SSDH – Năm nay Tết rơi trúng Chủ nhật, mà với tôi chiều Chủ nhật cũng là khoảng thời gian chán nhất trong tuần.
Bữa ăn tất niên của cả nhà năm nay sẽ vắng mặt tôi.
1. Ngày mọi cánh cửa… đều đóng
Chủ nhật là ngày không có nhiều sự lựa chọn khi ra ngoài. Muốn ăn một cái Kebab thường được bán tại xem camping hay đậu gần nhà cũng khó. Bỗng nhiên muốn diện đẹp ra đường cũng không lấy đâu ra hứng thú (vì có mặc đẹp cũng chẳng có mấy kẻ nhìn theo). Muốn đến chơi nhà bạn cũng ngại ngần, sợ làm kẻ phá bĩnh cuối tuần đoàn tụ của gia đình họ. Không lẽ Tết xa nhà phải đắp mền ngủ cho qua ngày đoạn tháng?
2. Không còn là người ưu tiên số một
Tôi vẫn nhớ những cái Tết mà mình phải bất đắc dĩ làm “nhân vật chính”. Nhà có 3 bà cháu, đến đêm 30 thể nào cũng được ngoại í ới gọi về nhà để thắp hương cúng vái. Sáng mồng 1 bét mắt cũng bị thức giấc bởi tiếng tụng kinh gõ mõ cầu an đầu năm mới. Suy cho cùng, cái cảm giác chộn rộn làm chân sai vặt ấy cũng là một trong những mảnh ghép làm nên niềm vui ngày Tết.
Năm nay ở cách xa nhà 12 giờ bay, ngoại được đón một cái Tết chộn rộn với hai đứa chắt ngoại Misu, Misa. Dù không còn được lúi húi chuẩn bị Tết với ngoại nữa, nhưng đúng giờ giao thừa bên Việt Nam, tôi sẽ gọi về để làm đứa cháu đầu tiên xông… đường dây điện thoại nhà bà ngoại.
3. Những chuyến tàu “hét giá”
Nước Pháp không quá rộng lớn nhưng giá tàu cao tốc vẫn đủ “chat” để kéo những khoảng cách càng thêm xa. Bình thường giá tàu TGV đã không hề rẻ, vé ngày thứ Sáu/Chủ nhật lại càng đắt đỏ hơn vì thói quen về nhà cuối tuần của đám sinh viên bản địa.
Từ chỗ thực tập về chỗ học của tôi, nơi có nhiều bạn bè thân quen, ngốn tới hơn 100 euros tiền vé khứ hồi. Tức là 1/3 tiền nhà cho một chuyến đi cuối tuần. “Chao ôi, rứa thì thôi vậy!”
Tôi quyết định không đón Tết với người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó mà quyết định sẽ gặp nhau vào một tuần sau đó vì vé tàu mua sớm rẻ hơn rất nhiều. Miễn được ngồi cạnh nhau ăn cái bánh chưng thì ngày nào chẳng là Tết, phải không?
4. Khoảng thời gian không phải làm gì cả
Tôi đang trong kì thực tập ở miền Nam nước Pháp. Mỗi ngày qua đi, hiểu rõ cấu trúc hoạt động của cơ quan hơn, tôi lại được giao thêm nhiều công việc mới. Những công việc không tên hết của sếp này đến sếp nọ trong văn phòng cũng đủ khiến tôi loay hoay suốt 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày và mất luôn ý thức về thời gian.
Tôi đã từng viết trên Facebook của mình “Đi thực tập ở Montpellier là những chuyến tàu điện vừa phải mỗi ngày, không quá dài cũng không quá ngắn. Đủ xa để mình thôi đừng ngủ nướng trước cả khi đồng hồ kịp báo thức nhưng cũng đủ gần để đọc trọn vẹn một, hai, hay ba tờ báo được phát miễn phí ở bến trung tâm”.
Nếu du học sinh ở Paris vẫn hay ngán ngẩm treo status vào tối chủ nhật, đại loại là lại thêm một tuần “métro, boulot, dodo” thì những ngày của tôi phải gắn liền với tramway. Thật ra, có quá nhiều công việc để làm đến mức “quên béng” luôn tháng ngày cũng còn dễ chịu hơn cảnh không có gì để làm cả. Những chiều Chủ nhật không có gì để làm trong khi ở nhà mọi người đang ăn Tết thì còn kinh khủng hơn!
5. Một ngày như mọi ngày
Thật ra, tôi không tủi thân vì không được ăn Tết cùng với gia đình hay xúng xính những bộ đồ mới. Sau khi hành trình du học này kết thúc, tôi sẽ trở về, nguyên vẹn và tận hưởng hết những niềm vui lễ Tết đó thôi. Vấn đề chỉ còn là thời gian.
Điều khiến tôi tiếc nhất khi phải đón Tết xa quê chính là không có được cái cảm xúc hăm hở đón chào những niềm tin, hy vọng mới mà phải đối mặt với một cuộc sống đều đều như được lặp trình sẵn.
Trịnh Công Sơn viết “một ngày như mọi ngày, giọng buồn lên tiếp nối”. Nước Pháp đang đối xử rất tử tế với tôi, niềm vui không đến bằng cách này thì cũng tới bằng cách khác, nên cũng chẳng đến nỗi phải gọi đây là những ngày buồn-lên-tiếp-nối. Tôi chỉ buồn nhất vì cái ý “một ngày như mọi ngày” với những khung giờ nghiêm ngặt ấy, những chuyến tàu điện không đổi chuyến ấy, những gương mặt đồng hành mỗi sáng ấy…
Chúc mọi người một năm thật nhiều đổi mới!
Riêng mình, tôi sẽ tạo sự khác biệt bằng những thay đổi nho nhỏ trong thói quen hàng ngày. Trước nhất sẽ là đổi tuyến tàu điện từ nhà đến chỗ thực tập mỗi sáng!
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí