Sẵn sàng du học – Điện ảnh thế giới đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện tình điên rồ và kì dị bậc nhất, nhưng chỉ có mỗi "Jeux D’enfants" (Trò Chơi Trẻ Con) mới đủ sức tạo ra một câu chuyện tình yêu vừa tưng tửng nhưng lại cũng đậm chất lãng mạn, đưa tên tuổi nàng thơ nước Pháp Marion Cotillard đến đông đảo công chúng trong hơn 15 năm qua.
Nếu đã có ít nhất một lần trong đời nghe bản nhạc La vie en rose thì Jeux D’enfants(2003) (tựa Việt: Trò Chơi Trẻ Con) là bộ phim nhất định phải xem. Bởi lẽ trên nền nhạc La vie en rose từ tốn với giai điệu và ca từ da diết, cộng hưởng cùng thứ ngôn ngữ lãng mạn bậc nhất thế giới, một câu chuyện tình yêu "quái gở, kì dị, điên rồ" nhưng vẫn khiến người xem rơi nước mắt vì cảm động và hạnh phúc đã diễn ra.
Khi trình chiếu tại các quốc gia trên thế giới, bộ phim lấy tên Love Me If You Dare, còn tên bản gốc tiếng Pháp là "Jeux D’enfants", nghĩa là Trò Chơi Trẻ Con. Người Pháp vẫn thích tên gốc hơn, bởi lẽ nó gợi được sự tò mò, thú vị, cũng gắn liền với nội dung chính xuyên suốt cả bộ phim. Đâu đó, người xem có thể nhận ra rằng: dù thời gian có trôi qua, hai nhân vật chính có lớn lên, thì họ cũng vẫn là hai đứa trẻ trong hình hài người lớn mà thôi.
Sophie Kowalsky (Marion Cotillard) là một cô bé Ba Lan thuộc tầng lớp nghèo, mồ côi cha mẹ và sống cùng một người chị trong một khu lao động nghèo ở Pháp. Sophie luôn bị bạn bè chọc là cô gái lập dị và cô bé luôn không có bất kì người bạn nào. Cuộc sống của Sophie những tưởng sẽ mãi như vậy cho đến khi cậu bé Julien (Guillaume Canet), một cậu bé cũng lạ kì không kém, bước vào cuộc sống của Sophie. Julien có một cuộc sống gia đình không mấy hạnh phúc khi mà người mẹ yêu quý của cậu bị bệnh hiểm nghèo và người cha yêu thương vợ đến vô tận nhưng lại chưa bao giờ mở lòng với cậu. Nỗi cô đơn và sự đồng cảm đã kéo hai đứa trẻ đáng thương lại với nhau. Và từ đó, thế giới trẻ con của Sophie và Julien trở nên vui tươi hơn với tiếng cười, với bạn bè, và tất nhiên với trò chơi thách thức điên rồ xoay quanh chiếc hộp nhạc.
Luật chơi được Sophie đưa ra rất đơn giản: muốn giành quyền giữ chiếc hộp nhạc, bạn phải hoàn thành được yêu cầu của đối phương. Khi đối phương hỏi bạn "Cap ou pas cap" – "Dám hay không dám", nếu trả lời "Cap" vậy là bạn tham gia trò chơi và phải bằng mọi cách thức hiện được lời thách thức của đối phương. Và Julien đã bắt đầu trò chơi khi nhận lời thách của Sophie về việc làm chiếc xe bus chở đám học sinh trêu chọc cô bé tự lăn bánh trên con đường. "Cap ou pas cap" là câu nói theo chân hai đứa trẻ đến tận khi trưởng thành xuyên suốt mạch phim, cũng chính là chiếc chìa khóa đóng – mở câu chuyện tình yêu đầy rắc rối giữa hai người.
Ban đầu, những trò thách thức rất trẻ con, mọi yêu cầu đưa ra đều rất ngốc nghếch nhưng thú vị, làm sáng bừng cả tuổi thơ của hai đứa trẻ, như trò thách Sophie đánh vần từ bậy trong lớp học hay Julien có dám tè bậy trước mặt thầy hiệu trưởng. Hai đứa trẻ ấy say mê chơi, hăng say nghĩ ra những trò thách đố quái dị dành cho đối phương, tiết tấu phim vì vậy mà trở nên gấp gáp, đầy đam mê, chứ không ề à như một vài bộ phim kiểu Pháp đặc trưng.
Rồi hai đứa trẻ ấy cũng lớn lên, những tưởng những trò thách đố ấy cũng sẽ chín chắn, trưởng thành như vẻ ngoài của cả hai, vậy mà không, nó ngày càng oái oăm và điên rồ. Nhưng cũng cùng lúc ấy, hai người trẻ cũng nhận ra trong mình một thứ tình cảm lạ kì dành cho nhau, vẫn còn băn khoăn liệu rằng tình cảm ấy có phải là tình yêu hay không.
Sau ngần ấy năm thách đố nhau không ngừng bằng những trò chơi điên khùng nhất, Sophie nhận ra tình yêu của mình với cậu bạn thân, cô đã can đảm hỏi Julien rằng: "Anh có dám yêu em không?" và khi Julien trả lời rằng "Dám!" cùng một nụ cười nửa đùa nửa thật, Sophie đã cho rằng Julien vẫn tưởng đây chỉ là một trò thách đố. Thất vọng và giận dữ, Sophie đã bỏ đi mặc cho Julien chạy theo chiếc xe bus và hét lên trong tuyệt vọng "Anh yêu em".
Trò đùa tai hại giữa hai người vẫn không ngừng ở đó. Julien mời Sophie đi chơi và tỏ tình cùng cô, nhưng cuối cùng lại chỉ là trò đùa mời Sophie làm phù dâu. Sophie tức phát khóc, cảm giác như tình cảm của mình rơi xuống đáy vực, đã giận dữ ôm chiếc hộp nhạc đến lễ đường ngày Julien thành hôn, đẩy đến trước chân cô dâu – chú rể và lớn tiếng phản đối đám cưới. Họ dằn xé nhau bằng những trò cút bắt, và lần này, Sophie đã ra một lời thách thức: "10 năm không gặp nhau". Trong 10 năm ấy, cả hai đều có cuộc sống gia đình riêng, nhưng chẳng thể nào đẩy nhau ra khỏi vùng kí ức xưa cũ.
Cái kết của bộ phim có nhiều lớp nghĩa. Hình ảnh hai con người đứng dưới hố sâu của trụ bê tông, ôm nhau và hôn nhau, mặc cho từng khối bê tông từ từ đổ xuống và đông đặc lại, đợi một ngày được hong khô dưới ánh mặt trời, đã trở thành thước phim kinh điển, một khuôn hình đậm chất điện ảnh và tính nhân văn. Hay người xem cũng có thể cho rằng kết thúc thật sự là phân đoạn trắng – đen ở cuối bộ phim, với lời thách thức sống trọn đời cùng nhau.
Bên cạnh chất màu vàng ấm đầy tính nghệ thuật của các thước phim, cộng hưởng cùng âm nhạc và nội dung đột phá, còn một điều đặc biệt khiến cho Jeux D’enfants trở thành bộ phim về tình yêu kinh điển của nền điện ảnh Pháp, chính là mối quan hệ "phim giả tình thật" của hai diễn viên chính trong phim. Mãi 4 năm sau ngày bộ phim ra mắt, Guillaume Canet và Marion Cotillard mới gặp lại nhau lần nữa và từ đây, họ chính thức về chung một nhà, đúng như cái kết đẹp mà khán giả mong muốn cho cặp đôi Sophie – Julien ngoài đời thật.
Tình yêu của Sophie và Julien sâu đậm nhưng chua chát, thấu hiểu nhưng chất chứa nhiều nỗi sợ, để lại một nỗi nhức nhối và xót xa trong lòng khán giả. Có lẽ khi yêu thì người ta sẽ luôn như vậy: luôn cảm thấy không đủ, luôn lo lắng và khi chưa đủ dũng cảm, người ta sẽ vô tình làm tổn thương lẫn nhau và tổn thương chính bản thân mình.
Jeux D’enfants khép lại trong những khuôn hình vuông vức của tuổi trẻ, dẫu cho 15 hay tận 50 năm sau, vẫn là một bộ phim đáng để thưởng thức, chiêm nghiệm và là một câu hỏi hóc búa cho những ai tìm kiếm câu trả lời trước khi bắt đầu một tình yêu: "Cap ou pas cap" (Dám hay không dám).
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14