Nỗi niềm nhà văn trẻ có vợ đột nhiên biến mất

0

Sẵn sàng du học – Những mơ mộng, khát khao của chàng nhà văn trẻ về gia đình yên ấm tưởng chừng giản dị mà sao khó thành hiện thực trong xã hội đầy bất ổn.

Sự trở lại của vết xước là tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn Trần Nhã Thụy, cuốn sách ra đời năm 2008, được tái bản đến lần thứ 4 vào năm 2015. Một thập kỷ trôi qua, tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự trong bối cảnh xã hội nhiều đổi thay hôm nay. 

Vết xước của đời người, vết xước của thời cuộc!

Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện của đô thị, câu chuyện của thời đại hôm nay. Nhân vật chính của truyện được đặt biệt danh là “người hoang mang”. Đó là câu chuyện của một nhà văn trẻ, đã có vợ và một đứa con. Cả hai vợ chồng đều từ dưới quê lên phố, cả hai cùng ước mơ về một căn nhà, cùng làm lụng căng sức, dành dụm để mong một ngày có được căn nhà. Rồi đột nhiên, người vợ mất tích, tất cả ước mơ, hy vọng về một mái ấm bỗng chốc tiêu tan.

ssdh-su-tro-lai-cua-vet-xuoc

 

Ngay từ đầu truyện, nhà văn đã ghim vào người đọc sự hoài nghi về một đời sống đô thị, khi chàng ngồi ăn ở một quán gần sát khu tập kết rác thải. Đó là dấu hiệu của tình trạng bất ổn trong sự phát triển đô thị ở Việt Nam.

Hai chương đầu tiên được nhà văn biểu đạt với giọng điệu tâm tình, xưng anh – em trong ngôi kể chuyện, kể về chuyện của đôi mình. Sang những trang sau, ở đó, không chỉ là chuyện của đôi mình, mà còn là chuyện của chúng ta. Đó là sự lặp lại tư tưởng chủ đạo trong toàn bộ tiểu thuyết, là câu nói “Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”… Đó là những nỗi đau, đó là những vết xước.

Vết xước của một đời người là những nỗi đau mà nhân vật chính (nhà văn trẻ) phải gánh chịu, là khi vợ anh bỗng mất tích mà anh không biết lý giải ra làm sao, ngoài niềm tin về việc vợ bị tai nạn giao thông. Mà lạ thay, thân phận của con người sao bé nhỏ như vậy, một người chết đi (mất đi) ở cái thành phố đầy rộn ràng này, giống như là một hạt bụi, bặt vô âm tín. Là sự ra đi của ông nội chàng, khi chàng còn nhỏ, là cái chết của người bạn làm nghề bảo vệ… Rất nhiều nỗi đau cứ đến rồi đi, vết xước cứ trở đi trở lại.

Vết xước của đô thị là những thân phận có hoàn cảnh khó khăn cố gắng vươn lên, nhưng bị tấp ra ngoài rìa của cuộc sống. Ở đó là số phận của người giữ xe, người đi câu, vị bác sĩ thú y, người bảo vệ…

Một tiểu thuyết được sáng tác với thi pháp hiện đại

Toàn bộ tiểu thuyết, tất cả nhân vật đều không có tên, thay vào đó họ hiện hữu với vai trò là một chức phận nghề nghiệp trong xã hội. Có lẽ, như tác giả từng chia sẻ ngay trong tác phẩm, rằng nhân vật có quá nhiều tên, nên xưng tên nghề nghiệp cho dễ nhớ. Đó còn là dụng ý của nhà văn, khi anh muốn khái quát hóa nhân vật trong một loại hình thức lao động đặc thù nào đó, chỉ cần miêu tả những hoạt động nghề nghiệp của một người là ra nhân vật.

Ngoài ra, tiểu thuyết còn được lồng ghép nhiều trường đoạn tạp văn. Những dòng miêu tả dài về tâm tư tình cảm của chàng nhà văn trẻ, là những ý nghĩ tạp nham, những suy tư về đời sống, về thế sự, về thân phận, nghề nghiệp. Qua góc nhìn của nhân vật, nhà văn muốn cất lên tiếng nói của chính mình về đời sống đô thị hôm nay.

Nhà văn Trần Nhã Thụy

Nhà văn Trần Nhã Thụy

Tác giả kể một câu chuyện bằng ngôn ngữ tiểu thuyết nhưng lại không mang nhiều yếu tố cốt truyện, tình huống truyện, không có quá nhiều nút thắt hay mở, hoặc kịch tính, thay vào đó là những trăn trở, suy tư của nhà văn trẻ (nhân vật chính).

Khép lại tác phẩm là những mơ mộng, khát khao của chàng nhà văn trẻ. Anh tự vẽ nên cái hạnh phúc trong mơ ước của mình. Ở đó, anh ước mơ mình có một căn nhà, một gia đình đầm ấm, bên người vợ thân yêu và những đứa con. Nhưng điều đó chỉ là một giấc mộng buồn.

Đó là cái buồn của nhân vật, cái buồn của thời đại, khi mà những con người lao động chân chính, nhưng lại có hoàn cảnh khó khăn, chỉ ước mơ có một căn nhà, và chẳng hề dễ dàng gì…

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply