Review những món đồ quốc dân của Du học sinh Canada

0

SSDH –  Đối với du học sinh Châu Á, ẩm thực là một phần không thể tách rời khỏi nền văn hóa, nhiều bạn khổ sở với chuyện ăn uống tại xứ người. Vì vậy, bài này chọn nhà bếp là cốt lõi, là cội nguồn của mọi vấn đề, mọi drama trong đời sống du học sinh kể cũng là phải phép.

Và ngày hôm nay,  SSDH gửi tới bạn review của Thổ địa Canada chỉ nói về cái bếp thôi. Không giống như ở Việt Nam, mình chủ yếu là xài bếp ga và một số bạn sinh viên ở trọ thì hiện này sử dụng bếp từ.
Ở Canada, đa số các nhà sẽ sử dụng bếp điện, chỉ một số ít các nhà kiểu mới hoặc chanh xả mới có bếp ga hay bếp hồng ngoại nên mình không bàn tới. Nếu lỡ may bạn vào được các nhà này đừng quên cám ơn phước đức ông bà tổ tiên để lại cho bạn nhé.
Lí do xài bếp điện vì nó tiết kiệm và khá an toàn so với bếp ga do không có ngọn lửa. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có những vụ hỏa hoạn nguyên nhân từ cái bếp điện này, nên đừng chủ quan.
Một cái bếp kiểu mẫu ở Canada sẽ bao gồm 3 phần chính. Mặt trên cùng gồm 2-4 cái bếp nhỏ, là những lõi kim loại khi bật bếp sẽ đỏ để tạo nhiệt (coils). Phần thân của bếp là một cái lò nướng và dưới cùng là một ngăn kéo để bạn đựng nồi chảo.
Thông thường, cái bếp ở Canada sẽ có màu trắng, ý mình là lúc mới mua, còn khi các bạn du học sinh thuê nhà hoặc sau thời gian ở chung với nhau, nó sẽ có rất nhiều gam màu. Nếu bạn ở với người Ấn có thể là màu trắng nhấn nhá chút vàng nghệ, vàng cari. Nếu bạn ở với du học sinh Châu Á Trung Quốc hay Việt Nam, rất có thể là nền trắng chấm phá chút đỏ của ketchup, siracha hoặc nâu cánh gián của nước mắm 3 con cua hay nước tương chinsu chẳng hạn.
MẶT TRÊN CÙNG
Như đề cập phía trên, thông thường sẽ có 4 cái bếp nhỏ kích thước khác nhau để vừa từng cỡ nồi hay chảo. Nếu bạn sử dụng được cả 4 bếp thì hãy cám ơn thượng đế, nhưng nếu xài được 3/4 cũng là quá tốt rồi bạn nhé. Nhìn vào cái bếp là bạn có thể đánh giá được mức độ hòa thuận và ngăn nắp của những người trong nhà rồi. Nếu nhà nào sạch sẽ, kĩ càng, phía dưới từng cái vòng kim loại sẽ lót một miếng foil (giấy bạc) có thể dễ dàng mua được tại dollarama 1-2$/4-6 miếng. Miếng giấy này sẽ hứng những bụi than hay đồ ăn lúc nấu nướng bị vương vãi. Khi nào thấy dơ thì gỡ ra thay miếng mới là bếp lại sạch như mới. Còn nhà nào ở dơ (đa số), thì dưới mấy cái coils sẽ đầy đồ ăn đóng đen, tởm…
Bạn nhớ cái nút vặn nhé. Nhà Canada thường tuổi đời bằng tuổi ba tuổi má chúng ta nên mấy cái bếp này mất chữ, mờ số là điều bình thường. Cứ vặn theo chiều kim đồng hồ, thấy chưa đủ đô thì vặn tiếp. Có lần mình vừa vặn cái rớt cái nút ra phải lật đật lấy keo gozilla dán lại không chủ lại bắt đền.
Thường thì phía trên bếp sẽ có gắn thêm hệ thống hút mùi, hút khói nhưng đừng trông mong quá nhiều, chủ chẳng mấy khi thay tấm lọc gió nên nó chả hút được bao nhiêu mà quạt kêu ồn.
LÒ NƯỚNG
Tới cái stove ở phần thân, nó có 1 cái vỉ mà bạn có thể điều chỉnh độ cao để nướng nhanh hay chậm và 1 cái khay kim loại để bạn đựng đồ nướng. Lò khá lớn, bạn có thể nướng cả con turkey cho Easter Day, nhưng mình thường dùng cái lò này để nướng sườn trong những ngày thèm cơm tấm quê nhà. Cái lò này cũng hên xui, theo kinh nghiệm lang bạt tứ xứ ở Canada của mình, chưa lần nào sử dụng được cùng lúc 2 coils của lò. Thường mình phải sử dụng hệ thống trở mặt miếng thịt chạy bằng cơm. Phần vỏ của lò sẽ có 1 ô cửa sổ để bạn nhìn vào bên trong xem tình hình chiến sự như thế nào. Nhưng cũng đừng hy vọng gì nhiều, vì đèn bên trong lò thường bị hư và chủ không thay hoặc đồ ăn dính đầy ở mặt trong không lau lâu ngày nên cũng không thấy được gì. Cũng như trên, nhà nào sạch sẽ lót dưới đáy lò miếng foils để khi nướng nước chảy ra thì dễ vệ sinh, còn bình thường mở ra thì dầu mỡ rồi cặn đồ ăn nhóc hết.
Ngăn dưới cùng của bếp, nếu mở ra thấy có mấy con gián nhỏ thì cũng đừng la toáng lên, người ta lại nghĩ bạn làm lố. Điều đó cũng dễ hiểu, mấy bạn không ý thức đóng chặt lại nên đồ ăn lúc nấu nướng rơi vào thì dán nó chui vào ăn là phải.
Bởi vì một cái bếp phải chia với rất nhiều người và mình đã từng ở nhà 10 người chia chung 1 cái bếp. Nên nếu mà góp gạo thổi cơm chung thì chả có vấn đề gì. Nhưng nếu mạnh ai nấy nấu thì sao?
Ý thức thì chia khung giờ ra, ai nấu xong thì dọn dẹp để người khác nấu. Còn không thì bày đầy ra cái bếp nhỏ xíu, mỗi người một nồi chen chúc nhau như cái chợ trời, trông nhếch nhác.
Sau khi nấu xong nên lau liền lập tức, nếu thức ăn dầu mỡ có màu thì lấy nước rửa chén pha loãng sau đó bỏ vào chai xịt lên bề mặt rồi lau là đảm bảo trắng và thơm. Thêm nữa là hạn chế tối đa các đồ ăn có mùi.
168169157_1041701829688105_5497788008801991867_n
167977438_1041701809688107_4266741897925927183_n168920850_1041701859688102_5120598336786578993_n166792182_1041702006354754_5888108925143846897_n
Bạn muốn review món đồ nào tiếp? Chát với chúng tôi nhé
SSDH Team

 

Share.

Leave A Reply