SSDH – Bận rộn với khối bài vở đồ sộ của sinh viên ngành Luật Đại học Tổng hợp quốc gia Astrakhan (Nga), Nguyễn Hà Duy vẫn tâm huyết tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết cộng đồng du học sinh Việt trên khắp thế giới.
Nguyễn Hà Duy là trưởng ban tổ chức của nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng du học sinh tại nhiều quốc gia như: dự án Những trái tim Việt Nam 2015 – MV thể hiện tình yêu, niềm tự hào dân tộc với sự tham gia của hàng trăm du học sinh ở 14 nước Anh, Mỹ, Phần Lan, Ba Lan, Italy, Nhật Bản…; Du học sinh Việt chúc Tết năm 2015, 2016; cuộc thi Miss Du học sinh Việt…
Chàng thủ lĩnh là cựu học sinh lớp chuyên Văn THPT chuyên Hà Tĩnh, anh cả trong gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ làm kinh doanh. Em từng đạt giải Ba thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý cho năm lớp 11, giải Nhì năm lớp 12 và nhận học bổng dành cho học sinh, sinh viên ưu tú của 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh.
Nguyễn Hà Duy (23 tuổi), thủ lĩnh của nhiều phong trào trong cộng đồng du học sinh Việt trên thế giới. Ảnh: NVCC.
Với thành tích trên, Nguyễn Hà Duy được ưu tiên đỗ bất cứ đại học nào đã đăng ký, nếu điểm thi đạt qua mức sàn. Điểm số 22,75 khối C sau đó giúp em trở thành sinh viên khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. “Em quyết theo học Luật, chuyên ngành Luật kinh tế vì thấy nhu cầu nhân sự về ngành này đang lớn bởi sự phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như xu hướng toàn cầu hóa. Muốn khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay, ngoài những yếu tố khách quan thì hiểu biết luật pháp là một lợi thế”, Nguyễn Hà Duy chia sẻ.
Mong muốn được du học, chàng sinh viên năm nhất đã nộp hồ sơ vào quỹ học bổng Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Em cùng 10 sinh viên khác đến từ các trường: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP HCM, khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội được chọn trao hỗ trợ 100% chi phí cho 5 năm học tập ở Nga nhờ thành tích học tập xuất sắc thời THPT. Tháng 9/2012, Nguyễn Hà Duy trở thành sinh viên khoa Luật của Đại học tổng hợp quốc gia Astrakhan (Nga).
Tại xứ sở Bạch Dương, ban đầu Hà Duy gặp cú sốc bất đồng ngôn ngữ khi chỉ biết nói hai từ tiếng Nga là “cảm ơn” và “xin chào”. Mất một năm học tiếng và với khả năng thích nghi nhanh, đặc biệt đam mê chụp ảnh đã giúp em quen biết nhiều bạn mới, rèn luyện thêm ngôn ngữ, sự tự tin và hiểu nhiều về văn hóa Nga. Nam sinh Việt Nam sau đó gặt hái được nhiều giải cao trong các cuộc thi tiếng Nga dành cho sinh viên nước ngoài như: Giải Nhất thi Olympic tiếng Nga năm 2014, giải Ba năm 2015, giải Nhì thi viết tiếng Nga ESSE – ASTU năm 2014.
Việc học tập ngành Luật ở Đại học tổng hợp quốc gia Astrakhan của em cũng như nhiều du học sinh khác khá vất vả bởi khối lượng kiến thức đồ sộ và sự khắt khe, yêu cầu cao của các giáo sư. Hà Duy cho biết, có những đợt ôn thi, em chỉ được ngủ 30 phút mỗi ngày để ôn tập. “Không chỉ học luật pháp, sinh viên còn phải học thêm cả văn hóa Nga, lịch sử, địa lý, kinh tế – xã hội Nga để có thể áp dụng luật một cách tốt nhất. Nhiều từ ngữ và kiến thức chuyên ngành em phải mất nhiều ngày đọc sách mới hiểu được”, nam sinh chia sẻ.
Nguyễn Hà Duy hiện học tại khoa Luật, Đại học tổng hợp quốc gia Astrakhan (Nga). Năm 2017 em sẽ hoàn thành chương trình và trở lại Việt Nam khởi nghiệp kinh doanh. Ảnh: NVCC.
Áp lực với việc học nặng, nam sinh ngành Luật vẫn dành thời gian tổ chức nhiều hoạt động cho cộng đồng du học sinh Việt Nam khắp thế giới. Em cho biết, vì hiểu tâm lý bị trầm cảm của nhiều bạn khi đi học xa nhà nên em muốn tạo một môi trường để các bạn gắn kết nhau lại và thể hiện mọi khả năng của bản thân. Đây cũng cách giúp Duy rèn luyện kỹ năng mềm, song song với việc duy trì kết quả học tập đạt điểm trung bình trên 4.0/5 (tương đương 8.0/10) để sau khi ra trường có việc làm tốt và thích ứng nhanh với xã hội.
“Khi kêu gọi du học sinh tham gia vào video chúc Tết hay hướng về Việt Nam, ban đầu mọi người đểu e ngại vì bận học, bận thi. Lúc đã có nhiều bạn tham gia, em lại không thể tổ chức một cuộc họp chung vì chênh lệch múi giờ, người này đang đi học thì người kia đang ngủ hoặc đi làm. Chuyện liên lạc rất khó khăn, nhiều việc cần ngay sự hồi đáp của mọi người thì phải chờ cả ngày, thậm chí 2-3 ngày. Có những lúc em thấy chán nản, muốn bỏ cuộc và nghĩ điều mình đang làm thật vô nghĩa”, nam sinh tâm sự.
Trưởng ban tổ chức cuộc thi Miss Du học sinh Việt chia sẻ thêm, em và các bạn đã mất gần 4 tháng để lập hồ sơ, liên hệ tài trợ, liên hệ các Hội sinh viên, mời Ban giám khảo nhưng đến lúc tưởng chừng xong xuôi thì xảy ra trục trặc. Trước ngày công bố cuộc thi, ai cũng lo lắng không thể ngủ vì sợ không có người tham gia sân chơi lần đầu tiên được tổ chức này. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày công bố, lượng hồ sơ gửi về đông quá sức tưởng tượng, có ngày lên đến 100, khiến thành viên ban tổ chức phải thức suốt đêm để liên lạc thí sinh, đăng tải thông tin, trả lời thắc mắc. Cuộc thi cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng du học sinh Việt trên thế giới, truyền thông Việt Nam và phụ huynh du học sinh.
“Sự tâm huyết, kiên trì của Hà Duy với các hoạt động kết nối du học sinh Việt trên thế giới khiến em và nhiều bạn rất nể phục. Có thể nhiều người có chung ý tưởng với Duy nhưng hiếm du học sinh nào dám bỏ thời gian để đầu tư cho các hoạt động không giúp ích mục tiêu chính là học tốt ở trường. Việc làm của Hà Duy do đó đã chạm được vào mong muốn của nhiều bạn trẻ đang học tập, làm việc tại nước ngoài”, Lê Thị Thu Vân (Đại học Quốc gia Kyushu, Nhật Bản) nói.
Thu Vân cùng Hải Yến (Đại học Florence, Italy), Bùi Thu Vân (Đại học Bournemouth, Anh), Hoàng Kim Hoàn (Serbia)… gửi lời cảm ơn “thủ lĩnh” Hà Duy đã tạo cơ hội cho những người Việt trẻ xa quê được gắn kết với nhau trong các hoạt động có ý nghĩa, giúp các em khám phá bản thân và có nhiều trải nghiệm thú vị. Riêng với Kim Hoàn – du học sinh Việt duy nhất tại Serbia suốt 5 năm qua chưa một lần được về Việt Nam, việc được tham gia video chúc Tết quê nhà làm em vơi đi nỗi nhớ gia đình, người thân.
Chia sẻ về dự định tương lai, Nguyễn Hà Duy cho biết sẽ hoàn thành việc học tại Nga vào năm 2017 và trở về Việt Nam vận dụng kiến thức ngành Luật vào khởi nghiệp kinh doanh. Song song đó, em vẫn tổ chức các hoạt động cho du học sinh Việt khắp thế giới mà gần nhất là mùa hè năm 2016 với hoạt động tình nguyện dành cho trẻ em nghèo tại Việt Nam.
Nguồn: Vnexpress