Người Việt đầu tiên nhận giải thưởng sáng tạo toàn cầu U35

0

SSDH – Lần đầu tiên một người Việt Nam nằm trong danh sách 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất năm 2014 do tạp chí MIT Technology Review bình chọn. Tạp chí này đã có một bài viết ngắn mô tả về quá trình nghiên cứu của chàng trai 32 tuổi.

 Tiến%20sĩ%20Lê%20Viết%20Quốc.jpg

Tiến sĩ Lê Viết Quốc là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng danh giá TR35 (Ảnh: Facebook nhân vật)

 

Lê Viết Quốc:

– Cựu học sinh Quốc học Huế

– Từng học tại ĐH Quốc gia Úc

– Từng làm nghiên cứu ở Đức

– Hoàn thành luận án tiến sĩ ở ĐH Stanford

– Làm việc ở Google 2 năm

– Giảng viên tại Carnegie Mellon University (Mỹ)

 

Sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng thuộc huyện Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế), Lê Viết Quốc từng sống trong cảnh sinh hoạt mà không có điện. Nhưng may mắn là nhà anh gần thư viện. Đọc được những cuốn sách viết về những phát minh vĩ đại của nhân loại, anh mơ ước một ngày nào đó mình cũng sẽ đóng góp vào danh sách này.

 

Năm 14 tuổi, anh cho rằng thế giới sẽ thay đổi nếu có một chiếc máy đủ thông minh để làm một nhà phát minh. Ước mơ đó bây giờ vẫn chỉ là ước mơ. Nhưng nó đã truyền cảm hứng để Quốc trở thành một trong những người tiên phong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo – thứ có thể cho phép các phần mềm hiểu về thế giới tốt hơn cách mà con người đang làm.

 

Phát minh này được nảy ra mỗi lần anh cảm thấy thất vọng khi còn học ở ĐH Quốc gia Úc và sau đó là nghiên cứu sinh ở ĐH Stanford mỗi lần anh tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo. Những thứ được gọi là phần mềm trí tuệ nhân tạo thường cần rất nhiều sự hỗ trợ từ con người. Người ta phải chú thích dữ liệu, ví dụ như chú thích những bức ảnh có hoặc không có khuôn mặt trước khi phần mềm có thể hiểu. Sau đó, người ta phải cho phần mềm biết những chi tiết quan trọng cần chú ý trong dữ liệu đó. Kiểu công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn này khiến Quốc thấy khó chịu. Mặc dù tính tình rất dễ chịu với người khác, nhưng anh đặt nhiều kỳ vọng hơn vào những chiếc máy này. “Tôi không phải người kiên nhẫn” – anh cười và nói.

 

Khi còn ở Stanford, Quốc đã vạch ra một chiến lược cho phép phần mềm tự hiểu mọi thứ. Các học giả bắt đầu báo báo những kết quả đầy hứa hẹn nhưng rất mất thời gian về phương pháp được gọi là “deep learning” – phương pháp sử dụng các mạng lưới tế bào thần kinh mô phỏng.

 

Quốc đã tìm ra cách tăng tốc quá trình bằng cách xây dựng mạng lưới thần kinh mô phỏng lớn gấp 100 lần. Nó có khả năng phân tích dữ liệu nhiều gấp hàng nghìn lần. Đó là một phương pháp đủ thực tế để thu hút sự chú ý của Google – nơi đã thuê anh kiểm tra tiến trình này dưới sự hướng dẫn của GS Andrew Ng.

 

Khi kết quả nghiên cứu của GS Ng được công bố vào năm 2012, một cuộc đua đầu tư cho nghiên cứu “deep learning” được dấy lên ở Facebook, Microsoft và các công ty khác. Dù không có sự hỗ trợ từ con người nhưng hệ thống này biết cách phát hiện ra mèo, người và hơn 3.000 vật khác chỉ bằng cách phân tích 10 triệu hình ảnh lấy từ các video trên Youtube. Điều đó chứng minh rằng máy móc có thể hiểu được mà không cần sự hỗ trợ từ con người và hệ thống này đã đạt đến một trình độ mới.

 

Công nghệ này hiện đang được sử dụng trong phần mềm tìm kiếm hình ảnh và nhận dạng giọng nói của Google. Mặc dù ước mơ về chiếc máy phát minh của Quốc vẫn còn xa vời nhưng với phát minh này, anh đã giúp cho cuộc sống của con người tốt hơn rất nhiều.

 

Nguồn: Vietnamnet

Share.

Leave A Reply