Những cách đơn giản thực hiện ngay tại nhà để tiết kiệm nước sạch

0

Sẵn sàng du học – Thật dễ dàng để lấy nước ra khỏi vòi và cũng thật dễ dàng để đổ chúng đi. Tuy nhiên, nước, đặc biệt là nước sạch, không phải là tài nguyên vô tận.

Có một sự thật phải thừa nhận là nước không phải thứ mà chúng ta nghĩ đến trong hầu hết cuộc đời mình. Nó chỉ là một điều bình thường và hiển nhiên, như thể không khí là để thở và rau trái là để ăn vậy. Thật dễ dàng để lấy nước ra khỏi vòi và cũng thật dễ dàng để đổ chúng đi. Tuy nhiên, nước, đặc biệt là nước sạch, không phải là tài nguyên vô tận.

Làm một phép tính đơn giản. Nước chiếm 3/4 diện tích bề mặt Trái đất nhưng chỉ 3% là nước ngọt có thể sử dụng được. Trong 3% đó, chỉ có 0,3% nước thuộc về các sông hồ, 30% là nước ngầm, và đến 69,7% lượng nước nằm ở các sông băng, núi băng. Trong 30,3% nước ngọt có thể sử dụng, một lượng lớn nước mặt và nước ngầm đang bị ô nhiễm, và sẽ tiếp tục bị ô nhiễm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 3/2018, có khoảng 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống đảm bảo an toàn; khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước (và có thể tăng lên 3 tỷ người vào năm 2050); hơn 80% lượng nước thải do xã hội tạo ra trở lại môi trường tự nhiên mà không cần xử lý hoặc được đem đi tái sử dụng; mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì sử dụng nước bị ô nhiễm.

ssdh-sinh-vien-nuoc-water

Ngày 12/4 năm nay, thành phố Cape Town chính thức cạn kiệt nước. Truyền thông gọi ngày này là Day Zero, cảnh báo tình trạng khan hiếm nước trên toàn thế giới. Nguồn nước đã khan hiếm lại ngày càng ô nhiễm, không khó để tưởng tượng viễn cảnh tồi tệ mà chúng ta đang phải đối mặt. Bạn nghĩ rằng khan hiếm nước hay ô nhiễm nước chỉ là chuyện xa vời? Không đâu, nó đang đến ngay sau lưng bạn rồi. Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước sạch không phải là chuyện của “ai đó”, nó là vấn đề sống còn của chính chúng ta.

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Bạn hoàn toàn có thể “làm điều gì đó” ngay từ hôm nay. Ví dụ như:

1. KIỂM TRA RÒ RỈ NƯỚC

Một vòi nước rỉ lãng phí trung bình 120 lít nước mỗi ngày, vậy nên, hãy chắc chắn khóa chặt vòi sau khi sử dụng, đồng thời thường xuyên kiểm tra hệ thống ống nước trong nhà. Rò rỉ nước trong bồn vệ sinh cũng làm thất thoát một lượng nước rất lớn. Hãy thay ngay ống dẫn nước hoặc nút chặn nước trong bồn vệ sinh. Không chỉ tiết kiệm nước sạch, bạn còn tiết kiệm một khoản tiền kha khá cho gia đình mình nữa đấy!

2. ĐIỀU CHỈNH LƯỢNG NƯỚC SỬ DỤNG

Bồn vệ sinh hiện đại nào cũng có 2 nút xả: nút nhỏ chỉ xả một nửa bồn chứa (khoảng 3 lít) còn nút lớn sẽ xả toàn bộ nước trong bồn (4 – 6 lít tùy bồn). Tuy nhiên, nhiều người có thói quen luôn nhấn nút lớn hoặc nhấn cả hai nút. Nếu bạn có thói quen như vậy thì hãy thay đổi nhé. Nhớ nhấn nút phù hợp với mục đích sử dụng. Tương tự, khi rửa chén, rửa rau quả hay khi giặt quần áo bằng tay, nên hứng sẵn một chậu nước sạch. Chỉ rửa trực tiếp dưới vòi chảy khi thật cần thiết và trong trường hợp đó nên điều chỉnh vòi chảy vừa đủ dùng (thực tế là chúng ta luôn mở vòi xả ở mức lớn nhất, điều này thực sự gây lãng phí rất nhiều nước sạch).

3. TẮT VÒI KHI KHÔNG SỬ DỤNG

Thú nhận đi, có phải bạn vẫn để vòi nước mở khi rửa mặt, đánh răng, rửa tay, rửa chén bát… dù không dùng đến? Và lý do thường là vì… lười gạt vòi khóa. Vậy thì từ hôm nay, hãy chịu khó làm thêm một thao tác để tiết kiệm nước sạch cho tương lai nhé.

4. HẠN CHẾ TẮM BỒN

Sau một ngày dài làm việc, trở về nhà và ngâm mình trong bồn nước nóng, thật sảng khoái biết bao. Đó là nhu cầu chính đáng của bất cứ ai. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn hãy hạn chế tắm bồn nhé. Thay vì ngày nào cũng tắm bồn, bạn có thể giảm xuống còn 2 lần/tuần. Bạn biết đấy, mỗi lần sử dụng bồn tắm, bạn cần đến 136 lít nước, trong khi tắm nhanh bằng vòi hoa sen trong 10 phút thì chỉ tốn khoảng 75 lít nước thôi. Hơn nữa, Học viện Da liễu Mỹ còn cho biết là ngâm mình trong bồn tắm quá lâu sẽ khiến cho da bị khô hơn, thậm chí gây viêm nang lông. Đặc biệt, những người bị bệnh về da như chàm, eczema… cho dù tắm vòi sen hay tắm bồn đều không được quá 10 phút. Như vậy, không chỉ tiết kiệm nước sạch, việc tắm nhanh dưới vòi sen còn giúp bạn cải thiện tình trạng của làn da.

ssdh-sinh-vien-nuoc-water1

 

5. GIẶT GIŨ THÔNG MINH

Đừng sử dụng máy giặt chỉ để giặt vài bộ đồ mỏng với mực nước tối đa. Hãy chọn mực nước giặt vừa phải, hoặc gom cho đủ lượng quần áo để giặt với công suất lớn nhất, tránh giặt quần áo liên tục để không lãng phí nước. Ngoài ra, một số trang phục như quần jean, áo nỉ, áo len… không nên giặt thường xuyên, chúng vừa ngấm nhiều nước khi giặt mà lại vừa mau giảm tuổi thọ đấy.

6. TẬN DỤNG CÁC NGUỒN NƯỚC MỘT CÁCH HỢP LÝ

Đối với nước rửa chén, rau củ quả, nước rửa lần cuối có thể dùng lại vào việc khác như cọ rửa hoặc lau nhà. Còn nước bẩn (không có xà phòng) có thể được dùng để tưới cây, tưới đất cho ít bụi. Đối với một số nhà có sân vườn, sân thượng, ban công… bạn có thể đặt các thùng để hứng nước mưa cho việc rửa đồ dùng, tưới cây… Bạn cũng không nên dùng vòi xịt để tưới cây hay rửa sân, thay vào đó hãy dùng ca múc nước hoặc bình tưới cầm tay để kiểm soát được lượng nước sử dụng.

7. HÃY PHỦ MỘT LỚP MÙN XUNG QUANH CÂY VÀ CÂY CẢNH

Mùn có thể làm chậm sự thoát hơi nước và hạn chế sự phát triển của cỏ dại. Bổ sung 5 – 10 cm chất hữu cơ như phân trộn hoặc lớp mùn cứng có thể tăng khả năng giữ hơi nước của đất. Đây chính là tiền đề giúp cho lượng nước ngầm trở nên dồi dào và ít hao tổn hơn.

8. HẠN CHẾ XẢ RÁC THẢI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Không xả rác, thải nước bẩn xuống nguồn nước và xử lý rác sinh hoạt thường ngày. Đối với các gia đình có trồng cây, bạn có thể tận dụng rác hữu cơ (vỏ, hạt, phần thừa của rau củ quả, vỏ trứng…) để ủ phân, hoặc đơn giản là phủ lên chậu cây (nhớ phủ thêm một lớp đất mỏng để hạn chế mùi và đẩy nhanh quá trình phân hủy). Cách làm này không chỉ giúp giảm thải rác hữu cơ ra môi trường mà còn giúp bạn chăm sóc cây tốt hơn. Nhớ phân loại rác để các loại rác vô cơ (như kim loại, nhựa…) được tái chế hoặc tái sử dụng hợp lý. Đặc biệt, không bao giờ được vứt pin ra môi trường. Khi bị chôn lấp, các kim loại nặng trong pin như chì, kẽm, niken, thủy ngân… sẽ thấm vào đất và mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, lượng thủy ngân trong một cục pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước trong vòng 50 năm.

Cá Domino (SSDH) – Theo elle

Share.

Leave A Reply