Tất tần tật về chuyện đi làm thêm ở New Zealand

0

Sẵn sàng du học – Chuyện làm thi khi đi du học là một trong những mối bận tâm hàng đầu của du học sinh. Trong bài viết này, Sẵn Sàng Du Học xin gửi đến bạn bộ cẩm nang về làm thêm dành riêng cho #teamduhocsinhNewZealand, giúp các bạn giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề này nhé!

Beautiful waitress with a tray

Vừa làm vừa học có được không?

Visa của bạn sẽ bao gồm thông tin về việc bạn có được phép làm việc trong khi đang định cư với tư cách là một sinh viên quốc tế hay không.

Để được làm việc tối đa 20 giờ một tuần, bạn phải đáp ứng đầy đủ 07 yêu cầu. Những yêu cầu chính bao gồm:

  • Chương trình học kéo dài ít nhất 02 năm;
  • Chương trình học cho phép bạn thuộc diện được cộng điểm theo Bảng tính điểm định cư New Zealand diện tay nghề (Sklled Migrant Category);
  • Trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu nhập cư New Zealand (tham khảo tiêu chuẩn tại đây).

Trong một số trường hợp đặc biệt, sinh viên được phép làm việc quá 20 giờ/tuần.

Ví dụ như khi công việc là một phần trong chương trình học của bạn. Cụ thể, khóa học mà bạn ghi danh bao gồm một số lượng nhất định thời gian làm việc thì số giờ làm việc này sẽ được tính riêng ngoài 20 giờ mà bạn vốn được hưởng. Sinh viên các bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ nghiên cứu thậm chí có thể được làm việc full – time.

Làm việc trong các kì nghỉ

Chương trình học

Thời gian làm việc

Chương trình 120 tín trở lên

Full – time trong tất cả các kì nghỉ giữa kì, lễ tết…

Chương trình dưới 120 tín

Full – time trong kì nghỉ lễ Giáng Sinh và năm mới

Công việc mà bạn có thể ứng tuyển?

Mùa hè ở New Zealand kéo dài từ tháng 10 cho tới tận tháng 3. Đây là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của ngành dịch vụ du lịch. Chính vì thế, thị trường việc làm trong ngành phục vụ mở ra cho các sinh viên hàng loạt vị trí khả qua như làm việc tại quán bar, nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn…

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, với nhu cầu lao động ngắn hạn vô cùng lớn, đặc biệt là vào mùa gặt. Công việc ở các nông trại hay vườn ươm có thể hơi vất vả song những trải nghiệm của bạn có được sẽ là vô cùng tuyệt vời khi được hòa mình vào thiên nhiên hay thưởng thức những món ăn, thức quả mát lành. Mùa hái quả thường là vào hè (từ tháng Mười Hai đến tháng Năm).

Một trong những lợi thế của vừa làm vừa học chính là nắm bắt cơ hội tuyển dụng thông qua trường đại học của bạn. Rất nhiều công ty, tập đoàn lớn thường tìm kiếm các ứng viên thông qua mạng lưới quan hệ với các cơ sở giáo dục bậc cao. Chính vì thế hãy để mắt tới trang web của trường hoặc các hội thảo được kết hợp tổ chức giữa trường và các doanh nghiệp nhé.

Ngoài ra, một công việc vô cùng phổ biến trong giới sinh viên dù bất kể ở quốc gia nào chính là làm gia sư. Với những kiến thức cùng kinh nghiệm có được từ bậc trung học, bạn có thể giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn mình và nhận được thù lao từ cha mẹ các em. Sinh viên Việt Nam thường tương đối mạnh các môn tư nhiên như Toán hay Lý, Hóa, nên hãy tận dụng ngay lợi thế này để kiếm “xèng” một cách dễ dàng nhé.

Kinh nghiệm làm việc

Một số vị trí làm việc sẽ không bao gồm việc trả lương. Có nghĩa là những gì bạn nhận được đơn giản chỉ là kinh nghiệm. Đó có thể công việc tình nguyện hoặc làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận… Song hãy nghĩ theo một hướng khác, đó sẽ không “chỉ là” kinh nghiệm làm việc. Từ những công việc này, bạn có thể học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp, từ những trải nghiệm cá nhân. Và một lúc nào đó trong sự nghiệp trong tương lại, bạn sẽ nhận ra chúng thực sự hữu ích và là bước đệm hoàn hảo cho bạn. Một lưu ý nho nhỏ là nếu những công việc này thuộc một trong các yêu cầu về môn cơ sở ngành của bạn thì chúng sẽ không được tính vào 20 giờ làm việc mà Chính phủ cho phép. Nói cách khác, bạn vẫn có thể làm thêm một công việc khác cùng lúc mà không bị tính là làm việc quá thời gian hay “làm chui”.

Tìm việc ở đâu?

Một số website nổi tiếng, giúp kết nối sinh viên có nhu cầu việc làm với các doanh nghiệp là WorkHere and WorkingIn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn vi phạm các yêu cầu trong visa?

Nếu bị phát hiện không tuân thủ các yêu cầu trong visa, bạn sẽ phải lãnh nhận những hình thức phạt vi phạm nhất định, bao gồm cả trục xuất khỏi nước. Chính vì thế hãy cẩn trọng trong việc xem xét các quyền, lợi ích cũng như giới hạn mà Chính phủ cho phép bạn thực hiện liên quan đến việc lao động tại New Zealand trong thời gian học.

Người dịch: Ánh Dương (SSDH)

Share.

Leave A Reply