Sẵn sàng du học – Tập truyện ngắn thể hiện những quan sát sâu sắc và tinh tế của tác giả Quế Hương đối với thế giới trẻ thơ luôn đầy ắp những tưởng tượng rộng mở.
Những truyện ngắn trong Đám cưới cỏ phần lớn hướng đến những nhân vật trẻ em có số phận không may mắn, thể hiện sự yêu thương, không phải để khơi dậy những bất hạnh mà để ươm mầm những nét hồn nhiên, ấm áp của mỗi đứa trẻ.
Chúng có thể là Tí Bụi – đứa trẻ trông loắt choắt, bẩn thỉu, sống cùng người mẹ tâm thần bên trong một túp lều lụp xụp, không được ai yêu mến, nhưng hết lòng chăm sóc con chó nhỏ. Đến khi con chó mất đi, Tí Bụi đã dùng thân mình để ủ ấm cho lũ chó con như một người mẹ. Hình ảnh ấy như ánh sáng lấp lánh sưởi ấm cho không khí ảm đạm của câu chuyện.
Hay là những đứa trẻ bụi đời trong truyện ngắn Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh, khi bắt gặp cậu bé công tử bột ngủ trên ghế giữa đêm đã muốn lột sạch quần áo cậu để kiếm ít tiền ăn. Đúng khi cậu bé lên cơn sốt thì cả lũ trẻ bụi đời lại thấy tội, xúm vào chăm sóc, tìm đủ mọi cách làm cho cậu "mát" lại.
Trong đêm khuya chỉ có mấy đứa trẻ ngồi với nhau ấy, những câu chuyện về cuộc đời bé mọn của chúng mới được cởi mở. Thằng Quẳng có cái tên như vậy bởi “người ta quẳng tau ra đường đến mấy bận. Hồi đỏ hỏn, mẹ đẻ quẳng. Một bà nhặt tau nuôi. Bả chết, người ta lại quẳng”. Hay như con Sót, nó tên là Sót bởi “là đứa duy nhất trong một gia đình sau bữa cháo nấm”, để rồi từ ấy về sau, nó ăn cái gì cũng hỏi “cái ni ăn có chết không?”.
Nghe những câu chuyện của các bạn, cậu bé con nhà giàu, bố mẹ sắp ly hôn tự nhiên buồn quá đỗi. Thế nhưng nhà văn Quế Hương không xoáy sâu vào nỗi buồn bã, bất hạnh của những đứa trẻ. Bằng trí tưởng tượng mênh mông của trẻ thơ, cô đã đặt chúng vào một không gian cổ tích của “thiên đường xanh”, nơi ấy một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra, chúng có thức ăn ngon, có quần áo đẹp để mặc, không còn phiền muộn nào.
Dẫu biết nó chỉ là một vùng mơ mộng, nhưng tưởng tượng ấy lại khiến những đứa trẻ bất hạnh phút chốc được tận hưởng niềm vui hồn nhiên mà chúng đã bị lấy mất từ khi mới xuất hiện trên đời.
Không chỉ cúi xuống xoa dịu những đứa trẻ bất hạnh, Quế Hương còn rất ân cần với những món đồ chơi cũ kỹ, tưởng chừng vô dụng trong đống đồ chơi của mỗi đứa trẻ. Bằng trí tưởng tượng giàu có, tác giả đã mở ra một thế giới rộn ràng đầy cảm xúc của những món đồ vô tri. Ở đó có Quán búp bê của cô gái bị câm, vô cùng thương yêu con búp bê xứ Mơ, cất sâu nơi góc tủ, hiếm khi được khách du lịch chú ý. Một ngày búp bê bất chợt biến thành công chúa, nâng cô bé bay lên, về với vùng đất của những món đồ chơi đầy sống động. Không gian rộn ràng những âm sắc của bướm vàng, chim bay, hoa cỏ xanh mướt, những con búp bê chạy nhảy, cười nói với nhau.
Với người lớn, thế giới ấy có lẽ thật xa lạ, khó cảm nhận, nhưng đối với những đứa trẻ, đó là thế giới của chúng, tự do và rộng mở. Quế Hương nương vào những điều thật nhỏ bé, đôi khi thật buồn trong đời sống để mở ra một vùng trời bao la. Nơi ấy, mỗi đứa trẻ đều có thể vui vẻ, hạnh phúc như nhau. Giống như cô bé câm trong Quán búp bê, con Lỡ trong Bà mụ búp bê, cậu bé Cọt trong Cò gà, thằng Quý trong Ngày nắng đầu tiên…
Tập truyện ngắn của Quế Hương còn miêu tả một thế giới tự nhiên thật yên bình, nơi có Đám cưới cỏ, khi con búp bê bị quẳng ra bờ sông, đang âu sầu buồn bã, thì bất chợt nhận ra vạt cỏ mềm mại xuất hiện vô vàn những con vật lấp lánh như đom đóm, chuồn chuồn, dế, ốc sên, châu chấu… và đủ các loại hoa cỏ như lồng đèn, tóc tiên, cúc dại, ngũ sắc… đều đang tụ hội nhảy múa dưới bầu trời đầy sao. Hóa ra đó là buổi lễ đám cưới của chuồn chuồn kim. Được chứng kiến khoảnh khắc, con búp bê cũ choáng ngợp trong hạnh phúc, nó cảm thấy khám phá ra bí mật kỳ diệu ấp ủ trong hoa lá đất đai. Lần đầu tiên sau bao ngày tháng sống trong tủ kính, nó cảm thấy cuộc đời thật tươi đẹp.
Viết chuyện búp bê, chuyện hoa, cỏ, động vật ấy thực ra cũng là chuyện trẻ thơ, từ ấy mà khơi gợi những tâm tư sâu xa của trẻ, mà nếu vô tình người lớn thường hay bỏ qua. Độc giả nhỏ tuổi đọc Đám cưới cỏ là tìm kiếm những người bạn, với người lớn đọc cuốn sách lại chính là thấu hiểu và yêu thương, những đứa trẻ của mình.
Quế Hương là tác giả của nhiều cuốn sách viết cho thiếu nhi như Đôi chân biết khóc, Quán búp bê, Thư gửi thời gian, Bí đỏ…
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing