SSDH – Với điều kiện sống lý tưởng việc trở thành công dân Úc là ước muốn của mọi du học sinh và nhiều người dân trên Thế giới. Dưới đây là những con đường định cư tại Úc phổ biến nhất dành cho sinh viên du học Úc và đối tượng khác.
Những con đường phổ biến nhất để trở thành công dân Úc
Được thụ hưởng nền giáo dục và hệ thống an sinh xã hội quá tốt tại Úc là mơ ước của biết bao người tới từ các nước kém phát triển hơn; và đó là động lực để họ tìm kiếm mọi con đường có thể dẫn tới cơ hội định cư tại Úc. Bài viết này xin giới thiệu sơ lược vài con đường định cư tại Úc phổ thông nhất.
1. Du học sinh Úc ở lại tìm việc làm và định cư
Chính phủ Úc cho phép sinh viên du hoc Uc sau khi tốt nghiệp khóa học kéo dài hai năm trở lên được ở lại Úc làm việc từ 18 tháng tới tối đa bốn năm (tùy theo nhóm công việc). Trong thời gian đó, nếu may mắn tìm được chủ lao động bảo lãnh, bạn có thể được xem xét trở thành “Thường trú nhân” (Permanent residen – PR), từ đó cơ hội trở thành công dân (Citizen) sẽ rộng mở.
Các loại visa trong trường hợp này:
- Visa 457 (làm việc dài hạn – tạm trú) đây là visa 4 năm yêu cầu IELTS 5 và mức lương tối thiểu là 53,9000 đô một năm. Các nhà tuyển dụng phải đáp ứng đủ các yêu cầu về tài chính và đào tạo để có thể bảo lãnh.
- Chương trình đề cử của nhà tuyển dụng (ENS): đây là visa vĩnh viễn mà hầu hết những ai đã giữ visa 457 đều đủ điều kiện sau khi đã có visa 457 trong 2 năm. Bạn có thể nộp đơn xin cấp visa theo chương trình đề cử của nhà tuyển dụng (ENS) nếu bạn đã qua được bài đánh giá kỹ năng và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm với công việc hiện tại.
- Chương trình di cư kỹ năng vùng miền (RSMS): đây là một dạng visa vĩnh viễn dành cho việc làm ở các vùng thưa dân tại Úc. Nhìn chung sinh viên có thể đủ điều kiện trực tiếp cho lựa chọn này mà không cần phải thông qua đánh giá kỹ năng hay có visa 457 trước.
Càng ngày càng có nhiều sinh viên sử dụng quyền bảo lãnh của nhà tuyển dụng hơn trước và lựa chọn chương trình di cư kỹ năng theo vùng miền (RSMS) là một lựa chọn hấp dẫn riêng biệt dành cho những sinh viên sẵn sang tìm kiếm các công việc ngoài những thành phố lớn.
2. Tị nạn
Công dân từ các nước xảy ra chiến tranh thường tìm đến Úc như một điểm tị nạn lý tưởng, nhất là từ các nước khu vực Trung Đông, vì điều kiện tự nhiên khá tương đồng giữa Úc và khu vực này. Vì nước Úc bao quanh là đại dương, nên đường biển là con đường tị nạn phổ biến. Tuy nhiên, chính phủ Úc từ năm 2014 đã rất mạnh tay trong việc xử lý thuyền chở người tị nạn, bằng cách phát hiện và ngăn chặn từ xa ngoài khơi, đồng thời gom người tị nạn vào các trại tạm giữ để xét có cho tị nạn hay không. Các trại tạm giữ (Detention center) này được lập cả bên trong và bên ngoài nước Úc (Nauru và Papua New Guinea). Công dân nhiều nước không có chiến tranh cũng tìm cách xin tị nạn theo cách này.
Những người tị nạn có thể xin loại visa nào?
Những người xin tị nạn có thể xin cấp một loại Visa tạm thời mới cho phép họ học tập và làm việc trong phạm vi khu vực tuân theo những điều luật có hiệu lực. Đó là Visa doanh nghiệp trú ẩn an toàn (SHEV – safe haven enterprise visa) có thời hạn 5 năm sẽ dành cho những người di cư tới bằng tàu biển. Thủ tục xin cấp loại visa này tương tự như đối với dạng Visa bảo vệ tạm thời (TPV – temporary protection visa).
SHEV cho phép người sở hữu visa định cư trong cộng đồng khu vực để tìm kiếm việc làm hoặc học tập. Cho tới giờ phút này, Chính quyền NSW là nơi duy nhất ký kết tham gia và phê chuẩn việc cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục hỗ trợ.
Những con đường phổ biến nhất để trở thành công dân Úc
3. Người phụ thuộc đi theo du học sinh Úc và tìm công việc để ở lại sau đó bảo lãnh cả gia đình quay lại Úc
Nhiều du học sinh đi theo học bổng du học Úc của Chính phủ không được phép ở lại Úc sau khi tốt nghiệp, bởi vậy họ tìm đến con đường này. Khi họ gần tốt nghiệp, vợ/chồng đi theo sẽ tìm kiếm công việc để được phép ở lại làm việc, hoặc tham gia một khóa học để kéo dài thời gian và tìm cơ hội. Từ visa làm việc, vợ/chồng họ sẽ tiếp tục tìm kiếm PR. Sau khi hết hạn cấm vào Úc theo điều kiện visa sinh viên trước đây, cựu du học sinh đó có thể quay lại Úc đoàn tụ cùng vợ/chồng.
Diện visa nào trong trường hợp này? Visa 309 – Vợ/chồng bảo lãnh
Visa này cho phép đương đơn tạm trú tại Úc trong thời gian 2 năm. Sau 2 năm, khi mối quan hệ giữa đương đơn và người bảo lãnh vẫn còn tiếp diễn thì đương đơn được chuyển sang thường trú. Trong thời gian ở Úc, đương đơn có thể làm việc, học tập, sinh sống tại Úc và có thể hưởng bảo hiểm sức khỏe Medicare. Để xin visa này, đương đơn phải có kết hôn hợp pháp với người bảo lãnh hoặc nếu vì lý do nào khác mà chưa thể kết hôn thì mối quan hệ phải trên 12 tháng (có ngoại lệ cho các trường hợp đã có con hoặc hôn nhân đồng tính).
4. Kết hôn với công dân Úc
Có nhiều người tranh thủ thời gian đi du học, du lịch Úc để kết hôn và sau đó xin visa ở lại luôn. Một số đông đảo thì kết hôn với công dân Úc ở nước ngoài sau đó làm thủ tục sang Úc. Không thể phủ nhận rằng các cuộc hôn nhân nghiêm túc là rất nhiều, tuy nhiên đây cũng là một “thị trường” rất màu mỡ cho những người làm môi giới và cả những người kiếm tiền bằng “dịch vụ kết hôn”.
Loại visa tham khảo: Visa 300 – Người sắp kết hôn
Visa này cho phép bạn:
- Sang Úc 9 tháng để làm đám cưới với người bảo lãnh.
- Làm việc, học tập, sinh sống tại Úc và có thể xin hưởng bảo hiểm sức khỏe Medicare.
Điều kiện để xin visa:
Đối với đương đơn:
- Đương đơn phải có ý định kết hôn với người bảo lãnh.
- Đương đơn có người bảo lãnh là công dân hoặc thường trú nhân Úc.
- Đương đơn có mối quan hệ có thực với người bảo lãnh.
- Đương đơn thỏa mãn các điều kiện về sức khỏe và lý lịch cá nhân.
- Đương đơn trên 18 tuổi.
Đối với người bảo lãnh:
- Người bảo lãnh là công dân hoặc thường trú nhân Úc.
- Người bảo lãnh có ý định kết hôn với đương đơn.
- Người bảo lãnh chưa bảo lãnh quá 2 người khác vào Úc theo diện vợ/chồng.
- Người bảo lãnh chưa bảo lãnh cho vợ/chồng hay chính mình là người được bảo lãnh theo diện này trong 5 năm trở lại đây.
5. Nhập cư theo diện Skilled Workers (Người lao động lành nghề)
Những người đang sống ngoài nước Úc, có kinh nghiệm làm những công việc nước Úc đang ưu tiên nhập cư thì có thể nộp hồ sơ theo diện này. Mỗi năm vào tháng 7, chính phủ liên bang và các bang sẽ công bố danh sách những ngành nghề được ưu tiên. Vậy nên những người có nhu cầu cần thiết phải cập nhật danh sách ngành nghề này.
Quy trình xin định cư theo diện Lao động tay nghề:
- Tất cả đương đơn xin thị thực thường trú hoặc thị thực có tay nghề phải vượt qua bài kiểm tra của Chương trình Lựa Chọn Kỹ Năng (SkillSelect). Theo hệ thống SkillSelect, đầu tiên ứng viên phải nộp một đơn Bày Tỏ Nguyện Vọng (Expression of Interest – EOI), và nhận được một thư mời từ Bộ Di Trú trước khi họ có thể nộp đơn xin thị thực di dân có tay nghề.
- Trước khi nộp đơn bày tỏ nguyện vọng, bạn nên hoàn thành bài đánh giá kỹ năng và kiểm tra tiếng Anh. Điều này là do các yêu cầu này cũng như hầu hết các tiêu chí khác hoạt động trên cơ sở thời gian mời. Tính thích hợp của bạn được tính kể từ ngày bạn nhận được thư mời nộp đơn.
- Đối với các ứng viên độc lập và có sự bảo lãnh từ gia đình, tất cả đơn bày tỏ nguyện vọng được xếp hạng dựa theo điểm số, rồi đến ngày nộp đơn Bày Tỏ Nguyện Vọng. Mỗi 2 tuần Bộ Di Trú sẽ cấp thư mời đến các ứng viên được xếp hạng cao nhất thông qua một quá trình tự động.
- Đối với các ứng viên được đề cử từ chính quyền, thư mời sẽ được cấp tự động bởi hệ thống ngay sau khi chính quyền tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ hoàn thành việc đề cử.Để nhận được thư mời, bạn phải đạt được điểm tối thiểu theo thang điểm di cư có tay nghề (hiện tại là 60 điểm).
- Đối với mỗi nhóm nghề nghiệp, một số lượng tối đa thư mời sẽ được thiết lập cho từng năm tài chính (01/07 đến 30/06). Một khi chạm đến hạn mức thì bộ di trú sẽ ngừng gởi thư mời trong năm tài chính đó.
6. Định cư đầu tư vào Úc
Nước Úc có khá nhiều chương trình định cư theo diện “kỹ năng kinh doanh” (Business Skill Migration). Chương trình định cư theo diện doanh nhân của Úc khuyến khích những doanh nhân thành đạt đến định cư và phát triển kinh doanh tại các vùng nông thôn hoặc các vùng kém phát triển của Úc. Những người nhập cư theo diện doanh nhân mang đến cho nước Úc kiến thức về thị trường quốc tế, nguồn vốn kinh doanh, sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ cũng như những kỹ năng và kinh nghiệm kinh doanh.
Trong những con đường thì đây có lẽ là con đường “danh giá” nhất. Nhà đầu tư đi vào Úc với một tư thế ngẩng cao đầu vì họ đã mang nước Úc một khoản tiền lớn thay vì tiêu tiền từ quốc gia này.
Quyền lợi của diện định cư đầu tư vào Úc:
Chương trình cho phép đương đơn cùng các thành viên trong gia đình ( vợ/chồng và các con dưới 18 tuổi) được định cư, sinh sống, làm việc và học tập ở Úc dưới dạng visa định cư diện doanh nhân. Trước tiên, hầu hết đương đơn nhập cư vào Úc bằng Visa tạm trú 4 năm, sau khi thỏa mãn các điều kiện được quy định trong hoạt động kinh doanh và đầu tư, đương đơn có thể nộp đơn xin quyền thường trú nhân. Những chương trình này dành cho chủ doanh nghiệp, nhà quản lý cấp cao và các nhà đầu tư.
Theo kenhtuyensinh.vn