Sẵn sàng du học – Sau bao nỗ lực phát hiện, tìm hiểu, nghiên cứu, Võ Nhị Kiều, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Kỹ thuật, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu vừa điều chế thành công ứng dụng làm thực phẩm chức năng trị tiểu đường. Đây được coi là một trong những cống hiến quý giá của thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay.
Nghiên cứu khoa học là chương trình được khuyến khích thực hiện ngày càng phổ biến ở các trường THPT và Đại học những năm gần đây, đặc biệt là các đề tài mang tính ứng dụng có hiệu quả. Không nằm ngoài sự phát triển ấy, năm học 2018 – 2019, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạo điều kiện cho sinh viên Võ Nhị Kiều, lớp DH15HD lên thực hiện nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTPLabs).
Võ Nhị Kiều được biết đến là một sinh viên giỏi và có đam mê với nghiên cứu khoa học bởi vậy nhà trường cũng chú trọng phát triển đề tài nghiên cứu khoa học của cô gái tài năng này. Nhị Kiều được cô Thạc sĩ Vũ Thị Hồng Phượng giới thiệu vào Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, cô bạn thực hiện công trình nghiên cứu của mình dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Mai Ngọc Tuấn Anh.
Đề tài "Điều chế Nano Berberine ứng dụng làm thực phẩm chức năng" là đồ án tốt nghiệp xuất sắc của Võ Nhị Kiều, được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao, với nhiều thiết bị máy móc phân tích hiện đại, chính xác. Nơi đây rất ít sinh viên có thể vào để thực hiện nghiên cứu cùng với các chuyên viên nghiên cứu viên. Nhưng vì cô bạn có niềm đam mê, tìm hiểu nghiên cứu ngay từ năm thứ 2 Đại học nên Thạc sĩ Vũ Thị Hồng Phượng đã giới thiệu Nhị Kiều vào làm tại trung tâm.
Võ Nhị Kiều đã thực hiện điều chế Nano Berberine bằng 2 phương pháp: Phương pháp nghiền quay, phương pháp gắn Nano Berberine trên chitosan. Kết quả thu được đối với phương pháp nghiền quay, kích thước Nano Berberine thu được là 60nm, còn đối với phương pháp gắn Nano Berberine trên chitosan thu được kích thước Nano BBr khoảng 50nm.Sản phẩm Nano Berberine được tạo ra nhằm ứng dụng làm thực phẩm chức năng hỗ trợ trị bệnh tiểu đường.
Võ Nhị Kiều chia sẻ: "Mới đầu mình gặp vô số nhiều khó khăn, mình phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu, các công trình nghiên cứu, các bài báo nước ngoài. Từ đó mới phân tích và so sánh các phương pháp khác với phương pháp nghiên cứu của mình. Đồng thời do trên Trung tâm Nghiên cứu Triển khai có rất nhiều máy móc hiện đại mà mình thì chưa có cơ hội tiếp xúc trước đó nên mình phải học cách sử dụng và phải nhờ các anh chị nghiên cứu viên trong trung tâm traning rất nhiều mới có thể sử dụng được."
Sớm có niềm yêu thích, đam mê các nghiên cứu ứng dụng vì thế Nhị Kiều luôn mong muốn trong tương lai sẽ tạo ra một sản phẩm bán trên thị trường. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là một chặng đường trải đầy hoa hồng. Điều quan trọng nhất không chỉ là kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ mà còn phải luôn tiếp thu ý kiến của các thầy cô hướng dẫn để làm cho nghiên cứu của mình ngày càng tốt hơn.
Đây là bước đầu nghiên cứu để hướng đến thương mại hóa sản phẩm nhưng nó cũng đem lại niềm vui và động lực phấn đấu to lớn cho cô bạn: "Khi nhận được kết quả điều chế thành công, mình vui lắm bởi đó tâm huyết mà mình dành tất cả công sức, thời gian và trí tuệ để có được.", Nhị Kiều cho biết thêm.
Hiện nay, tỉ lệ bệnh tiểu đường càng ngày càng gia tăng và có những chuyển biến xấu, điều này sẽ rất nguy hiểm. Bắt kịp được xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng nên Nhị Kiều đã tập trung vào hướng phát triển nhu cầu cấp thiết ấy góp phần làm nên thành công của quá trình điều chế thực phẩm chức năng trị tiểu đường. Được biết, đề tài này có tính thực tiễn vô cùng to lớn và thu hút được sự quan tâm của nhiều người bởi việc ứng dụng các hợp chất thiên nhiên từ cây cỏ làm thuốc, thực phẩm chức năng được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Nhị Kiều tâm sự: "Ngày nào làm nghiên cứu cũng rộn ràng niềm vui, các thầy cô và các anh chị nghiên cứu viên luôn vui vẻ, hòa đồng, nhiệt tình chỉ dạy cũng như giúp đỡ mình rất nhiều. Trong tương lai thì mình sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn và hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường."
Phải chăng để theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu thì trước hết là bản thân phải thực sự yêu thích và có nhiệt huyết, phải rất kiên trì tìm hiểu, phân tích đồng thời đặt ra những câu hỏi như: Tại sao cái này lại như thế? Làm sao làm được như vậy? Có cách nào khác để làm nữa không? Chính những câu hỏi ấy sẽ là chìa khoá góp phần trả lời cho câu hỏi mà chính mình đặt ra. Đồng thời, một công trình cũng không thể thiếu sự hướng dẫn của các thầy cô ở trường và các anh chị nghiên cứu viên.
Khép lại cuộc trò chuyện, Nhị Kiều không quên gửi lời nhắn nhủ chân thành tới những người đã hỗ trợ mình hoàn thành xuất sắc đồ án tốt nghiệp: "Mình thật sự rất cảm ơn cô Thạc sĩ Vũ Thị Hồng Phượng và Thạc sĩ Mai Ngọc Tuấn Anh đã tận tâm giúp đỡ, chỉ bảo mình. Những sự chỉ dạy đó thật sự rất quý báu với mình, không nhờ những sự dạy bảo quý giá đó thì mình sẽ không có được những thành tích như ngày hôm nay."
Cá Domino (SSDH) – Theo Helino