Sẵn sàng du học – Ở chung với chủ nhà (homestay) hay không là câu hỏi phổ biến của nhiều du học sinh khi vừa sang vùng đất mới. Một trong những nỗi lo của phần lớn du học sinh trong hành trình ra thế giới là chỗ ở. Và homestay vốn là lựa chọn đầu tiên của nhiều bạn trẻ dù không khỏi đắn đo xung quanh chuyện ở chung với chủ nhà.
Homestay – phương án gây tranh cãi
Với tất cả chúng ta, “không đâu bằng nhà mình” vốn đã trở thành một chân lý. Đó là sự bao bọc, chở che và bình yên trong vòng tay gia đình. Là khao khát dù nhỏ nhoi nhưng thật lớn lao với phần lớn du học sinh.
Quả thật, du học chưa bao giờ là con đường dễ dàng với sinh viên Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới bởi nhiều lý do như: tài chính, ngôn ngữ, chỗ ở, hòa nhập với đời sống người bản địa khi vừa mới đặt chân đến quốc gia hoàn toàn xa lạ.
Ở chung nhà với người bản xứ là phương án ở trọ gây nên nhiều tranh cãi. Có người thấy lựa chọn này thân thiện, có người lại thấy nó quá mất tự do và nhiều rào cản.
Một trong những lý do mà homestay thu hút du học sinh là chi phí thường rẻ hơn nhiều so với việc tự thuê nhà riêng. Trung bình, một du học sinh ở homestay tại Vancouver, một trong những thành phố đắt đỏ của Canada, chi trả khoảng 800 – 900 CAD/tháng, bao gồm tất cả các chi phí sinh hoạt và các bữa ăn trong ngày.
Tùy theo thỏa thuận giữa hai bên mà du học sinh có thể chọn số bữa ăn muốn dùng cùng chủ nhà, và kinh nghiệm càng nhiều buổi ăn chung thì khoản tiết kiệm càng lớn. Thậm chí, nhiều du học sinh còn mang theo thức ăn từ homestay cho bữa trưa tại trường.
Việc được ăn ở và sinh hoạt cùng với chủ nhà cũng sẽ giúp du học sinh tiết kiệm được hàng tá các khoản chi phí vô cùng đắt đỏ so với túi tiền du học sinh như: điện, nước, Internet, đồ dùng gia đình, bột giặt, nước rửa chén…
Thường thì những ngôi nhà nhận tiếp đón sinh viên du học ở xa các khu trung tâm nhưng thuận tiện trong việc đi lại bởi gần các trạm xe bus, skytrain. Mỗi sinh viên sở hữu một phòng ngủ riêng với đầy đủ tiện nghi như giường ngủ, bàn học, tủ quần áo. Các tiện ích còn lại như phòng khách, toilet hay bếp chia sẻ để dùng chung.
Việc ở chung nhà với người bản địa sẽ mang lại cho du học sinh một trải nghiệm chân thật và ấm lòng hơn trong những ngày xa nhà. Chủ nhà nấu ăn, chăm sóc và quan tâm đến đời sống hằng ngày, mời tham gia những sự kiện trọng đại của gia đình như lễ tiệc, sinh nhật, … Đặc biệt, gia đình chủ nhà cũng sẽ mang đến cho các bạn những lời khuyên hữu ích, giúp hòa nhập nhanh chóng hơn với môi trường mới.
Mỗi gia đình nhận từ 10 – 15 du học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau và tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế phổ biến duy nhất, thay vì dùng ngôn ngữ tiếng Việt hay một tiếng bản địa nào khác. Ở chung nhà với người bản xứ, du học sinh sẽ buộc phải giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ, với nhiều cấp bậc lưu loát khác nhau. Chính vì thế, đây là cơ hội để bạn thành thạo tiếng Anh nhanh hơn.
Ngoài ra, sống với bạn bè nước ngoài sẽ giúp bạn có cơ hội làm quen với những nền văn hóa khác nhanh hơn bất cứ một lớp học bài bản nào.
Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa hay thói quen sinh hoạt của các gia đình bản địa và bạn bè quốc tế cũng là lý do dẫn đến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
Thất vọng và may mắn
Hương Quỳnh, một du học sinh Canada quê Hưng Yên vẫn còn nhớ như in tâm trạng không khỏi bất ngờ và thất vọng khi vừa xuống sân bay Vancouver đã bị chủ nhà homestay từ chối cho dọn vào vì vấn đề thời gian. Thời điểm Quỳnh đến Vancouver rơi vào dịp lễ Giáng sinh, đó là kỳ nghỉ dài của đa số người dân tại đây.
Cô gái trẻ vừa tốt nghiệp phổ thông trung học đến xứ người đã phải đối mặt với một tình huống dở khóc dở cười. Nhờ vào các mối quan hệ bạn bè và gia đình, cuối cùng Quỳnh cũng tìm được một chỗ ở nhờ tại nhà người quen để tìm kiếm chỗ ở mới. Với Quỳnh, ấn tượng với homestay đó là vị chủ nhà không mấy thân thiện.
Mỗi gia đình sẽ có những quy tắc khác biệt và cách duy nhất là bạn chỉ có thể tuân theo phong cách sống của họ. Đó có thể là mốc thời gian mà họ muốn bạn phải có mặt ở nhà, là nơi sắp đặt các dụng cụ trong nhà bếp mà bạn cần ghi nhớ, quy định không hút thuốc trong nhà hay một số quy tắc ngầm mà chỉ khi đã sống chung với họ thì bạn mới tỏ tường.
Câu chuyện truyền miệng mỗi ngày chỉ ăn 8 lát sandwich cho khẩu phần 3 bữa ăn. Hay 8 giờ tối cửa nhà bếp khóa im ỉm dù muốn lấy nước sôi, uống sữa,… cũng đành phải ngậm ngùi là nỗi ám ảnh đối với nhiều du học sinh khi nhắc tới hình thức homestay nếu gặp phải chủ nhà khó tính, keo kiệt.
Bên cạnh đó, với những ai không thích sự gò bó, quy tắc thì có lẽ sẽ cảm thấy ít nhiều bị phụ thuộc vào chủ nhà. Bạn có phòng riêng nhưng lại không được tuỳ ý sắp đặt, trang trí. Hay mỗi khi có khách thăm viếng, thậm chí phụ huynh từ Việt Nam sang thăm con cũng phải bỏ tiền thuê khách sạn với chi phí đắt đỏ từ vài chục đến một trăm đô la/ngày vì quy định của chủ nhà không chấp nhận người thân ở lại khi đến thăm dù bạn có phòng riêng.
Khang Nguyễn, chàng trai 19 tuổi người Nha Trang du học ngành bếp tại Vancouver vừa đón mẹ sang du lịch kết hợp thăm con. Mặc dù, Khang may mắn hơn nhiều du học sinh khác khi được sống với gia đình chủ nhà người gốc Philippines khá thân thiện, quan tâm chăm sóc cậu như con cái trong nhà.
Trở ngại hằng ngày với Khang là tập dùng chung không gian sống với chủ nhà và các bạn cùng nhà. Nhiều đêm học bài khuya, Khang thật sự khó chịu với sự ồn ào của các phòng bên cạnh. Hay việc bị đập cửa phòng tắm mỗi khi tắm hơi chậm, chen chúc sử dụng chung nhà vệ sinh là những trải nghiệm hoàn toàn không thoải mái của cậu con trai vốn quen cuộc sống riêng tư, rộng rãi giữa thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.
Tất cả những điều này, không thể tự kiểm chứng được trước khi lên đường du học.
Khang Nguyễn cho biết mỗi ngày lên lớp, bạn đều được một cán bộ nhà trường thường xuyên thăm hỏi về tình trạng chỗ ở, mối quan hệ với chủ nhà và chất lượng các bữa ăn.
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, Khang vẫn có mong muốn dọn ra ở riêng trong thời gian gần nhất nhằm tìm kiếm cơ hội để tự lập khi đã quen thuộc với điều kiện sinh hoạt và cuộc sống tại đây.
Dễ thấy, homestay không phải là phương án ở trọ hấp dẫn nhất với du học sinh. Theo kinh nghiệm của nhiều bạn đúc kết, mô hình homestay chỉ phù hợp với các học sinh trao đổi hệ phổ thông hoặc sinh viên năm đầu.
Chuyện ở homestay chỉ thực sự thoải mái khi không phải đụng chạm nhiều với gia chủ và thực sự cởi mở khi sống trên đất người, tìm cách thích nghi để hội nhập…
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Thanh Niên