Những giai đoạn cảm xúc trong hành trình xin hỗ trợ và du học thạc sĩ

0

SSDH – Mỗi một du học sinh khi được học tập tại nước ngoài luôn có những kỉ niệm khó quên và những cung bậc cảm xúc độc nhất của riêng mình. Bạn đang là du học sinh, sắp trở thành du học sinh… bạn muốn vượt qua những khó khăn và ghi lại những cảm xúc mình đã và sẽ trải qua. Chia sẻ cùng chúng tôi nhé.

giai đoạn cảm xúc du học

Đó là một ngày cuối tháng 10, nhiệt độ đã xuống dưới 5 độ. Tôi duyệt xong bản thảo để gửi lại nhà xuất bản thì vừa vặn đã 5 giờ chiều. Đây là bài báo khoa học quốc tế đầu tiên của tôi, sau khi tốt nghiệp. Từ ngày bắt đầu dự án nghiên cứu ấy đến giờ, nhìn lại, quả thực là một chặng đường quá dài.

Tôi còn nhớ một tối tháng 9 năm 2016, cô bạn người Brazil của tôi rủ hội thực tập sinh ở Đại học British Columbia (UBC) ra một quán pub trên Broadway ngồi, để chia tay Lucia hôm sau về nước. Hôm đó, chúng tôi đã nói rất nhiều chuyện trên trời dưới biển. Hôm đó, Nath hỏi tôi:

– Kế hoạch tính toán cơ hội nhận funding của cậu cho khóa học thạc sĩ đến đâu rồi? Tôi trả lời:

– Tớ tính rồi, nếu tớ được tất cả các funding gồm từ Mitacs, trường, khoa, và một phần research funding của giáo sư nữa thì mới đủ. Tôi vừa nói vừa thản nhiên ăn phần bánh brownies với kem ngon lành.

– Gì cơ? Thế thì mong manh quá, có tính phương án khác chưa? Nath vẫn giữ phong cách nói chuyện thẳng như ruột ngựa, y chang một người chị em của tôi vậy.

– Không, không có back-up plan, liều thôi, nếu không được thì tớ ở Việt Nam đi làm một thời gian rồi nộp học bổng chính phủ sau.

– Liều đấy, mà thôi cố nhé! Bao giờ được UBC chính thức nhận và được hết cái đống funding đó thì nhớ mua vé qua Brazil thăm tôi nha! – Nath hài hước kết thúc câu chuyện của chúng tôi tối hôm ấy như thế. Cả lũ phá lên cười.

Nghĩ lại, tôi của năm ấy đúng là liều thật. Năm đó, tôi đã được tất cả những funding mà tôi đã kể cho Nath, đã quay lại UBC học thạc sĩ. Giờ thì đã tốt nghiệp, đã đi làm ở Vancouver, nhưng vẫn chưa có cơ hội tìm đường sang Brazil thăm Nath.

Trong mấy năm vừa rồi, học tập và làm việc như một nghiên cứu sinh, quả thực tôi đã đi qua quá nhiều cung bậc cảm xúc mà trước đó tôi không tưởng tượng ra. Tôi hay thấy trên mạng những bài viết về những giai đoạn của tình yêu, ngẫm lại, nếu nói về chuyện đi học của tôi thì chắc cũng có những giai đoạn như thế.

1) Giai đoạn hứng khởi vô cùng, cảm thấy cả thế giới đang chờ đợi mình, và mình có quá nhiều dự định muốn làm

Nếu ai đã từng một lần nộp hồ sơ và hồi hộp chờ đợi mòn mỏi, mỗi ngày đều mở hộp thư đến vài lần để xem kết quả đã đến chưa, rồi đến một ngày đẹp trời, lá thư định mệnh ấy đến, bắt đầu bằng một từ:

“Congratulations!” […]

Thì chắc hẳn sẽ không thể nào quên được cảm giác tim mình đã đập nhanh như thế nào, đã muốn hét lên cho cả thế giới biết “tôi đã làm được rồi!!!” như thế nào. Sau đó, là những ngày lang thang trên mạng đọc về thành phố mình sẽ đến, đọc về ngôi trường mình sẽ học, hồ hởi đi lo giấy tờ và thuê nhà cửa (thực ra cái vụ giấy tờ và nhà cửa cũng rất mệt, nhưng mà chúng ta rất vui lòng để được mệt như vậy), rồi vạch ra trong đầu cả tỉ kế hoạch thú vị khác.

Cho đến giây phút chúng ta cầm được trên tay chiếc hộ chiếu đã có Visa, vé máy bay đã đặt, nhà đã thuê xong, đó là những ngày còn được nghỉ ngơi và thoải mái nhất trước khi lên đường theo đuổi hành trình mới.

2) Giai đoạn “mọi thứ đều lạ lẫm” ở một miền đất mới và môi trường mới

Những ngày đầu tiên sống ở một đất nước mới, điều tôi còn nhớ nhất là “cái gì cũng khác, đến cả gói muối cũng khác”. Có lần tôi loay hoay mãi không tìm nổi gói muối bột canh như ở nhà, sau đó mạnh dạn hỏi cô nhân viên thì mới biết là họ không có bán loại muối đó (haha). Khi có kinh nghiệm hơn, tôi mới biết là nếu muốn đi mua đồ Châu Á thì không nên cố sức lao vào mấy siêu thị bán toàn đồ phương Tây.

Hôm đầu tiên đến khoa để làm quen với nhóm nghiên cứu, nhận bàn làm việc, giáo sư dẫn tôi đi quanh bộ môn để chào hỏi mọi người một vòng. Thật sự với một đứa não cá như tôi thì đó là một “tour” giới thiệu chóng mặt. Tôi còn nhớ sau tour làm quen đó tôi hầu như quên sạch luôn tên mọi người (haha). Nhưng mà thôi, không nhớ thì hôm sau gặp nhau lại hỏi lại. Tôi có một nguyên tắc tự dặn mình rất cơ bản: “chịu khó quan sát một tí, nếu quan sát rồi mà vẫn chưa tìm ra được thông tin thì mạnh dạn hỏi chứ không được ngại”.

3) Giai đoạn gian nan nhưng có bắt đầu nản hay không thì còn phụ thuộc vào bạn

Sau giai đoạn “lạ lẫm” và “háo hức” vì tất cả mọi thứ đều mới. Có thể bạn sẽ thấy thích nếu bản thân dễ thích nghi với môi trường mới. Nhưng cũng sẽ có thể cảm giác bao trùm là sự tách biệt, cảm thấy khó hòa nhập, đơn giản vì thấy mọi thứ quá khác biệt với những gì mình đã tự tưởng tượng ra trước đó.

Nếu bạn nào đã đọc nhiều bài viết khác của tôi thì cũng có thể nhận ra tôi đã nhiều hơn một lần nhắc tới cảm giác choáng ngợp mà tôi đã phải trải qua khi bước vào một môi trường có quá nhiều cá nhân xuất sắc sau một thời gian dài quen làm “người dẫn đầu” ở mọi phương diện. Thực ra, cảm xúc đó là một cảm xúc hoàn toàn bình thường của con người, và để vượt qua được, tôi đã tập kết nối nhiều hơn với các bạn xung quanh mình để hiểu hơn về họ và xem xem mình có thể trao đổi thêm các ý tưởng và thảo luận thêm về những chủ đề của môn học hay không.

4) Giai đoạn gần như muốn bỏ cuộc

Tôi còn nhớ khoảng thời gian từ mùa Hè năm 2018 đến mùa Xuân năm 2019 là khoảng thời gian tôi bị thiêu đốt bởi áp lực hoàn thành tiến độ nghiên cứu. Có giai đoạn ngồi làm hoài không ra kết quả, cứ làm sai lại phải làm lại. Có những hôm cứ nghĩ rằng cố nốt hết tuần này thôi, nhưng sang tuần sau đó mà mọi chuyện vẫn không khá hơn, vấn đề vẫn lù lù ở đó đợi tôi.

Có một điều rất khác giữa việc đi học các môn học và làm nghiên cứu: khi đi học thì bạn biết rõ phải nộp bao nhiêu bài tập, giáo viên đưa ra yêu cầu rõ ràng và chỉ rõ cho bạn bài tập nào thuộc chủ đề nào. Làm nghiên cứu thì khác, câu hỏi lớn nằm ở đó, giáo sư đưa cho bạn một đống sách ôm về đọc. Vài ngày sau, bạn sẽ quay lại, đưa ra đề xuất về phương pháp, rồi cùng thảo luận về ý tưởng và phương pháp bạn tìm ra, giáo sư là người sẽ hỗ trợ và chỉnh sửa hướng đi giúp bạn để nó tốt hơn và chuẩn xác hơn.

Vì vậy, đã có lúc tôi nghĩ mình thật sự rơi vào bế tắc, giải quyết được câu hỏi làm thế nào rồi, thì đến câu hỏi viết thế nào? Trình bày ra sao? Tại sao mình đã cố gắng rất nhiều mà vẫn cứ phải sửa sửa sửa mãi?

5) Giai đoạn bình tâm đối mặt với mọi chuyện, hiểu rõ về bản thân mình hơn, biết mình cần làm gì

Để vượt qua giai đoạn gần như muốn bỏ cuộc, có hai điều tôi hay làm nhất: Một là tự cho mình những quãng “nghỉ” ngắn để tự bình tĩnh lại, không nên tự ép mình quá nhiều và liên tục, vì như thế chỉ khiến tình trạng tệ hơn; Hai là sẵn sàng chia sẻ và nhận sự giúp đỡ.

Có một lần, tôi dành ra cả buổi sáng tìm cách viết một đoạn code để chạy số liệu sao cho hiệu quả nhất, vì tôi có quá nhiều dãy số liệu riêng lẻ, và để xâu chuỗi chúng trong một lần chạy là rất khó với tôi khi đó. Trưa hôm ấy, tôi có hẹn ăn trưa với bạn cùng nhóm nghiên cứu, nhờ câu chuyện bên bàn ăn trưa hôm ấy, bạn tôi đã giúp tôi giải quyết vấn đề chỉ với 3 dòng code. Thế đó, điểm trọng tâm của việc bạn không sống cô độc một mình và tự làm tất cả là bởi vì điểm yếu của người này có khi lại là điểm mạnh của người khác, và ngược lại. Thế nên hãy cứ sẵn sàng chia sẻ, và dám hỏi một khi thấy mình bị “stuck” trong điều gì đó quá lâu.

Đi qua nhiều giai đoạn cảm xúc như thế, từ cảm giác phấn khích vô cùng đến cả những lúc chỉ muốn “mọi thứ nhanh nhanh kết thúc”, tôi nhận ra rằng, những giai đoạn cảm xúc muôn sắc màu đó tồn tại đều có lý do riêng của nó. Những lúc như muốn bỏ cuộc, nhờ việc nhớ lại lúc bắt đầu tôi đã phấn khích ra sao mà tôi có động lực cố gắng vượt qua thử thách. Khi đã đi đến cuối con đường, có được dấu mốc thành công đầu tiên trong tay, nhờ có việc nhớ lại những lúc gian khó mà tôi thấy trân quý hiện tại của mình hơn, rút ra được nhiều bài học hơn để có thể ngồi đây kể lại ngần ấy câu chuyện cho mọi người cùng nghe. Thế nên, dù đang là trong đoạn cảm xúc nào, thì tôi nghĩ, bạn hãy cứ tận hưởng và đối mặt với cảm xúc đó bằng cả trái tim và khối óc của mình nhé!

—–

Ảnh: Một tấm hình cũ tôi chụp từ mùa đông năm 2018, góc yêu thích ở thư viện của tôi những ngày chán ngồi trong lab. Tôi sẽ lên thư viện để tìm sách mới đọc và ngồi làm luận văn. Chiếc laptop cũ kỹ bây giờ không còn ở cạnh tôi nữa, nhưng mà tôi vẫn nhớ mãi thời gian ấy, nó đã đồng hành với tôi và chứng kiến những buồn vui tôi trải qua.

SSDH (tác giả Moon in Loonie Land)

Share.

Leave A Reply