Nữ sinh gốc Việt khám phá sao Hỏa cùng NASA

0

SSDH – Ngô Mai Thy, sinh viên gốc Việt ngành Toán và Kỹ thuật tại Cao đẳng cộng đồng Portland, Mỹ, đã giành được một suất trong Chương trình Học giả không gian dành cho các trường cao đẳng của NASA.

  

nu-sinh-goc-viet-kham-pha-sao-hoa-cung-nasa

Ngô Mai Thy, sinh viên trường Cao đẳng cộng đồng Portland, Mỹ. Ảnh: pcc.edu.


Theo chương trình này, cô được học tập, nghiên cứu và thiết kế các robot thăm dò trên vũ trụ. Đầu năm nay, cô đã tới dự hội thảo chuyên môn tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion Laboratory (JPL) của NASA tại Pasadena, bang California và được trang trải toàn bộ chi phí.

 

Theo trang web của trường Cao đẳng cộng đồng Portland, Mai Thy là một trong 80 sinh viên cao đẳng cộng đồng ở 28 bang tại Mỹ và Puerto Rico tham gia vào hai hội thảo của NASA ở Pasadena và Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston. Chương trình này của NASA nhằm khuyến khích sinh viên theo đuổi sự nghiệp trong ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Hơn 330 sinh viên trên toàn nước Mỹ đã đăng ký chương trình này.

 

“Tôi rất biết ơn khi nhận được cơ hội này”, Ngô nói. “Điểm nổi bật của chuyến đi là tôi được dự hội thảo video với các kỹ sư và nhà khoa học tại NASA, xem qua những kết quả thu được từ robot Opportunity đang khám phá sao Hỏa. Chúng tôi được chứng kiến họ lên kế hoạch cho sứ mệnh như thế nào và ra lệnh cho robot ra sao để thực thi nhiệm vụ trong vài ngày tới. Mặc dù hầu hết chúng tôi không hiểu tường tận công nghệ kỹ thuật và ‘ngôn ngữ không gian’, nhưng tôi thực sự được mở rộng tầm mắt khi chứng kiến toàn bộ quá trình”.

  

nu-sinh-goc-viet-kham-pha-sao-hoa-cung-nasa2

Ngô Mai Thy tham gia hội thảo của NASA. Ảnh: pcc.edu.


Ngô đang dự định chuyển tiếp lên Đại học bang Portland để lấy bằng cử nhân về toán học. Cô được chọn tham gia chương trình sau khi hoàn thành một bài tập trên mạng và một bài luận văn trong suốt năm học. Khi tham gia hội thảo, cô phải hoàn thành một bản tóm tắt các mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian, ngân quỹ và phác thảo sơ bộ cho robot thăm dò và các sứ mệnh trên sao Hỏa.

 

“Chúng tôi cũng có cơ hội liên lạc với các kỹ sư NASA qua chat trên mạng, để họ giúp chúng tôi trong các bài học trực tuyến”, Ngô nói. “Ban đầu khi tới đó, chúng tôi được chia thành 4 nhóm khác nhau và cùng thực hiện một dự án xây dựng robot tưởng tượng. Mỗi đội có một kỹ sư NASA đồng hành để tư vấn. Điều này làm cho dự án trở nên thực tiễn hơn”.

 

“Robot của chúng tôi được thiết kế để đi qua mọi loại địa hình và chướng ngại vật khác nhau trên sao Hỏa, rồi thu về các loại đất đá để xét nghiệm dấu hiệu của sự sống trên hành tinh đỏ”, Ngô nói thêm. “Chúng tôi làm việc từ sáng sớm cho tới tối mịt. Tôi biết rất ít về sao Hỏa và các robot thăm dò. Giờ đây, tôi hiểu về sao Hỏa hơn bất cứ hành tinh nào, trừ trái đất”.

 

Mục tiêu của NASA là tiếp tục đầu tư vào các chương trình giáo dục để thu hút và giữ chân sinh viên trong ngành STEM – điều sống còn trong các sứ mệnh tương lai của NASA.

 

“Trải nghiệm này giúp sinh viên hiểu được những gì họ học trên giảng đường và áp dụng vào các câu hỏi trong đời thực, mô phỏng lại những gì mà các kỹ sư và nhà khoa học NASA vẫn làm hằng ngày”, Leland Melvin – cán bộ phụ trách giáo dục tại NASA phát biểu. “Nó sẽ giúp các em phát triển những kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề trong tương lai”.

 

Diệu Minh

Share.

Leave A Reply