Sẵn sàng du học – Nhiều bậc phụ huynh thường e ngại khi con mình có ý định hay nộp đơn du học ở các trường nữ sinh (100% nữ giới). Bài viết của Lê Hồng Nhung (cựu sinh viên Toán và Kinh tế trường ĐH Wellesley, Hoa Kỳ) sẽ tháo gỡ phần nào lo lắng này.
1. Trong hai năm qua mình có may mắn phỏng vấn một số các bạn nữ nộp đơn vào Wellesley, trường mình theo học. Thỉnh thoảng lại có bạn bảo "Em trốn bố mẹ nộp đơn trường nữ" làm mình giật mình.
Không rõ các bạn nói thật hay chỉ thêm vào cho buổi phỏng vấn thêm phần kịch tính, nhưng mình cũng cứ chia sẻ ít nhiều ở đây về những ngày học ở Wellesley, trường có 98% là nữ sinh, và 2% là nữ chuyển giới nam. Hy vọng các bậc thầy cô và cha mẹ, người thân có thêm thông tin và phần nào đó góc nhìn đa chiều về Wellesley nói riêng, và trường nữ bậc đại học ở Mỹ nói chung.
Khuôn viên trường đại học nữ sinh Wellesley.
2. Wellesley là một trong những điều tốt đẹp nhất đã đến với mình, và một trong số những lý do tạo nên điều đó là môi trường học tập và cơ hội phát triển tuyệt vời. Với tầm 500 – 600 sinh viên mỗi khoá, mỗi sinh viên được đặc biệt quan tâm và có thể tiếp cận với cơ sở vật chất tiên tiến, bao gồm các phòng thí nghiệm, thư viện với đầu sách tại Wellesley hay các trường lân cận trong hệ thống, và các hoạt động nghiên cứu.
Các lớp thường có 20 – 25 sinh viên, hay 5 – 10 sinh viên ở bậc chuyên sâu, nên mỗi sinh viên được giáo sư quan tâm và hiểu rõ về khả năng học tập, cũng như có điều kiện để trao đổi và phát biểu ý kiến.
Ngoài giờ lên lớp 2 – 3 buổi một tuần, giáo sư còn có "Office hour" – thời gian để học sinh đến văn phòng trao đổi thêm về bài vở – từ 2 – 3 lần một tuần. Như vậy, sinh viên có cơ hội gặp mặt và trao đổi với giáo sư tổng cộng từ 4,5 tiếng đến 6 tiếng một tuần về bài giảng, bài tập về nhà, dự án, hay thậm chí là ngành học, chuyện học lên cao, và cơ hội nghề nghiệp.
Bên cạnh việc đến Office hours, sinh viên còn có thể đến các buổi hướng dẫn thêm của sinh viên khoá trên về hướng tiếp cận bài giảng, phương pháp làm bài kiểm tra, phương pháp học tập… Do Wellesley theo mô hình giáo dục khai phóng (Liberal Arts) và không có các ngành chuyên hẹp (ví dụ, Wellesley có chuyên ngành Toán chung, chứ không có ngành Toán ứng dụng riêng, ngành Toán trừu tượng riêng, hay ngành Toán kinh tế riêng), Wellesley tạo điều kiện cho sinh viên học các lớp chuyên sâu hẹp tại các trường xung quanh như Olin College (Chuyên về các ngành kĩ sư), MIT (Đủ các ngành) và cả cơ hội nghiên cứu tại các trường khác nhau.
Ví dụ hồi mình năm hai, vừa học một lớp ở MIT, vừa làm trợ lý nghiên cứu bên Harvard, có đến 3 cái thẻ học sinh/ thư viện khác nhau. Lúc đó mình cảm thấy cực kì may mắn vì Wellesley cho mình cơ hội học tập và nghiên cứu như vậy.
3. Ở trường nữ sinh, sinh viên được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Trường có 5 nhà ăn mở cửa từ 7h sáng đến 7h30 tối, trong đó có 2 nhà ăn mở đến 10h đêm, và 1 nhà ăn chuyên đồ ăn chay. Sinh viên, và người thân, bạn bè có thể tự do vào ăn bất kì lúc nào, và đồ ăn thì luôn sẵn có (tuy không phải lúc nào cũng ngon như cơm mẹ nấu).
Phòng y tế cũng siêu tốt, tạo mọi điều kiện để khám và chăm sóc sức khoẻ, đồng thời tiêm phòng các loại bệnh phụ khoa, và thường xuyên tư vấn các vấn đề tâm sinh lý. Hồi mình ở trường thì nghĩ chuyện này là nghiễm nhiên và không trân trọng lắm, nhưng ra trường rồi mới thấy các thể loại khám bệnh, xét nghiệm, và chăm sóc cơ thể, đặc biệt của phụ nữ là vô cùng phức tạp và tốn kém.
Ngoài ra, Wellesley cũng cung cấp cơ sở vất chất từ phòng gym, phòng chơi squash, sân golf, nhà thuyền, đến các lớp học miễn phí đánh tennis, chơi golf, chèo thuyền cho sinh viên. Để tạo điều kiện cho sinh viên đi học ở các trường khác và vào Boston giải trí cuối tuần, Wellesley có hệ thống xe bus đưa đón. Ví dụ, các ngày trong tuần, xe đưa đón từ Wellesley tới MIT chạy 1 tiếng một lần từ 7h sáng đến 11h đêm.
Trong môi trường học tập căng thẳng như Wellesley, mỗi sinh viên có nhiều lựa chọn để giải toả tâm lý, như đi chạy quanh hồ Waban, đi chơi thể thao, ăn xả láng kem, hay thậm chí là than phiền hay nói chuyện trên trời dưới biển với giáo sư.
4. Wellesley là nơi để trở về. Hồi ở trong trường mình cũng khá vui, vì có nhiều bạn giỏi, xong lại có thể gặp gỡ bạn bè "siêu cool" ở MIT và Harvard, thích vui chơi thì xuống Boston, khi cần yên tĩnh tập trung thì có thể trốn ở Wellesley, làm bạn với thiên nhiên và đến giờ thì đi ăn. Tuy nhiên, do áp lực học hành và xin việc, mình nhìn đâu cũng thấy cạnh tranh, tự làm bản thân mệt mỏi và đôi khi là khó chịu sao con gái Wellesley ai cũng như sinh ra để ra chiến trường đấu nhau vậy.
Nhưng khi tốt nghiệp rồi và bắt đầu đi làm, mong ước lớn nhất của mình là được trở về. Về rồi để có thể lại đi Office hour gặp giáo sư, đôi khi chả biết nói gì mà nghe hỏi "Đã thành người lớn chưa?" nước mắt lại trực trào ra, lại mong cứ mãi ngây ngô ngồi giải mấy bài tập về nhà và nói chuyện cứu thế giới trong cái thế giới quá đỗi yên bình ở Wellesley.
Về rồi lại được ăn đồ chùa, lại mang một đống cam ngon bỏ vào cặp và túi và mũ áo để ăn dần cuối tuần, lại đứng trước tủ đồ tráng miệng mà nghĩ mãi nên chọn món nào. Về rồi lại nói chuyện nhảm với các chị em đêm cười hí hố, chuyện ngày xưa, ngày mai, và mãi câu chuyện học gì mà "trâu bò" thế.
5. Wellesley vẫn mãi là thế giới thu nhỏ và quá khác xa với thế giới ngoài kia, đôi khi khiến sinh viên (như mình) ảo tưởng sức mạnh hay cứ ngây ngô mãi. Tuy nhiên, nếu mỗi người có một nơi bình yên là nhà để trở về, có một điểm tựa với những điều thật tử tế, để làm người tử tế hơn, thì chẳng tốt hơn sao.
Khi nghĩ về Wellesley, mình chưa bao giờ quan tâm quá về việc trường toàn nữ sinh, khi mình vẫn có bạn bè cả nam cả nữ ở các trường khác và cộng đồng, và khi mỗi sinh viên trong trường đều có những trải nghiệm và cá tính khác nhau, tạo nên hệ sinh thái và môi trường đa dạng.
Với mình, Wellesley là nhà, có cơ hội học tập phát triển, có thầy cô, bạn bè, có những bốc đồng của tuổi trẻ, có nhiệt huyết, và hết thảy bình yên. Wellesley vẫn mãi là một trong những thứ tốt đẹp nhất đã đến với mình, và hy vọng, sẽ đến với thật nhiều sinh viên Việt Nam nữa.
Lê Hồng Nhung – Từ Massachusetts, Hoa Kỳ
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân trí