Tính từ năm 1958, khi những sinh viên Việt Nam đầu tiên đến Úc cho tới nay, đã hơn một nửa thế kỷ trôi qua. Bay Vút nhìn nhận lại quá trình này, gắn liền với những thăng trầm và biến động to lớn của lịch sử Việt Nam cũng như nước Úc trong thế kỷ 20 và đầu thế kỉ 21.
Những du học sinh đầu tiên
Theo tư liệu lịch sử của Úc, vào tháng 9/1957, Lãnh đạo chính quyền Việt Nam Cộng hoà có chuyến thăm Úc nhằm tăng cường các quan hệ song phương. Tháng 10 năm đó, hai bên đã có cuộc thảo luận tại Sài Gòn về việc Úc hỗ trợ đào tạo nhân lực cho miền Nam Việt Nam và chính thức triển khai chương trình Colombo Plan mà Chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã tham gia từ năm 1951.
Văn khố Quốc gia Úc (National Archives of Australia) có lưu một tấm hình tư liệu của sáu chàng trai trẻ người Việt Nam đầu tiên đến Úc du học theo học bổng Colombo được chụp cuối năm 1957, trong một buổi trao đổi về Anh văn để chuẩn bị bắt đầu khoá học vào năm 1958.
Một trong số đó, chàng sinh viên Trần Kiêm Tịnh đã được cấp thêm học bổng cao học tại Đại học New South Wales để tiếp tục nghiên cứu về cơ học đất. Ông cũng được Văn khố Quốc gia Úc nhắc đến như một người “có đóng góp quan trọng cho sự an toàn của ngành khai khoáng Úc”.
Học bổng Colombo kéo dài cho đến 1975, trước khi Sài Gòn sụp đổ. Theo tư liệu của Bộ Di trú Úc, có 335 sinh viên Việt Nam được trao học bổng Colombo. Phần lớn trong số này đã ở lại Úc sinh sống và lập nghiệp, trở thành một trong số những người Việt đầu tiên định cư tại Úc.
Đây cũng chính là thế hệ du học sinh Việt Nam đầu tiên được đào tạo tại Úc mà sau này đã giữ những trọng trách quan trọng trong hoạt động khoa học, nghề nghiệp ở Úc, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Học bổng Úc trở lại
Sự kết thúc của chương trình Colombo cũng dẫn tới thời kỳ gián đoạn du học Úc từ cuối thập niên 1970 và thập niên 1980, khi đại bộ phận du học sinh Việt Nam lúc bấy giờ theo học tại các nước Đông Âu và Liên Xô cũ.
Theo tài liệu của Chính phủ Úc, vào năm 1991, các chương trình viện trợ phát triển của Úc bắt đầu triển khai ở Việt Nam, đi cùng là học bổng AusAID đã trở lại một năm sau đó.
Học bổng AusAID phần lớn dành cho nhóm đối tượng học tập và nghiên cứu sau đại học, mỗi năm cấp 150 suất và từ 2010 Chính phủ Úc đã tăng số lượng học bổng lên 225 suất. Ngoài ra còn có học bổng Năng lực Lãnh đạo (ALA) ngắn hạn và dài hạn với số lượng 55 suất hàng năm kể từ năm 2007.
Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở đầu tiên gửi sinh viên đi đào tạo ngành điện tại Đại học Tasmania, Úc vào năm 1992 theo hình thức bán du học.
Vào năm 2010, Thủ tướng Kevin Rudd đã có sáng kiến tập hợp các loại học bổng do tổ chức AusAID quản lí và học bổng Endeavous dưới tên gọi “Học bổng Úc” (Australian Awards).
Theo website của Chính phủ Úc, tính đến nay có gần 4000 du học sinh Việt Nam tới Úc theo những chương trình kể trên. Trong số các cựu sinh viên Việt Nam thời bấy giờ có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm.
Đây cũng là thời kỳ Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế sau đổi mới, còn nước Úc đồng thời tăng cường viện trợ phát triển và quan hệ với các đối tác Châu Á dẫn đến làn sóng du học nhờ đó cũng bắt đầu sôi động.
Khác với những cựu sinh viên Colombo không trở về nước do biến cố 1975, du học sinh giai đoạn mở cửa cũng có nhiều người ở lại Úc vì lí do kinh tế hoặc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Lúc này việc xin thường trú dài hạn tại Úc (Permanent Residency – PR) còn tương đối dễ dàng. Một số người đã trở về, sau đó lại ra đi, góp phần vào cuộc tranh luận về chảy máu chất xám.
Bùng nổ du học Úc
Những năm 2000 chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng du học sinh Việt Nam đến Úc. Với những ưu điểm về chất lượng đào tạo, ngôn ngữ, địa lý, điều kiện sinh hoạt và thủ tục cấp visa, nước Úc trở thành điểm đến hàng đầu của các sinh viên lựa chọn con đường du học.
Ngoài các chương trình học bổng của Chính phủ Úc, hàng nghìn du học sinh Việt Nam đã đi học theo hình thức tự túc hoàn toàn kinh phí, chủ yếu là hệ cử nhân. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của hình thức du học Úc ở bậc phổ thông mà rất nhiều gia đình có điều kiện khá giả đã đầu tư cho con em họ.
Từ tháng 4 năm 2000, Đề án Đào tạo cán bộ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là 322), cũng đã đưa hàng trăm sinh viên sau đại học tới Úc.
Theo số liệu của Văn phòng Giáo dục quốc tế Úc (AEI), vào năm 2006, có gần 7000 du học sinh Việt Nam ở Úc, năm 2007 là 8000 và năm 2008 là hơn 13.000. Đến tháng 5/2009, con số này là gần 16.000, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp khủng hoảng kinh tế. Với tỉ lệ gia tăng nhanh nhất, Việt Nam đứng thứ bảy về số lượng du học sinh ở Úc.
Cho đến năm 2010 đã có hơn 25.000 sinh viên Việt Nam ở Úc, và vị trí của Việt Nam là thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Theo thống kê mới nhất, riêng hai tháng đầu năm 2011 đã có gần 13.000 sinh viên Việt Nam nhập học tại Úc.
Nhiều sinh viên Việt Nam thế hệ trẻ đến Úc du học từ khi còn nhỏ tuổi và không ít người xác định sẽ ở lại Úc từ trước khi đi du học. Vấn đề nhập cư luôn là câu hỏi thường trực với nhóm đối tượng này, nhất là trong bối cảnh chính sách nhập cư của nước Úc thay đổi hàng năm theo chiều hướng ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt là kể từ tháng 7/2011.
Sự bùng nổ của làn sóng du học nói lên nhiều điều về những thay đổi trong xã hội Việt Nam, cũng như những thay đổi mà chính họ – những du học sinh Úc, đã góp phần vào.
(Theo Bay Vút)