SV Nga chia sẻ kinh nghiệm du học

0
DH7Mỗi sinh viên (SV) khi sang học ở xứ người đều có những suy nghĩ, những kinh nghiệm của riêng bản thân mình. SV Nga cũng vậy. Sau đây là những kinh nghiệm mà các bạn cùng chia sẻ.

Nhật Bản: Đất nước kỳ lạ

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng học ở Nhật lại dễ chịu như vậy”, Tatyana Sivakova tiết lộ. Cô là 1 trong 6 SV Nga tham gia khóa học nghiên cứu tiếng Nhật kéo dài 1 tháng tại thành phố Hakodate.
“Nhật Bản là một đất nước thật đặc biệt. Nếu chỉ qua sách vở thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được xứ sở này. Thậm chí trong những ngày cuối cùng, khi đã sử dụng tiếng Nhật thành thạo, chúng tôi vẫn cảm thấy sự lạ kỳ ở nơi đây”.
Sivakova cũng rất ngạc nhiên khi quan sát thấy không có bất kỳ một SV Nhật Bản nào quay cóp trong các giờ kiểm tra. Theo cô, với SV Nhật, những trò gian lận đấy không phải là điều hay ho. Đáng buồn, ở Nga vẫn còn tiếp tục diễn ra những chuyện như vậy.
Sivakova cho biết, cô rất thích giao tiếp với những SV xứ sở hoa anh đào bởi họ cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được trò chuyện với những người khách đến từ nước Nga.

Mỹ quá xa hoa, sang trọng
“Học ở Mỹ dễ dàng hơn ở Nga”, Maxim Gorshkov thừa nhận. Anh là SV năm thứ 2 chuyên ngành quản lý kinh doanh và kinh doanh quốc tế tại một trường ĐH của Mỹ, phía Bắc Carolina.
“Mỗi học kỳ, chúng tôi đều tham dự các bài thuyết trình, mỗi tuần phải luôn chuẩn bị cho các kỳ thi, nói chung cũng tương đối dễ dàng”.
Theo Gorshkov, SV Mỹ không để ý nhiều đến ngoại hình, phong cách của họ. Điều này thật khác biệt với nhiều SV Nga. Người Nga luôn cầu kỳ, trau chuốt cẩn thận các bộ cánh, cách ăn mặc. Có những nữ SV Mỹ đi thi mà chỉ mặc áo khoác ngoài (thường mặc ở nhà khi trang điểm hay sau khi tắm).
Gorshkov cũng tiết lộ rằng, điều kiện sống ở Mỹ quá xa hoa. Đây là điều mà anh không thể hình dung nổi khi đang ở Nga.
Trung Quốc đề cao tính kỷ luật, giáo viên đầy trách nhiệm
“Học ở Trung Quốc không phải là điều dễ dàng chút nào”, đó là nhận định của Marina Safronova, SV năm thứ 4 một trường ĐH miền đông xa xôi ở Vladivostok, có 2 năm rưỡi học tập tại thành phố Harbin, Trung Quốc.
“Thật khó khăn để thích nghi với đất nước xa lạ này, nhưng chú tâm vào việc học đã khiến cho tôi không mất nhiều thời gian suy nghĩ, mà lại có trách nhiệm với bản thân hơn”.
Theo Safronova, SV Trung Quốc có tính kiên quyết và kỷ luật hơn các SV Nga. Tất cả SV Trung Quốc đều rời khỏi gia đình và sống trong các phòng tập thể suốt quá trình học tập. Còn ở Nga, chỉ có những SV đến từ những thành phố, miền quê khác mới sống trong nhà tập thể, nhưng lúc nghỉ ngơi thì họ lại quay về sinh hoạt, sống cùng những người thân trong gia đình.

Hàn Quốc: Đất nước của gạo và rượu bia
Đối với Svetlana Danilova, SV Quan hệ quốc tế, học tiếng Hàn 4 tháng ở thành phố Ulsan, ấn tượng về xứ lạnh này là các khu trường sở của SV rộng đến kinh ngạc.
Tuy nhiên, cách nấu nướng của quốc gia châu Á chiếm ưu thế về về gạo này khiến cho Danilova không hài lòng. Cô ngạc nhiên khi thấy các chàng trai người Hàn Quốc uống rượu “như nước lã” và quay trở về phòng ở khi trời đã hửng sáng.
Một khám phá thú vị đối với Danilova, đó là các cô gái Hàn Quốc không… hút thuốc, trong khi ở Nga, đa số con gái bắt đầu hút thuốc khi đang ở độ tuổi vị thành niên.

Tham gia tiệc tùng ở Hungary
Theo Alexander Zashutin, SV Quan hệ quốc tế, học 4 tháng ở Budapest, Hungary, việc học ở đây cực kỳ bận rộn. “Chúng tôi phải hoàn thành các bài tập hàng ngày, lên kế hoạch, dự án nhóm, và trình bày các tiến trình nghiên cứu trên giấy. Ngoài các bài diễn thuyết bằng các thứ tiếng – Anh, Pháp và Đức – mỗi SV phải chọn cho mình những buổi học riêng để thực hành”.
Zashutin hồi tưởng lại: “Mặc dù chương trình giảng dạy bận túi bụi nhưng ở đây vẫn thường diễn ra những buổi tiệc liên hoan của các SV quốc tế trong khu tập thể. Mọi người đều diện những bộ cánh sang trọng, đẹp nhất tham gia dạ hội”.
Zashutin cũng lấy làm ngạc nhiên khi những SV nước ngoài hoàn toàn tự do đi du lịch các nước, không như người Nga, họ phải đối mặt với các chế độ quan liêu khi xin cấp visa.

Hồng Thái (Theo VNN)
Share.

Leave A Reply