Tìm hiểu hệ thống giáo dục ở Anh Quốc

0

tt-29-8-2011SSDH – Hàng năm có hàng nghìn gia đình có điều kiện ở Việt Nam chọn hướng cho con cái đi du học theo con đường tự túc. Nước Anh là một trong các hướng lựa chọn. Mỗi năm, theo một số nguồn thông tin, Anh tiếp nhận đến 8.000 học sinh phổ thông và sinh viên Việt Nam du học. Thông tín viên Lê Hải, từ Luân Đôn, giới thiệu với các quý vị, các bậc phụ huynh, các bạn học sinh, cũng như thính giả quan tâm về bậc học cuối phổ thông và dự bị đại học tại nước Anh.

 

Thông tín viên Lê Hải đã từng cộng tác với một trang mạng tư vấn du học và bản thân anh đã nhận làm vai đỡ đầu cho một số học sinh du học tại Anh.

 

Hệ thống giáo dục phổ thông ở nước Anh, mặc dù tương tự như Việt Nam nhưng có nhiều điểm khác biệt, nhất là trong hệ chuyển tiếp từ phổ thông cơ sở lên đại học.

 

Cấp phổ thông cơ sở của Anh cũng tương tự như Việt Nam, chia thành hai bậc là cấp 1 (Primary) và cấp 2 (Secondary), và khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng GCSE. Đây là viết tắt của Chứng chỉ tốt nghiệp cấp 2 – General Certificate of Secondary Education, được thực hiện ở England, Wales và Northern Ireland – 3 xứ của Vương quốc Anh, trong khi xứ Scotland lại có hệ thống chứng chỉ khác, gọi là Standard Grade. Một số trường đại học lấy điểm tiếng Anh của chứng chỉ GCSE để nhận sinh viên chứ không đòi hỏi điểm chuẩn IELTS vốn là cuộc thi khó khăn dành cho sinh viên nước ngoài. Trên nguyên tắc chính phủ chỉ chịu trách nhiệm phổ cập văn hóa đến bậc GCSE.

 

Cũng cần chú ý rằng GCSE không phải là cuộc thi với các môn cố định như ở Việt Nam mà là chứng chỉ dành riêng cho từng môn. Theo qui định của chính phủ Anh, có 40 môn chính qui (academic) và 9 môn dạy nghề (applied), tức là giả sử bạn có thể thi hết 49 môn thì sẽ được một tờ chứng chỉ với danh sánh 49 môn đã thi và điểm của từng môn. Sở dĩ có các môn dạy nghề cũng được tính như các môn chính khóa là vì giáo trình bao gồm các kiến thức phổ thông tương đương với GCSE. Ngoài các trường dạy nghề, nhiều cơ sở kinh doanh cũng có quyền cấp bằng cho nhân viên đang theo hệ tại chức ngay trong công ty. Bản thân trường học cũng có thể là một cơ sở kinh doanh tư nhân, hay một tổ chức thiện nguyện như các trường do nhà thờ mở ra, bên cạnh các trường do nhà nước quản lý.

 

Nhưng bậc gọi là cấp 3 mới thực sự là rắc rối cho độc giả ở Việt Nam và ngay cả các bậc phụ huynh học sinh ở Anh nữa. Trước hết tên gọi của bậc này là A-level, nhưng cũng có nơi gọi là Sixth form (dạng thứ sáu). A-level là viết tắt của Chứng chỉ tốt nghiệp giáo dục bậc cao – Advanced Level General Certificate of Education. Bậc học này lại chia thành hai hệ AS (Advanced Subsidiary) và A (Advanced). Tương tự như GCSE, cũng có các môn chính qui và dạy nghề cùng được tính vào A-level, tùy thuộc theo hệ thống định chuẩn quốc gia NQF và QCF.

 

Qui định thời gian học A-level là 2 năm, nhưng học sinh có thể chuyển trường và học thêm một vài môn nữa trước khi thi, hoặc nhập học vào tháng Hai và chỉ học một năm rưỡi trước khi thi, hoặc thậm chí có thể rút ngắn lại, tất cả chỉ học trong 1 năm mà thôi. Và do điều kiện tuyển sinh mỗi trường đại học mỗi khác, cho nên học sinh ngay từ giai đoạn này đã phải quyết định sẽ học các môn nào để thi, cũng khá giống với kiểu học chuyên ban hay học lệch theo khối như ở Việt Nam. Một điều quan trọng nữa ở đây là ở Anh không có kỳ thi tuyển sinh vào đại học mà các trường nhận sinh viên chủ yếu là qua điểm số A-level từ các môn qui định, mà tốt nhất là điểm A – loại giỏi, hoặc cùng lắm là B và có thể là C tức là mức trung bình khá. Đó cũng thường là lý do khiến học sinh cấp ba ở Việt Nam sau năm học lớp 10 hoặc 11 sang Anh đăng ký học A-level để dễ được nhận vào các trường giỏi hơn. Cá biệt có trường hợp học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc thậm chí đã học năm thứ nhất đại học ở Việt Nam cũng sang Anh đăng ký học hệ A-level, và với số điểm cao thì được các trường đại học không chỉ hàng đầu của Anh, mà cả Mỹ cấp học bổng.

 

Theo Viethome

 

Share.

Leave A Reply