Những kỹ năng nghề nghiệp không thể thiếu trong tương lai

0

SSDH- Vào đầu mỗi năm học, nhiều sinh viên lại lao lắng khi đọc những bài báo liệt kê các ngành nghề sắp biến mất hoặc trở nên lỗi thời trong tương lai gần. Làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt cho công việc tương lai trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường như vậy? Bài viết này sẽ chỉ ra 5 kỹ năng cần thiết giúp bạn thành công trong sự nghiệp tương lai của mình.

  1. Kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm

Một cuộc khảo sát sinh viên được thực hiện tại Ban Ki-moon Institute for Sustainable Development ở KazNU cho thấy 74% số người tham gia tin rằng kỹ năng mềm rất quan trọng để thành công trong sự nghiệp sau tốt nghiệp, trong khi 26% tin rằng kiến thức chuyên môn có vai trò cần thiết hơn.

Kết quả khảo sát này phản ánh thực tế ngày nay và nhu cầu tìm kiếm sự cân bằng giữa việc học kiến thức và kỹ năng mềm. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng vấn đề này rất phức tạp. Một số người tin rằng sự hiểu biết về một lĩnh vực chuyên môn cụ thể vẫn được đánh giá cao bên ngoài phạm vi trường đại học. Tuy nhiên, bạn cũng phải rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân và dành ít nhất 25% thời gian để học các kỹ năng mềm khác nhau.

[Tham khảo: Top những ngành hot cho tương lai và những ngành sẽ dần bị thay thế]

  1. Một số kỹ năng có thể ứng dụng cho nhiều ngành nghề

Mỗi lĩnh vực và ngành nghề đều có yêu cầu về những kỹ năng cụ thể. Đồng thời, một số kỹ năng có tính phổ quát và có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như quản lý dự án. Quả thực, bạn sẽ thấy hầu hết mọi mô tả công việc đều yêu cầu kỹ năng quản lý dự án hoặc kinh nghiệm quản lý dự án, vì ngày càng có nhiều công ty và tổ chức xây dựng công việc và hoạt động của họ xung quanh các dự án cụ thể.

Có một phương châm khá nổi tiếng về cách quản lý dự án: “Mong đợi điều tốt nhất, lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất và chuẩn bị cho những điều bất ngờ”. Đây là câu nói của một doanh nhân người Mỹ tên Denis Waitley, nó cho thấy kỹ năng quản lý dự án tốt sẽ giúp ích cho bạn như thế nào, trong thực tế là bất kỳ ngành nghề nào.

  1. Kỹ năng giao tiếp

Trước xu thế toàn cầu hóa, kỹ năng giao tiếp tốt ngày càng trở nên quan trọng bởi nó có thể giúp bạn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường việc làm hôm nay và ngày mai. Mặc dù hầu hết mọi người đều có thể khẳng định mình có kỹ năng giao tiếp, nhưng giao tiếp hiệu quả ngày nay có những quy tắc và kỹ thuật riêng có thể thúc đẩy đáng kể sự thành công trong sự nghiệp của bạn.

Thật vậy, bạn có thể có ý tưởng hay và sáng tạo nhất, nhưng nếu bạn không thể truyền đạt nó cho bạn bè và đồng nghiệp của mình, ý tưởng đó sẽ không thể mang lại ảnh hưởng. Trên thực tế, 50 nguyên mẫu đầu tiên của iPhone đã thất bại và tiếp tục thất bại cho đến khi đội ngũ phát triển sản phẩm học được cách giao tiếp tốt hơn.

Nhiều khóa học toàn diện – cả trực tiếp và trực tuyến – cùng các ma trận và hệ thống giao tiếp phức tạp có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett nhấn mạnh việc học các kỹ năng giao tiếp như nói trước công chúng không chỉ hữu ích trong thế giới kinh doanh mà còn trong mọi lĩnh vực khác.

  1. Kỹ năng kỹ thuật

Kỹ năng kỹ thuật ngày càng trở nên quan trọng khi chúng ta phải sử dụng và dựa vào các công nghệ mới như phương tiện truyền thông xã hội, các tiện ích khác nhau và trí tuệ nhân tạo. Nhiều tập đoàn lớn, thậm chí cả các cơ quan chính phủ đều đang áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong việc vận hành hàng ngày của họ.

Trên thị trường ngày nay, có kiến ​​thức máy tính cơ bản là chưa đủ. Các nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên mới tốt nghiệp phải có khả năng làm nhiều thứ, từ sử dụng Internet hiệu quả đến tạo ra các thành phẩm tốt trên Microsoft Office, từ mã hóa phần mềm đến kỹ năng kinh doanh trên Internet.

[Tham khảo: Top các kỹ năng cần cho sự nghiệp tương lai năm 2030]

  1. Trí tuệ cảm xúc

Có một nghịch lý là nhiều lãnh đạo công ty ngày càng đánh giá cao trí tuệ cảm xúc, mặc dù trên thực tế chúng ta đang sử dụng máy móc nhiều hơn bao giờ hết. Kênh giao tiếp trực tuyến cũng đang được tận dụng nhiều hơn so với trò chuyện trao đổi trực tiếp.

Trí tuệ cảm xúc là khả năng xử lý cảm xúc một cách hiệu quả, tạo ra mối liên hệ cảm xúc phù hợp, giao tiếp thành thạo với các đơn vị tại nơi làm việc và sử dụng thông tin cảm xúc một cách thông minh và phù hợp để tạo ra một môi trường làm việc tích cực.

Bằng cách phát triển và rèn luyện những kỹ năng trên, bạn có thể thành công hơn trong tương tác giữa người với người, từ phỏng vấn xin việc đến tạo ra môi trường cảm xúc tích cực trong nhóm mà bạn đang lãnh đạo.

Người dịch: Thu Huyền (SSDH)

Share.

Leave A Reply