Hành trình chinh phục học bổng SEED của Canada

0

SSDH- Chào các bạn, mình là Quỳnh Hương, sinh viên FTU và hiện đang đi trao đổi một kỳ học tại Đại học Victoria, Canada (University of Victoria). Mình viết bài viết này với mong muốn chia sẻ thông tin về học bổng SEED và những trải nghiệm mà mình có trong kỳ trao đổi 4 tháng tại Canada. Chính vì vậy, bài viết của mình sẽ có 2 phần. Phần 1 mình sẽ nói về học bổng SEED, quá trình mình chuẩn bị hồ sơ và một vài kinh nghiệm apply. Phần 2 sẽ đi sâu vào cuộc sống của mình ở Canada. Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ có ích cho những bạn đang mong muốn đi trao đổi hoặc muốn biết thêm về cuộc sống ở Canada.

1. Học bổng SEED 

Canada-ASEAN Scholarships and Educational Exchanges for Development (SEED) là học bổng của Chính phủ Canada dành cho sinh viên các bậc cao đẳng, Đại học và sau Đại học của các nước ASEAN đi trao đổi, nghiên cứu từ 1-2 kỳ tại Canada để đóng góp cho Chương trình phát triển bền vững 2030 (2030 Agenda for Sustainable Development)
Giá trị học bổng với nhiều mức khác nhau để bạn chi trả toàn bộ chi phí để bạn đến học tại Canada:
  • CAD 10,200 một học kỳ (4-6 tháng) cho sinh viên
  • CAD 12,700 cho một học kỳ (5-6 tháng) cho bậc sau Đại học
  • CAD 15 900 cho 2 học kỳ
– Thời gian mở học bổng: tháng 1-tháng 3 hành năm
– Hồ sơ ứng tuyển gồm có:
(1) Proof of citizenship
(2) Privacy Notice Statement
(3) Letter of intent
(4) Letter of proof of full-time enrolment from the home institution
(5) Letter of support from the home institution
(6) Signed copy of Memorandum of Understanding (MOU) or agreement with the partner institution
Yêu cầu chi tiết của từng loại giấy tờ các bạn xem trên website. Dưới đây mình chỉ chia sẻ lại cách mình chuẩn bị từng loại giấy tờ.
(1) Bạn scan chứng minh nhân dân hoặc passport
(2) Bạn lên website của học bổng lấy mẫu và ký
(3) Đây gần giống như Letter of motivation. Vì mục tiêu, giá trị của học bổng hướng đến Sustainable Development Goal (SDG) nên nội dung của letter bạn cần phải giải thích được bạn sẽ sử dụng những kiến thức gì trong quá trình trao đổi để đóng góp cho SDG Goals. Mình chọn SDG1 (xóa nghèo) và SDG8 (Phát triển kinh tế bền vững và tạo việc làm cho tất cả mọi người) vì mình liên hệ được ngành học của mình (Logistics and Supplychain Management) để giải quyết vấn đề trên. Letter của các bạn sẽ thuyết phục hơn rất nhiều nếu như bạn thể hiện được sự quan tâm của mình việc giải quyết các vấn đề SDG (qua những trải nghiệm thực tế của bạn từ việc quan sát hàng ngày, hoạt động ngoại khóa, học, làm và nghiện cứu) và chỉ ra được việc đạt được học bổng sẽ giúp bạn như thế nào trong quá trình giải quyết vấn đề đó, kèm theo một định hướng rõ ràng về việc đóng góp sau khi bạn hoàn thành quá trình trao đổi.
(4) Giấy chứng nhận sinh viên. Ở FTU, mình xin giấy này ở Phòng Công tác Chính trị sinh viên.
(5) Thư giới thiệu mình tự viết và xin chữ ký giáo viên hướng dẫn của mình trên lớp. Cô đồng thời cũng là giáo viên hướng dẫn nghiên cứu khoa học của mình luôn. Đối với mình thì thư giới thiệu như xác thực, tăng thêm độ tin cậy cho các hoạt động mà mình đã viết trong Letter of intent.
(6) Để hai trường có thể cho sinh viên đi trao đổi tại trường đối tác thì hai bên cần có biên bản ghi nhớ/thỏa thuận. Bạn có thể hỏi về giấy tờ này với Phòng ban phụ trách việc trao đổi sinh viên. Ở FTU là Phòng Hợp tác Quốc tế.
Giấy tờ ở mục (3)(4)(5) cần có logo của Trường Đại học của bạn. Đợt đó, mình đi mua letterhead Trường để in lên. Sau khi hoàn tất bộ hồ sơ, mình chỉ cần scan và gửi cho Trường mình đi trao đổi là được.
𝑳𝒖̛𝒖 𝒚́: bạn KHÔNG THỂ nộp trực tiếp hồ sơ của mình mà phải qua Trường Đại học ở Canada mà bạn đi trao đổi. Chính vì thế, bạn chỉ chuẩn bị hồ sơ xin học bổng khi đã được Trường ở Canada chấp nhận sang trao đổi.

2. Quá trình đăng ký trao đổi tại FTU

Tất cả những gì mình nói ở trên về hồ sơ xin học bổng sẽ chẳng là gì nếu như bạn không được Trường Đại học của bạn chọn đi trao đổi và được Trường ở Canada chấp nhận cho trao đổi. Các trường Việt Nam sẽ có các chỉ tiêu trao đổi, tiêu chí và cách thức chọn lựa sinh viên khác nhau. Ở FTU, bọn mình sẽ có 3 nguyện vọng Trường đi trao đổi giống như nguyện vọng thi Đại học vậy. Nhà Trường sẽ xét nguyện vọng từ trên xuống dưới dựa theo điểm GPA và Chứng chỉ ngoại ngữ của bạn. Theo mình biết từ các bạn từ trường khác cũng đi trao đổi tại Canada, các bạn còn phải thi đánh giá năng lực. Đối với mình, vòng tuyển chọn ở FTU mới là vòng cạnh tranh nhất vì điểm các bạn rất cao, đặc biệt là các bạn sinh viên năm 1 và 2 mới vào trường.
Bạn sẽ khó để biết mình nên đặt vào nguyện vọng nào mới an toàn, ngoài việc tham khảo mức điểm đã đỗ của năm ngoái, mà việc này cũng chỉ mang tính tương đối vì có thể năm ngoái trường đó nhiều bạn điểm cao đăng ký, còn năm nay ít hơn. Mình đã thấy có những trường hợp điểm của các bạn ý không thấp nhưng vì đặt nguyện vọng và những trường tỉ lệ cạnh tranh cao mà trượt. Có những bạn điểm không cao nhưng do đặt nguyện vọng vào những trường ít người đăng ký hơn lại đậu. Ngoài ra, một năm gần đây, FTU áp dụng quy định chuyển điểm 3 môn tương đương tại trường đối tác về FTU nên việc lựa chọn trường có đủ số môn tương đương cho bạn chuyển cũng là một việc phải đắn đo. Cho nên nếu có cơ hội, bạn nên đi trao đổi từ năm 1 hoặc năm 2 là tốt nhất do điểm bạn sẽ cạnh tranh hơn và sẽ có nhiều môn chuyển điểm hơn, lúc về bạn sẽ không bị tốt nghiệp muộn. Đợt đó, University of Victoria là nguyện vọng 1 của mình. Lý do là vì mình muốn được học bổng SEED và UVic là trường duy nhất ở Canada mà FTU có thỏa thuận trao đổi.
Sau khi nhận được kết quả đậu vòng 1 ở FTU, bạn sẽ được tiến cử cho trường đối tác (vòng 2). Thường mình thấy ở FTU, nếu các bạn đã được tiến của thì khả năng cao bạn sẽ được nhận bởi trường đối tác. Sau đó bạn sẽ nhận được hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ cho học bổng SEED từ Trường đối tác nên bạn cần kiểm tra email thường xuyên trong suốt quá trình nộp hồ sơ để không lỡ bất cứ deadline nào và nộp hồ sơ đúng hạn. Đợt mình nộp hồ sơ mình chỉ có đúng duy nhất một tuần để chuẩn bị tất cả giấy tờ do vòng tuyển chọn ở FTU và deadline học bổng sát nhau.

3. VISA, Pre-departure reception và Vé máy bay

– VISA
Mình phải đợi hơn 3 tháng, đến đầu tháng 6 mới nhận được kết quả học bổng nên khoảng thời gian đó rất là hồi hộp. Trong lúc đợi, thì mình hoàn thiện nốt những thủ tục, giấy tờ đi trao đổi với FTU. Ngay sau khi nhận được giấy xác nhận học bổng vào đâu tháng 6, mình đã tự lên trang web làm hồ sơ xin visa ngay. Do nhận được học bổng nên mình không phải lo lắng nhiều về việc đậu visa hay không vì hồ sơ của mình sẽ được ưu tiên xét visa. Bên phía Đại sứ Quán còn gửi mail nhắc SEED Grantees về việc sớm nộp hồ sơ xin visa. Quy trình thông thường sẽ mất gần 2,5 tháng để nhận được visa, nhưng mình chỉ mất 1,5 tháng thôi.
– Pre-departure Reception
Nếu như bạn nhận được học bổng, bạn sẽ được mời tới Canada Residence ở Hà Nội để dự tiệc Pre-departure với tư cách là một SEED Grantee. Buổi đó sẽ có bác Đại sứ, các nhân viên của Đại sứ quán Canada phụ trách các mảng khách nhau từ Trade Development, Political, Border Defence,… đến nói chuyện với bạn về những băn khoăn của bạn trước khi đi trao đổi. Nghe cũng oai chứ bộ vì đâu phải ai cũng có cơ hội này nên mình khuyến khích các bạn nên có những sự tìm hiểu trước về Canada (lịch sử, chính trị, văn hóa,..) khi tham dự Pre-departure để biết được nhiều nhất có thể về đất nước mà bạn sắp dành gần nửa năm ở đó. Trước khi tham dự Pre-departure, mình bận chuẩn bị cho kỳ thi Tiếng Trung của mình nên đã không có thời gian để tìm hiểu trước về Canada và mình định để việc tìm hiểu đến lúc gần bay. Cho nên buổi Pre-departure đó mình chỉ mang một chiếc bụng đói và một tâm hồn đẹp đến. Lúc cô tham tán đố về những kiến thức cơ bản về Canada, mình thấy rất kỳ vì không ai trong đoàn Grantee trả lời được vì dù sao đó cũng là đất nước bạn chọn đi học và Chính phủ Canada cho bạn học bổng để đi học mà bạn lại không biết những thông tin cơ bản về Canada. Nhân đây, mình muốn gửi gắm các bạn SEED Grantee 2023 hãy tận dụng thật tốt buổi Pre-departure để không lãng phí cơ hội như mình nha.
2022 là năm thứ 5 có học bổng SEED, với tổng cộng 152 học bổng được trao cho 9 nước ASEAN. Việt Nam nhận được 29 học bổng (chiếm 1/5), Thái Lan chiếm 1/3. Khá tiếc cho năm năn vì mọi năm Việt Nam toàn đứng nhất về số lượng hồ sơ và số lượng nhận học bổng. Chính vì thế, các bạn năm nay mạnh dạn nộp hồ sơ nhiều vào nha vì sinh viên các nước đều cạnh tranh công bằng. Hồ sơ của các bạn sẽ được gửi về Canada để tuyển chọn chứ không phải Đại sứ Quán Việt Nam chấm hồ sơ.
– Vé máy bay
Nếu như bạn đi trao đổi mà không có học bổng thì bạn chỉ nên mua vé máy bay sau khi đã có kết quả visa để tránh rủi ro. Tuy nhiên giá vé sẽ đắt lên từng ngày, nên bạn có thể cân nhắc mua những loại vé có thể hoàn được hoặc mua bảo hiểm cho chuyến bay của bạn.
Tác giả : Quỳnh Hương
Share.

Leave A Reply