Việc học đối với mỗi người là vô cùng quan trọng, thế nhưng không phải ai cũng biết cách học thế nào để thành công và biến việc học trở thành những niềm đam mê, hứng khởi trong đời.
Học thật nhiều thì sẽ giỏi
Trong quan niệm của rất nhiều người, muốn thành công thì phải học thật nhiều, học nhiều ở đây tức là học thuộc lòng. Cứ đọc vanh vách những kiến thức cũ trong giờ trả bài thì sẽ được điểm cao, thầy cô tuyên dương. Chính điều đó tạo nên thói quen học vẹt, học mà không suy nghĩ… Chúng ta thường chê bai những người không có khả năng học thuộc lòng là kém cỏi nhưng quên mất rằng bộ nhớ não con người có hạn. Khi bạn nhớ quá nhiều, muốn nhớ thêm những điều mới mẻ đôi khi chúng ta buộc phải xóa những ký ức cũ.
Nó giống như việc bạn học lên đến cấp 3 và nhìn một bài toán cấp 1 vậy. Có nhiều bài chúng ta sẽ thấy khó và bối rối dù chúng ta đã học về nó. Vậy nếu bạn có quá nhiều chữ trong sách học ở phổ thông, đại học thì cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ khó có cơ hội tiếp thu kiến thức ngoài cuộc sống. Mà chúng ta thì đâu có mài sách mà ăn được?
Học để làm ông này, bà nọ…
Tiếp theo là “Học để làm ông nọ bà kia”. Việc học bỗng dưng trở thành công cụ để đạt được những ham muốn trong cuộc sống. Đó là suy nghĩ rất phổ biến của những bậc phụ huynh đầu tư tiền của cho con em đi học cũng như của rất nhiều bạn trẻ theo việc học cốt để lập thân.
Hệ lụy từ câu nói tưởng chừng như “đúng” này thì nhiều không đếm được. Nó khiến cho một bộ phận giới trẻ học vì mục đích làm ông nọ bà kia mà không quan tâm xem mình đang học cái gì, có phù hợp với mình không. Khi ra trường cũng không biết mình sẽ làm công việc đó vì niềm đam mê hay vì tiền. Việc học vì thế mà trở thành gánh nặng buộc phải mang.
Học là phải có thành tích
Thành tích trong việc học là một mục tiêu đẹp mà người học cần hướng đến thế nhưng cũng vì những suy nghĩ được mất, hơn thua chuyện thành tích khiến việc học trở thành thảm hoạ. Việc chạy đua điểm số, danh hiệu, bằng cấp làm cho học sinh, thầy cô đánh mất những giá trị của việc dạy và học. Thiết nghĩ, bất cứ loài nào sinh ra cũng cần phải học mà đâu chỉ để quan tâm đến học điều đó thì được cái gì. Ví dụ như: Con hổ hay con chó con lúc mới sinh ra nó có biết bắt mồi đâu. Nó “học” bắt mồi đó chứ.
Con người chúng ta cũng thế. Sinh ra chúng ta đâu đã đủ kỹ năng sống? Chúng ta học bài học đầu tiên là học lẫy, học bò, học đi. Rồi sau đó là học nói, vào trường chúng ta được học chữ, rồi những kiến thức mới. Học đơn giản chỉ để sống.
Học để lấy cái bằng
Có rất nhiều người dùng bằng cấp để đánh giá việc học mà không quan tâm đến việc bạn đã học được những gì từ tấm bằng đó. Đâu thiếu trường hợp, đến khi phát bằng giáo viên mới biết mặt học sinh, bạn bè mới biết mặt nhau vì chẳng bao giờ học viên đó đến lớp để nghe giảng, chỉ xuất hiện mỗi lúc làm kiểm tra hoặc điểm danh… để đối phó. Nếu bạn coi việc học là một phương tiện để bản thân cảm thấy không hổ thẹn với những người xung quanh hoặc ông bà bố mẹ chứ không phải để cung cấp kiến thức thì việc học sẽ tạo cho bạn những áp lực không thể tránh khỏi. Chẳng ai có thể thoải mái khi làm một việc mà mình không yêu thích!
Đông Đức (SSDH) – Theo Tiin