Sẵn sàng du học – Khi bắt tay vào đọc cuốn manga này, có thể nhiều người sẽ hoang mang không hiểu mình đang đọc gì.
Một cuốn truyện tranh câu chữ nhát gừng không có nội dung cụ thể (đồng nghĩa với việc có thể tiết lộ nội dung thoải mái), những hình vẽ lan man rời rạc, thô mộc, không sắc sảo nuột nà như những quyển manga khác.
Đọc tiếp, thì ra cuốn sách về một cô gái nhỏ bỏ phố về làng, tự trồng tự nấu ăn. Trong sách có khoảng gần hai chục công thức nấu ăn. Người Nhật vốn giỏi tư duy bằng hình vẽ. Thông qua những hình vẽ nguệch ngoạc, những câu thoại nhát gừng, thiên nhiên và tư tưởng tràn vào tâm trí người đọc.
Câu chuyện về cô gái bỏ phố về làng
Little Forest (Komori) – là bộ manga của tác giả Igarashi Daisuke, đã được hãng Shochiku chuyển thể thành 2 tập phim điện ảnh cùng tên, từng được đề cử giải thưởng Tezuka Osamu Cultural Prize của Nhật. Ở Việt Nam, sách được NXB Hồng Đức và Cty IPM xuất bản năm 2018 (dịch giả Vũ Anh), với hình thức box set, 2 tập trong hộp cứng.
Làng Komori, nơi Ichiko sinh ra và lớn lên, cũng là nơi hiện tại cô lựa chọn quay trở về, bỏ lại đằng sau cuộc sống tấp nập chốn thành thị. Mẹ cô cũng đã bỏ đi không lý do cụ thể. Mẹ thiên nhiên ôm cô vào lòng.
Trong căn nhà nhỏ và khu vườn riêng mình, Ichiko gieo trồng hạt giống, chăm chỉ với công việc đồng áng, tự tay làm nên những món ăn từ chính những nguyên liệu tự nhiên. Từng ngày trôi qua, với mỗi một món ăn, những gì mà Ichiko nhận được lại không chỉ là trải nghiệm mà còn cả lời giải đáp thầm lặng cho những vướng bận trong lòng trước giờ cô gái vẫn luôn lẩn tránh.
Cô có bạn, có hàng xóm, đã từng có bạn trai. Ai cũng chỉ thoáng qua đời cô bé, cô tự bổ củi, cày đất, tưới cây, làm rượu gạo, đạp xe ra thị trấn mua đồ, ngày qua ngày dưới chân núi. Tưởng nội tâm thuần hòa ngô nghê vậy mà cực kỳ phức tạp, không nhiều lời, sắt đá và kiên quyết.
Cốt truyện đơn sơ như vậy, chỉ xoay quanh một nhân vật và chuyện cuộc sống thường ngày tương cà mắm muối. Không yêu đương đưa đón, không tán tỉnh giận hờn, một mình bổ củi trong lúc chờ tan sương, làm cỏ trong lúc chờ rau mọc, những nốt bổng trầm trong cuộc sống là gió thổi tuyết rơi, là các mùa luân chuyển.
Gợi nhớ tuổi thơ và chốn bình yên tâm hồn
Có gần 20 món ăn đã xuất hiện trong sách, gắn liền với cuộc sống núi rừng Nhật Bản: mứt hạt dẻ, cơm hạt óc chó, rau tẩm bột rán, bánh khoai tây, dương xỉ muối… Những nguyên liệu thò tay ra cửa sổ là ngắt được. Rồi mẹo vặt tưởng như lẩn thẩn để lưu trữ đồ ăn, trồng cây, bổ củi chăm bón cây trái…
Ai đọc cũng nhớ đến tuổi thơ của mình, tự ra vườn ngắt rau gọi bạn bè nổi lửa nấu ăn, nêm nếm thử nghiệm đủ thứ, có thứ ngon tuyệt vời, có thứ phải đổ vội xuống cống. Đằng sau những chuyện lông gà vỏ tỏi đó là một nội tâm, một nhân sinh quan hài hòa, bền vững và sâu sắc.
Nấu ăn ngon tưởng đâu là phải nhờ vào thực phẩm lạ, ngoại nhập, vào cách chế biến cầu kỳ, tưởng sung sướng thỏa mãn là phải đến từ bên ngoài… hoá ra đều là nhầm lẫn và tự đóng cửa lòng mình, mất nhiều cơ hội một cách đáng tiếc.
Trong bộ manga này, ta có thể thấy thấp thoáng bóng dáng Masanobu Fukuoka của “Cách mạng một cọng rơm”, nhắc nhở ta rằng con người ta có lẽ không cần gì nhiều hơn ngoài những điều trong tầm tay, đừng tư lợi, đừng tham lam quá thì tự nhiên tự sẽ đem lại cho ta niềm vui của một cuộc sống tinh thần tự do tự tại.
“Bạn có biết rằng, lúa tung mình trên không trung hai lần trong đời, lần đầu tiên khi chúng được gieo và lần thứ hai khi lúa được gặt?”.
“Công đoạn nhóm lò như một nghi thức nào đó khiến tôi luôn háo hức và hồi hộp. Ngắm lửa bao nhiêu lần cũng không chán mắt”. Rồi “Chẻ củi như cuộc đối thoại giữa cơ thể và gỗ”.
Và hai cô bạn gái còn tâm sự, đôi khi, chẻ củi cũng là trút nỗi tức giận vào người sếp lắm lời của mình.
Sẽ có hai trào lưu khi đọc quyển sách này. Với những lý luận “trở về với thiên nhiên”, “sống cân bằng” hiện nay, sẽ nhiều người muốn “tránh xa dòng đời ô trọc”, hy vọng tìm thấy sự an ủi của nếp sống hiền hòa nơi thôn dã, tránh xa bụi mịn và ô nhiễm thị thành, thấy mình có sự đồng cảm trong một cách đối diện với những ngổn ngang trên con đường đi tìm câu trả lời cho cuộc sống của Ichiko.
Sâu xa hơn, người ta sẽ thấm thía về cái đẹp sẽ mất đi theo mùa của khoảnh khắc thực tại, cái vĩ đại mà hồn nhiên của tự nhiên phơi bày lồ lộ, giúp ta ngộ ra rằng, hãy hồn nhiên là chính mình như cây cỏ, như con bọ hung hay con gấu rừng Komori. Tôn giáo vĩ đại nhất thực sự là thiên nhiên, và con người chúng ta là một phần của nó trong vòng quay sự sống.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing