động nào thì sẽ phải tự lập ra câu lạc bộ. Hoạt động tôi chọn là trở thành thành viên của “Mạng lưới các vấn đề toàn cầu”, trình bày một kế hoạch hoạt động tại hội thảo “Mạng lưới vấn đề toàn cầu tại Luxembourg 2011”.
Thực sự, ba tháng đầu đến St. Gilgen tôi gặp rất nhiều khó khăn: lạ nước lạ cái, vừa phải làm quen với bạn bè, vừa phải lo chuyện điểm số, rồi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thêm vào đó, là học sinh châu Á đầu tiên nên sự hòa nhập cũng không dễ dàng. Hầu hết mọi người ở nơi tôi học không biết Việt Nam ở đâu và hay nhầm lẫn với các nước châu Á khác. Tôi dự định tổ chức một Ngày châu Á thật quy mô ở trường để quảng bá hình ảnh của châu lục có đất nước mình và cố gắng duy trì Câu lạc bộ “Mạng lưới các vấn đề toàn cầu” của mình.
Trong tương lai, tôi muốn trở thành một nhà hoạt động xã hội, thế nên các hoạt động của tôi ở trường đều liên quan đến các vấn đề toàn cầu. Cơ hội có rất nhiều, chỉ cần các bạn có niềm tin, đam mê và quyết tâm, nhất định các bạn sẽ tìm được con đường phù hợp với mình và quan trọng là đừng bao giờ từ bỏ ước mơ
TRẦN NGỌC THƯ – Du học sinh Trường quốc tế St. Gilgen – Cộng hòa Áo