SSDH- Sau câu chuyện ở phần 1 (Hành trình chinh phục học bổng SEED) đã có nhiều bạn hỏi thêm mình về học bổng này. Mình rất vui vì đã có thể đem thêm thông tin về SEED tới nhiều bạn hơn. Để tiếp nối phần 1, mình viết tiếp phần 2 kể về những trải nghiệm, góc nhìn của mình về thành phố Victoria, thiên nhiên, ẩm thực, con người nơi đây và về Đại học Victoria (UVic)- ngôi trường mà mình đang theo học trong kỳ trao đổi. Mong rằng bài viết của mình sẽ giúp các bạn có thêm cân nhắc về lựa chọn thành phố và trường Đại học cho kỳ trao đổi sắp tới.
1. Thành phố Victoria
- Chi phí trước khi đến
Câu hỏi mình nhận được nhiều nhất là về chi phí sinh hoạt và băn khoăn về việc học bổng có đủ chi trả hết cho các khoản phí hay không, nên mình đặt phần chia sẻ về các chi phí cho kỳ trao đổi lên đầu tiên. Mình nhận được 10200CAD cho 4 tháng học tại Canada. Do mình chỉ cần phải đóng học phí như mức học phí ở FTU cho những môn mình chuyển điểm thôi nên mình không cần đóng học phí cho Đại học Victoria. Khoản tiền 10200CAD đủ để mình có mức sống thoải mái ở Canada. Mình nhận được cheque tiền học bổng qua UVic ngay sau khi mình nhập học và mình phải mở một tài khoản ngân hàng ở Canada để dùng được số tiền đó. Do lúc sang mình làm các thủ tục, đầu việc để ổn định cuộc sống khá nhanh (làm thẻ điện thoại, thẻ sinh viên, thẻ ngân hàng,..) nên chỉ cần đến ngày thứ 3 là mình đã nhận được tiền học bổng để yên tâm sống trong 4 tháng còn lại. Tuy nhiên, để có thể sang được Canada, nhận được học bổng thì mình cũng phải chi trả trước cho những khoản để mình bay đến Can (ví dụ: visa, vé máy bay, đặt cọc nhà)
- Chi phí sau khi đến
Chi phí cố định
(1) Tiền nhà: 900CAD/tháng -> 3600CAD/4 tháng
(2) Bus, bảo hiểm, Simcard ~ 680CAD/4 tháng
(3) Vé máy bay; 2400CAD/ 2 chiều
Tổng: 6680
Chi phí biến đổi
(4) Tiền ăn (mua đồ nấu): 180CAD/ tháng -> 720CAD/4 tháng
(5) Khác (đi chơi, mua sắm,..) 10200-6680-2880=2800CAD
Chi phí khác
(1) Tiền nhà: Tiền nhà ở Victoria, bang British Columbia đắt nhất cả nước. Như chỗ mình ở 900CAD/ tháng (bao gồm tất cả đồ đạc, điện nước) là giá trung bình ở đây. Nếu như ở bang khác thì để có một chỗ ở như mình, các bạn khác chỉ cần trả 600-700CAD/tháng thôi. Nếu bạn nào cũng đi trao đổi tại UVic, bạn có thể cân nhắc ở cluster của trường (850CAD/tháng) đầy đủ tiện nghi, có phòng riêng, chỉ share căn hộ với 3 bạn khác, có thể tự nấu ăn, lại gần trường. Mình tham quan cluster của bạn mình và mình thấy rất ổn. Tiếc là mình không biết đến cluster trước mà chỉ biết đến dorm. Ở dorm mình không khuyến khích lắm vì giá đắt hơn, ồn ào, không được nấu ăn nhưng bạn sẽ được giảm 50% khi ăn tại canteen của trường. Tuy nhiên, đồ ăn ở trường khá chán và không đa dạng.
(2) Thẻ xe buýt sẽ được tích hợp vào luôn thẻ sinh viên : 272CAD/kỳ
Bảo hiểm (bắt buộc) đóng cho trường: 265CAD/kỳ
Thẻ sim điện thoại: 35CAD/ tháng (mình dùng của Chatr)
(3) Bạn cần canh để đặt vé máy bay lúc giá rẻ, thường nên đặt sớm 2-2,5 tháng. Mình không mua vé khứ hồi luôn từ đầu vì chưa xác định ngày bay về và muốn ở lại chơi thêm sau khi học xong nên khi ở Can rồi mình mới đặt vé về.
(4) Mình nấu ăn chung với một bạn khác và thỉnh thoảng 2-3 bữa/ tuần không ăn ở nhà nên không tốn nhiều cho khoản này. 180CAD đủ cho bạn ăn uống đầy đủ thịt, rau, hoa quả. Tiền ăn ngoài hàng mình không tính vào khoản này.
(5) Sau khi trừ các khoản phí, mình vẫn còn 2800CAD còn lại cho việc ăn uống ở ngoài với bạn bè cuối tuần, mua sắm, đi du lịch,.. Bạn có thể cân đối các khoản này sao cho phù hợp với nhu cầu cầu của bạn. Nếu tiêu ít, mang tiền thừa về là hoàn toàn có thể nha.
Ngoài ra, nếu bạn muốn kiếm thêm tiền để đi chơi thì bạn có thể apply work permit (sẽ được trường hướng dẫn sau) và đi làm ở đây. Mình có một người bạn cũng đi exchange 4 tháng như mình và bạn kiếm được một công việc part-time ở đây.
2. Thiên nhiên
Victoria là thủ phủ của bang British Columbia. Thiên nhiên và cảnh vật nơi đây quá đẹp luôn các bạn ạ. Mình đến đầu tháng 9 là cuối mùa hè, thời tiết rất dễ chịu, trời xanh mây trắng nắng vàng. Một ngày cảm giác như 4 mùa trong năm, giống với thời tiết Đà Lạt. Đi đâu cũng thấy hoa và cỏ xanh. Sang bên này, mình rất thích những ngày nắng. Chỉ cần là ngày nắng, dù mình không có việc gì mình cũng sẽ nghĩ ra những hoạt động để đi ra ngoài: đi leo núi, đi dạo công viên, ngắm hoàng hôn ở biển, đi picnic,… vì nắng ở đây ấm, không gắt như ở Việt Nam. Bạn có thể đi bộ cả ngày dưới trời nắng mà không cảm thấy mệt. Mình may mắn là năm nay mùa khô kéo dài (đến tận cuối tháng 10) và tuyết đến sớm (đầu tháng 11 đã có tuyết- hiện tượng hiếm xảy ra ở Vic) nên mình đã được trải nghiệm hết những ngày nắng đẹp của mùa hè, mùa thu vàng ươm cây thay lá và cả những hôm tuyết trắng đầu mùa. Mùa đông nhiệt độ thường xuống âm độ, khá là lạnh nhưng đây là thành phố ấm nhất Canada rồi nên mình cũng không thể phàn nàn gì thêm.
3. Địa điểm vui chơi
Tuy Victoria rất tuyệt đối đối với mình vì cuộc sống ở đây hợp vibe mình, nhưng nó có thể buồn chán với nhiều bạn thích không khí náo nhiệt, đông đúc của thành phố lớn như Vancouver, Toronto. Đây cũng là một yếu tố để bạn cân nhắc chọn lựa thành phố cho kỳ trao đổi của mình. Ở Vic, nếu bạn muốn thay đổi không khí, tiệc tùng thì có thể đi phà 1 tiếng sang Vancouver – thành phố lớn thứ 2 Canada để chơi, sẽ vui hơn rất nhiều. Bạn có thể cân nhắc đi các địa điểm du lịch khác ở Canada như đi Quebec ngắm thành phố Pháp trong lòng Canada, đi Banff ngắm Canadia Rockies, đi Yukon xem cực quang,.. Một điều mình rất tiếc đó là đã không làm visa để đi Mỹ từ Việt Nam. Ở Victoria, mình đứng ở bờ bên này có thể nhìn thấy được Seattle ở bờ bên kia nhưng không thể sang được vì phải chờ rất lâu để có visa Mỹ nếu như làm ở Canada (hơn 300 ngày).
- Con người
Thân thiện, dễ gần
Phải nói là người Canada rất thân thiện, dễ gần và cởi mở. Họ dễ bắt chuyện và thoải mái nói chuyện với người lạ nên đi đâu bạn cũng có thể kết bạn được.Ví dụ điển hình là một hôm nhóm bạn của mình hơi ít người đi chơi, nên bọn mình đi trong trường và hỏi một bạn bất kỳ rằng bạn có muốn nhập hội đi chơi cùng không. Và bạn ý Ok. Kết bạn có thể dễ như vậy, đôi khi chỉ cần mở lời trước thôi.
Tốt bụng
Ở trường, sự tốt bụng thể hiện qua việc giữ cửa cho người đi sau (điều này làm mình liên tưởng đến nét đẹp giữ cửa thang máy ở FTU haha). Còn ở ngoài, mọi người thường chào nhau, hoặc nếu như họ thấy bạn gặp một chút khó khăn gì đó, họ sẽ hỏi bạn cần giúp đỡ gì không. Từ kinh nghiệm cá nhân của mình thông qua trải nghiệm và được người khác nói thì người dân ở Victoria .hường thân thiện, lành hơn các thành phố khác ở Canada. Một phần vì chủ yếu ở đây nhiều người lớn tuổi và nhịp sống chậm, chứ không xô bồ như các thành phố lớn khác. Có một điều mà mình sẽ luôn kể để minh chứng cho sự tử tế của người Canada đó là tình bạn giưã mình và bà Kathleen. Mình chỉ tình cờ gặp bà khi tham gia một sự kiện ở trường nhưng bà rất tốt bụng, còn rủ mình và bạn mình đến nhà ăn bánh, uống trà và kể cho mình rất nhiều chuyện hay. Biết chúng mình là exchange students, bà còn mời đến nhà ăn Thanksgiving. Bọn mình rất may mắn, không những được ăn mà còn được ăn ngon vì bà là một thợ làm bánh và chồng bà là đầu bếp chuyên nấu ăn cho quan chức cấp cao và hoàng gia khi họ đến thăm Victoria. Mình còn được theo bà đi nhà thờ vào mỗi chủ nhật nữa. Mặc dù mình không theo đạo, nhưng mình vẫn đến vì thích không khí, các hoạt động ở đó,xem dàn đồng ca luyện tập, chuẩn bị bánh quy, nói chuyện với người già, ai cũng rất nice (cảm giác như đang nói chuyện với ông bà mình vậy),.
Lịch sự
Người Canada rất thích nói cảm ơn và xin lỗi. Họ nói cảm ơn với bác tài xế khi xuống xe bus, xin lỗi ngay cả khi đấy không phải lỗi của họ. Điều mà mình thích ở người Canada.
4. Đại học Victoria
- Học tập
Nhìn chung, mình thấy lượng kiến thức học ở đây nhẹ hơn so với trường mình ở Việt Nam nhưng học sẽ vất hơn vì bạn sẽ được đánh giá qua nhiều bài quizz, assignments, group projects trong suốt quá trình học. Điều đấy đòi hỏi bạn phải luôn học và nạp kiến thức chứ không thể để đến giữa kỳ hoặc cuối kỳ mới học. Trên lớp học, mình thấy rất thoải mái vì thầy cô vui tính, giảng tỉ mỉ, dễ hiểu, nếu không hiểu thì có thể hỏi luôn trên lớp hoặc viết email hẹn riêng thầy cô sau giờ học. Nội dung kiểm tra, yêu cầu, cách thức chấm điểm được nêu rất rõ ràng và công khai trên hệ thống lớp học nên không bao giờ cảm thấy mông lung.
Ở UVic, mình phải học tối thiểu 5 môn (trong đó bắt buộc 3 môn liên quan đến business, 2 môn còn lại tự chọn). Từ kinh nghiệm của mình, các bạn đi trao đổi kể cả các trường khác không phải UVic nên hỏi đại diện trường các bạn xem bạn có được học những môn của khoa, viện khác không. Hồi ở Việt Nam,vì mình lên trang web của UVic thấy có rất nhiều môn học của các khoa khác mà chỉ cần đọc tên thôi đã thấy thú vị và muốn học rồi ( môn khảo cổ, môn nghe nhạc, môn thưởng thức mỹ thuật,..) nên mình đã gửi email hỏi lại và được trường cho học 2 môn ngoài business. Mình chọn 2 môn là Piano (Viện âm nhạc) và Ngắm sao (Viện Vật lý thiên văn). Sở dĩ mình chọn môn Piano vì mình cũng đang học piano ở Việt Nam, không muốn bỏ dở, còn môn ngắm sao mình học vì muốn được trải nghiệm do bình thường mình sẽ khó có cơ hội được học hoặc ngắm trời sao qua kính thiên văn được. Nhờ đăng ký lớp ngắm sao mà được nhìn thấy giải ngân hà, sao Mộc vào ngày nó sáng nhất trong 59 năm. Mình nghĩ đây có lẽ là trải nghiệm chỉ xảy ra duy nhất một lần trong đời.
- Hoạt động
UVic có hơn 150 câu lạc bộ, đủ từ mọi lĩnh vực. Bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu thông tin của các câu lạc bộ này vào ngày hội câu lạc bộ diễn ra vào đầu tháng 9 và đăng ký tham gia. Mình không tham gia câu lạc bộ mà chỉ tham gia các sự kiện của các câu lạc bộ, tổ chức trong trường là thấy đủ rồi. Ngày nào cũng sẽ có một vài họat động của các tổ chức này diễn ra trong trường, mở free cho tất cả sinh viên tham gia. Điều quan trọng là biết tới thông tin của những sự kiện này để tham gia. Chỉ cần để ý thông tin qua các trang mạng xã hội, tờ rơi, bảng quảng cáo hoặc qua lời giới thiệu của bạn bè là bạn có thể nắm được thông tin rồi. Nhờ thế mà ngày nào mình trong tuần mình cũng có một hoạt động thú vị để thử, có thể là đi ăn free dinner ở nhà thờ, tham gia nhảy Sasha, đi leo núi, chơi với thú cưng ở Pet cafe, đi leo núi, tham gia laugh meditation, dọn bãi biển,.. Mình đã quen được rất nhiều bạn trong những họat động này, từ những người bạn ấy lại có thêm những người bạn mới, những người đồng hành với mình trong các sự kiện sau nữa. Có một người bạn exchange hỏi mình là tại sao mình lại có những trải nghiệm khác những exchange students khác không có thế, như đi nhà thờ, ăn Thanksgiving với với gia đình Canadian? Mình chỉ đơn giản nghĩ là mình luôn tìm và chọn tham gia những hoạt động mà mình thích, mình có thể tham gia được và mình luôn có gắng involve vào mọi thứ để được thử, trải nghiệm những cái mới. (Enjoy participation), cởi mở, đối xử tốt với những người bạn mới gặp (mình làm nem cho cô Kathleen, chia sẻ đồ ăn và kể câu chuyện của mình với các bạn exchange khác)
- Cơ sở vật chất và dịch vụ
Phần này là muốn cho thêm vào trong bài viết vì mình rất ấn tượng với cơ sở vật và dịch của UVic. Khuôn viên trường UVic rộng và xanh đan xen với những tòa nhà hiện tại, kiến trúc bắt mắt. Đây là một trong những động lực để ngày nào mình cũng hào hứng đi đến trường chỉ để được đi tren sân trường ngắm nhìn cảnh vật và mọi người xung quanh.Do trường rộng, nên mình đã phải mất 2 tuần đầu tiên tra Google map để tìm ra tòa nhà mình học. Ngoài ra, trường còn có một thư viện xịn xò trang bị cả iMac và những thiết bị điện tử khác để sinh viên có thể mượn trong trường hợp bạn cần cần để làm bài tập (Macbook, máy ảnh, Tripods,..) Hơi quê nhưng mà lúc mới tìm hiểu về trường mình đã phải thốt lên trường cái gì cũng có, từ hiệu thuốc, pub đến rạp chiếu phim riêng.
Dịch vụ chăm sóc, phản hồi sinh viên mình chấm 5/5 sao luôn vì khi mình gặp bất kỳ một vấn đề gì đó chỉ cần gửi email hoặc hỏi thì đều được giải đáp rất nhanh và tận tình. Ngay cả khi mình đi trao đổi, thì Gutvason School of business (Viện Kinh doanh mình đang học ở Uvic) có Buddy program, tổ chức những hoạt động hàng tháng cho exchange students tụi mình tham gia như movie night, Pumpkin Carving vào Hallowen, tiệc End-year banquet.
Bài viết đều dựa trên những trải nghiệm thật và suy nghĩ của mình trong 2,5 tháng ở Canada nên khá dài. Bạn sẽ thấy chủ yếu là màu hồng, do nó được viết từ góc nhìn của một sinh viên đi trao đổi, để trải nghiệm mà không có bất cứ gánh nặng nào về học hành và vật chất cả. 4 tháng chỉ đủ để mình trong giai đoạn “Honey Moon” của hành trình đi du học khi thấy mọi thứ đều đẹp và tuyệt vời. Hành trình đi du học còn rất nhiều sự vất vả, gian nan, cô đơn hơn thế rất nhiều nên bài viết của mình chỉ cho các bạn thấy được mặt tích cực của nó thôi. Tuy nhiên, nếu được hỏi có lựa chọn lại để đi trao đổi không thì mình nghĩ câu trả lời của mình vẫn sẽ là CÓ vì chuyến trao đổi này giúp mình cởi mở hơn rất nhiều, biết cách thể hiện mình hơn và kết nối được với những người bạn từ khắp 5 châu. cũng giúp mình có những trải nghiệm đáng nhớ của tuổi trẻ và giúp mình định hình hơn những gì mình muốn làm trong những năm sắp tới. Chính vì vậy, mình luôn mong sẽ có nhiều bạn có thể đi trao đổi và biết đến học bổng SEED hơn. Được tài trợ để đi học và chơi thì tại sao lại không nhỉ?
SSDH ( Tác giả: Quỳnh Hương)