SSDH – Mặc dù luôn ấp ủ ước mơ du học Mỹ, nhưng trước đó tôi chưa thật sự “khởi động” gì để đạt được… cho đến năm cuối cấp 2.
Bằng nhiều cố gắng, tôi đã đỗ vào trường Chuyên ngoại ngữ của ĐHQG Hà Nội. Song cũng chính lúc biết tin đỗ thì bố mẹ tôi báo tin sẽ cho tôi sang Mỹ ăn học.
Xa bố mẹ, tôi thấy thật khác. Bình thường tôi không nói chuyện với người lạ vì đương nhiên rồi, ai chẳng được mẹ dặn là không được nói chuyện với người lạ. Vậy mà ở sây bay Taiwan tôi ngồi buôn chuyện với một chị gái người Việt sang L.A để học tiến sĩ. Chị ấy lên máy bay thì tôi lại kết thân với một bác sang định cư với con cháu ở San Francisco. Trên máy bay, tôi kết bạn với một người đàn ông Taiwan, người sau đó đã giúp tôi lấy lại phiếu xin vào nhập cảnh vào Mỹ, trong khi tôi tưởng đấy là túi nôn…
Ngày đầu đến trường quả là khó khăn. Ở đây học sinh học bằng giấy chứ rất ít dùng vở, chủ yếu dùng một cái gọi là binder để kẹp giấy có lỗ vào. Còn khóa của các locker ở Mỹ cũng rất khó mở. Tôi đã phải mất 1 tháng mới hoàn toàn quen cách mở khóa. Sau khi có 2 tủ đồ (1 tủ để sách, 1 tủ trong phòng thay đồ trước khi học thể dục) thì còn sinh ra chuyện lộn mã khóa…
Môn học ở Mỹ
Giáo dục ở Mỹ không bắt ép học sinh học 13 môn mỗi năm.
Ở Mỹ, vào năm học sẽ được nhận thời khóa biểu học đúng 6 môn 1 năm và học thế nào miễn sao thỏa mãn đủ điều kiện vào đại học. Tôi học lớp 10 nên đăng ký học văn học lớp 10, toán hình học, hóa học, thể dục, tiếng Tây Ban Nha cấp độ 1 và Lịch sử. Trừ môn tiếng Tây Ban Nha không có gì đặc sắc thì tôi sẽ nói tại sao nước Mỹ lại hấp dẫn về giáo dục tới vậy, mặc dù xếp hạng giáo dục của Mỹ luôn lẹt đẹt mà Việt Nam thì luôn cao.
Thứ nhất, học hóa học ở Mỹ là hóa học thứ thiệt. Một cô giáo dạy hóa của tôi bảo tôi rằng “Hóa ở Việt Nam chỉ là tính toán”. Học Hóa học “thứ thiệt” khác ở chỗ được thí nghiệm rất nhiều. Học Hóa là được học những thuyết của những nhà khoa học về cấu trúc phân tử và những kiến thức sâu xa chứ không phải ngồi cân bằng phản ứng ngày này qua ngày khác.
Học văn học ở Mỹ mới thấy được cái cần của văn học. Học văn ở Việt Nam tôi luôn tự hỏi “Trời ơi tôi đọc cái Truyện Kiều này tôi biết là nó nói về phụ nữ ngày xưa khổ, tôi hiểu chứ sao bắt tôi phân tích ra làm gì trong khi phụ nữ bây giờ quyền hành nhiều như vậy?”.
Song, ở Mỹ học văn rất phong phú. Mới đầu năm tôi đọc sách của tác giả George Orwell, tựa đề “Trang trại động vật”. Mới vào học nên tôi không thể gạt bỏ ý nghĩa nghi ngờ mình đang đọc sách cho trẻ lớp 2… Đọc sách như vậy rồi lên lớp thảo luận mới thấy cái thú vị. Mỗi nhóm tự do thảo luận những điều mình thích và nêu lên ý kiến của bản thân.
Đặc biệt, học văn ở Mỹ hơn nửa năm tôi chưa từng thấy thầy giáo tôi nói “Sai rồi” mà luôn nói “Thú vị đấy”. Học sinh học văn được tự do nghĩ ngợi chứ không phải đáp án đúng nằm trong sách văn mẫu. Đọc xong cuốn sách, lại được làm những dự án vô cùng thú vị như học về thành kiến (thành kiến ở Mỹ điển hình là người châu Á học giỏi nhưng mắt thì bé tí) và từ đó tìm cách giải quyết. Theo tôi đó mới là học làm người…
Học thể dục rất phong phú. Từ đầu năm đến giờ tôi đã học hockey, tennis, cầu lông, thể hình… Thể dục nhưng tiết học thì nhiều ngang văn học, nên tôi luôn thấy rất cân bằng.
Nhưng tôi không thích học toán quá dễ như vậy. Từ lúc bắt đầu học, những người cùng lớp luôn gọi tôi là “thánh” vì điểm tôi luôn cao nhất lớp và nhiều lần bắt lỗi cô giáo.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là lịch sử. Tôi thực sự không biết gì về lịch sử Việt Nam từ năm 1600 trở đi vì cách dạy nhàm chán. Học lịch sử ở Mỹ, tôi mới thấy yêu lại lịch sử và có thể tự tin nói về lịch sử. Học lịch sử ở Mỹ rất sâu, thường là 1 tháng cho một chương. Mà học không bao giờ dùng đến sách. Giáo viên dạy lịch sử không nói nhiều lắm, thường phát ra tài liệu và cho học sinh ngồi đọc và tìm ý.
Việc đọc và tìm ý nghe đơn giản nhưng khá phức tạp vì cứ hết một đoạn là lại phải tóm tắt nội dung trong đoạn và cứ như thế, tôi nhớ được rất nhiều mà không cần phải học. Ngoài ra, chúng tôi rất hay được xem phim về lịch sử. Song tôi phải công nhận tắt đèn và chiếu một bộ phim không thú vị lắm làm người ta rất dễ buồn ngủ.
Lớp học ở Mỹ
Ở Mỹ luôn có một văn phòng cố vấn, nơi giải đáp mọi thắc mắc và tư vấn giúp đỡ trực tiếp cho học sinh. Ngoài ra còn có phòng y tế, phòng điểm danh và văn phòng chung. Thư viện trong trường cũng rất tuyệt vời, nó có hơn 50 máy tính kết nối mạng để học sinh làm nghiên cứu trong khi thư viện trường cấp 2 của tôi chỉ có 3 cái. Nhưng so sánh cũng hơi khập khiễng.
Ở Mỹ không có học thêm như Việt Nam vì học sinh cần giúp đỡ chỉ cần đến gặp giáo viên sau khi tan học. Giáo viên giúp đỡ rất nhiệt tình, và khi nào học sinh hiểu mới thôi.
Trước lạ sau quen. Ví dụ như lớp Hóa, lúc mới vào tôi không quen nhiều thứ, điểm không cao lắm nhưng đến cuối kỳ 1 được chuyển lên ngồi trên, phát biểu nhiều, điểm tốt lên và còn giúp đỡ hai cô hoạt náo viên nên được cô giáo ưu ái tặng giải học sinh của tháng môn Hóa. Đối với tôi nó là một cái gì đó vô cùng to tát. Nó đánh dấu một sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của tôi.
Mỗi môn học là học với một nhóm người khác nhau nên rất khó kết bạn. Song tôi đã tìm thấy họ, những người bạn tôi không thể quên. Và từ một đứa nhút nhát chẳng dám sang Mỹ, tôi còn kết bạn quốc tế và đi chơi thành phố San Francisco với họ…
Sống khó khăn, nhưng được nhiều
Tôi sống ở khu vực vịnh San Francisco. Hầu hết mọi người đi xe riêng nên xe bus thường vắng vẻ. Ở đây có một cái máy thu tiền ở cửa lên thay cho một ông phụ xe hay nạt nộ khách. Đi lại mà chắn nhau thôi đã xin lỗi rối rít.
Nhưng cũng nhiều khó khăn cho một du học sinh như tôi. Được sống với một gia đình người Việt tuyệt vời nhưng đôi khi tôi không cảm thấy thoải mái như ở nhà, bởi phải sống gọn gàng ngăn nắp sạch sẽ mà tôi lại không có những đức tính đó.
Ở Mỹ, thực ra trường học không như thiên đường mà còn có sự phân chia bè phái rất rõ ràng. Điển hình là tôi không có người bạn nào trong đội cổ vũ. Không có bắt nạt như trong phim như bị ném vào thùng rác hay dí đầu vào bồn cầu, nhưng bắt nạt bằng lời nói và dọa dẫm thì có.
Trước khi sang đây ai cũng bảo tôi toán ở Mỹ dễ lắm, nhưng đó là vì họ không được học toán cao cấp. Hiện nay tôi đang phải đi học thêm toán cao cấp đến tối muộn mới về, mà về nhà buổi đêm tối rất đáng sợ vì đường vắng tanh. Vậy nên tôi hay phải đi ra giữa lòng đường mới an tâm.
Nước Mỹ cũng vô cùng to lớn nên di chuyển khá khó khăn với tôi vì gia đình tôi ở cùng thường đi làm rất muộn mới về.
Nhưng tôi không thể phủ nhận là tôi còn thấy vô cùng tự lập, mà ví dụ rõ ràng nhất là khi ở nhà nếu tôi bị cảm lạnh, mẹ giục tôi xúc miệng nước muối thì tôi làm thế chỉ để chống đối. Song, sang Mỹ, tôi bị cảm thì tôi tự đi mua thuốc, tự pha mật ong với chanh và ngậm, và tự pha một chai nước muối để xúc miệng. Và tôi khỏi bệnh khá nhanh…
Đó chính là những gì tôi học được.
Đinh Hồng Quân
(hiện đang học lớp 10 trường El Camino High School, South San Francisco, Hoa Kỳ)