Trải nghiệm học bổng ngắn hạn 2022

0

SSDH- Bạn muốn bồi dưỡng kiến thức chuyên nghành và kỹ năng nhưng không có thời gian để theo đuổi các khoá học ? Vậy thì hãy cân nhắn đến các chương trình học bổng du học ngắn hạn bạn nhé !! Hãy cùng SSDH tìm hiểu về các chương trình học bổng ngắn hạn tiêu biểu năm 2022 qua bài chia sẻ dưới đây của bạn Ly Phuong Thanh

1. Bucharest Summer University 2022

Đây là chương trình tài trợ toàn phần (trừ chi phí vé máy bay di chuyển từ chỗ bạn ở tới Bucharest) cho nên rất phù hợp cho những bạn đang sống ở châu Âu. Đây là sự kiện văn hóa và học thuật quốc tế diễn ra hàng năm vào tháng 8 tại Bucharest, Rumani. Mình đã đi Rumani rồi, tuy không thuộc khối Schengen (ra vào phải đóng dấu hộ chiếu) nhưng mình có thể dùng visa Schengen loại multiple entries để nhập cảnh.

BSU là trường hè chính thức của Đại học Kinh tế Bucharest được tổ chức hàng năm bởi Hội sinh viên Đại học Nghiên cứu Kinh tế Bucharest (USASE) và Thượng viện Sinh viên ASE, với sự cố vấn học tập của một trong mười một khoa từ trường đại học của họ. BSU mở cửa cho sinh viên từ mọi trình độ (cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ), từ Châu Âu và trên toàn thế giới. Để tham gia, bạn phải chọn giữa ba loại:

  • Học bổng toàn phần: không đóng bất kì chi phí tham gia nào. Bạn cần điền vào đơn đăng ký, sơ yếu lý lịch và một bài luận dựa trên chủ đề của năm nay, theo một số hướng dẫn cụ thể.
  • Học bổng bán phần: đóng ½ chi phí tham gia (290 €). Yêu cầu đơn đăng ký, sơ yếu lý lịch và một lá thư động lực.
  • Không có học bổng (590 €): đóng toàn bộ chi phí tham gia. Viết đơn đăng kí và CV

Trong thời gian diễn ra BSU, đội ngũ tổ chức sẽ đảm bảo cho bạn những điều sau: chỗ ở, 3 bữa ăn mỗi ngày, phương tiện di chuyển từ và đến sân bay, chuyến đi cuối tuần (khách sạn, bữa ăn, phương tiện đi lại), các khóa học và hoạt động ngoại khóa.

Hoàn thành gian hai tuần của các khóa học tại BSU, hội thảo, workshop và tranh luận được duy trì hoặc kiểm duyệt bởi các giáo sư nổi tiếng và các chuyên gia trong nước và quốc tế và sau khi vượt qua bài kiểm tra cuối cùng, những người tham gia sẽ nhận được 5 ECTS (Hệ thống chuyển đổi tín chỉ Châu Âu). Bên cạnh hai tuần học, sự kiện này là một cơ hội tuyệt vời để những người tham gia khám phá một nền văn hóa mới thông qua một loạt các sự kiện giải trí đã được lên kế hoạch và các hoạt động thử thách, chẳng hạn như: Tham quan Thành phố Bucharest, một chuyến đi mạo hiểm ở Rumani, xây dựng đội ngũ, các sự kiện xã hội , Làng toàn cầu (bản trình bày về quốc gia của mỗi người tham gia trong dự án của BSU, triển lãm và nếm thử các sản phẩm truyền thống) và nhiều hoạt động khác.

Nộp đơn: Mình đã nộp đơn cho học bổng toàn phần và mình sẽ chỉ chia sẻ về quá trình nộp đơn cho loại học bổng này, vì lý do mình phải đổi kế hoạch về nước vào đầu tháng 7, chương trình này diễn ra vào tháng 8 nên mình không thể tham gia. Mình đã điền thông tin cá nhân trên trang của chương trình và viết 1 bài luận với yêu cầu sau:

Topic: FinTech vs Traditional Financial Services

Guidelines:

  • Chọn và miêu tả một chủ đề thích hợp theo chủ đề chính của bài luận (cái này thì website của chương trình có cung cấp chủ đề cho từng năm)
  • Đưa ra các ví dụ và sự kiện liên quan mà bạn có kinh nghiệm
  • Giải thích các vấn đề khác nhau liên quan đến chủ đề và trình bày các giải pháp
  • Trình bày quan điểm của riêng bạn về chủ đề chính

Yêu cầu cấu trúc bài luận:

  • Phần giới thiệu ngắn với động lực của bạn và chủ đề được thảo luận
  • Trình bày vấn đề liên quan đến FinTech so với các dịch vụ tài chính truyền thống
  • Ý kiến của bạn về vấn đề này
  • Sự kết luận

2. Youth regional affairs dialogue 2022 – Temasek foundation

Được tổ chức bởi Chương trình Học giả Đại học Công nghệ Nanyang (NTU-USP) và được hỗ trợ bởi Quỹ Temasek, Đối thoại thanh niên về các vấn đề khu vực 2022 là một nền tảng cho sinh viên các trường đại học ở Châu Á nâng cao kỹ năng lãnh đạo và mở rộng phạm vi của họ hiểu biết về địa chính trị. Những người tham gia sẽ có cơ hội đánh giá cao cấu trúc địa chính trị đan xen của châu Á thông qua các cuộc thảo luận về kinh tế, chính trị và xã hội. Họ cũng có thể xây dựng sự hiểu biết sâu sắc hơn về quản trị và chính sách trên khắp châu Á khi họ xây dựng tình bạn thông qua trao đổi văn hóa.

Được tổ chức lần thứ ba năm 2022, Đối thoại thanh niên các vấn đề khu vực châu Á 2022 đã được tổ chức từ ngày 23 – 31 tháng 7 năm 2022 tại khuôn viên NTU, Singapore. 80 thủ lĩnh thanh niên (40 từ các trường đại học hàng đầu châu Á và 40 từ các trường đại học hàng đầu Singapore) được lựa chọn cho cuộc đối thoại. Xoay quanh chủ đề về sự gắn kết xã hội trong khu vực, những người tham gia sẽ được chỉ định vào một trong năm chủ đề phụ của cuộc đối thoại:

Văn hóa và bản sắc, Bất bình đẳng về thu nhập và di cư, Gia tăng sự phân chia giữa các thế hệ, Truyền thông, Thông tin và Công nghệ, và Chăm sóc sức khỏe.

Với sự hướng dẫn từ các giảng viên của NTU, những người tham gia sẽ được thử thách phân tích một cách có phê phán vấn đề gắn kết xã hội ở châu Á liên quan đến chủ đề phụ được giao của họ, cũng như đưa ra các giải pháp khả thi có thể giảm thiểu và bắc cầu những chia rẽ và gián đoạn.

Nộp đơn tham gia

Tụi mình đã phải trải qua vòng đơn rất cạnh tranh của chương trình để được chọn năm nay. Cơ bản hồ sơ gồm có: đơn tham gia, bảng điểm đại học, chứng nhận tiêm đầy đủ vaccine COVID. Tụi mình phải trải qua những câu hỏi như: thành tích của bạn ở nhà trường và đóng góp cho xã hội, bạn nghĩ bạn có thể đóng góp gì cho diễn đàn? Trong những chủ đề của chương trình, bạn hãy xếp nó theo thứ tự yêu thích. Các lĩnh vực cấp bách của sự gắn kết xã hội liên quan đến chủ đề này ở đất nước của bạn? Vì chủ đề năm nay là Social Cohesion in Asia nên bài luận cần bám chặt vào vấn đề này và khả năng lãnh đạo liên quan. Mỗi câu hỏi không quá 500 từ, mình mất cũng khoảng 2-3 ngày ngồi nhơ nhơ từ từ từng câu hỏi và chỉnh sửa chút ít, lấy lại những bài luận cũ từng viết và sửa lại cho hay hơn xíu. Và cuối cùng không kém phần quan trọng là mộc và chữ kí của trường, đồng ý đề cử cho mình tham gia chương trình. 15/4/2022 mình nhận được tin vui là được chọn cho chương trình, Việt Nam năm nay có 3 đại diện. Những bạn đã nộp đơn tham gia vẫn có cơ hội tham gia online và mở rộng hiểu biết về chủ đề đối thoại.

Lịch trình siêu dày đặt, thức khuya dậy sớm

Mình bay sang 24/7 do 23/7 có bận hội nghị nghiên cứu khoa học ở trường, có bạn bay 23, có bạn bay 24. Vừa tới nơi thì mình đã phải tham gia lễ khai mạc, sau đó là cùng nhóm bạn đã được chia sẵn tham gia khám phá Singapore, nộp lại ảnh cho BTC chấm giải. Những ngày sau đó cơ bản là buổi sáng ngồi nghe diễn giả nói về chủ đề của chương trình, công ty của họ đang làm gì, những vấn đề châu Á đang gặp phải, gặp bác chủ tịch quỹ Temasek để hiểu hơn về quỹ học bổng, đặt câu hỏi và tương tác với diễn giả. Nhóm mình đã làm việc về chủ đề Y tế, sức khoẻ với giáo sư người Hà Lan, bác Ferry. Mỗi ngày sẽ có bus đưa từ khách sạn (4 sao) chạy khoảng 1 tiếng đến ĐH công nghệ Nanyang, nhưng cái hôm chuẩn bị thuyết trình chủ đề mà tụi mình chưa kịp thảo luận xong, bác Ferry cho quá dang trên ô tô về, vừa ngồi trong xe vừa bàn tiếp. Hôm đó team nào cũng thức tới gần sáng để làm cho xong slide, chuẩn bị thuyết trình tốt nhất. Mỗi chủ đề sẽ chọn 1 nhóm tốt nhất để vào chung kết để cạnh tranh giải nhất, nhì, ba. Giải nhất thuyết trình năm nay thuộc về chủ đề giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam của nhóm đại biểu Việt Nam, Singapore, Malaysia. Sau đó thì tụi mình được giải trí, học hỏi, xây dựng tình bạn nhiều hơn qua những địa điểm du lịch của Singapore (Sentosa, Enabling Village, Gardens by the bay), có những đêm tụi mình cố ở lại cùng nhau, trân trọng từng giây phút ít ỏi nên vẫn tụ tập nói chuyện, chơi đùa tới gần sáng.

Mình được gì? 

Bọn mình thường tụ lại hỏi với nhau: “What do you like and dislike about Singapore/the program?”. Rất nhiều câu trả lời đưa ra và chung chung là mọi người rất thích chương trình và Singapore vì lí do ‘people’ (các đại biểu năm nay đều dễ thương) là điều mà tụi mình lưu luyến nhất khi không còn gặp nhau nữa. Có ½ người tham gia sống ở Singapore nhưng mỗi lần đi đâu thì các bạn đều vui vẻ hết mình vì đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi với ai hehe. Riêng mình thì thấy rằng nếu gặp lại các bạn ở Sài Gòn thì mình cũng sẽ tham gia hết mình. Các bạn ai cũng vui tính và giỏi giang nên làm việc chung dĩ nhiên là học được rất nhiều. Profile ai cũng xịn xò (7 thứ tiếng, MC tài năng quốc gia, từng nhận học bổng chính phủ, cựu đại biểu của các chương trình danh giá, biết chơi nhạc cụ,…) rất là năng động. Giảng viên hướng dẫn nhóm mình thì rất là hiểu biết về chủ đề, cho tụi mình khá nhiều lời khuyên, hỗ trợ về kĩ thuật lẫn cải thiện kĩ năng của tụi mình. Cả đám cũng chia sẻ rất nhiều về ngành học và những điều thú vị về đất nước mình đang sống, chương trình trao đổi, học bổng đã nhận, đặc điểm chính trị của các nước, dạy nhau nói các thứ tiếng cho nên là mình biết thêm được nhiều hơn. Đặc biệt là hiểu biết thêm về Singapore qua những chuyến đi với nhóm đến Sentosa, ngôi làng dành cho người khuyết tật, đi Garden by the bay ngắm pháo hoa và màn trình diễn ánh sáng. Bây giờ tụi mình vẫn còn cố giữ liên lạc và nói chuyện online rất nhiều, mọi người nói chuyện online vẫn vui vẻ như ngày nào. Cả đám còn bảo nhau là sau này có nộp đơn cho chương trình khác thì nhớ rủ nhau để có cơ hội gặp lại. Chương trình còn đáng yêu ở 1 chỗ là hôm ấy tình cờ là sinh nhật ai đó thì sẽ được BTC tặng bánh và mọi người hát chúc mừng

Về kinh phí thì đại biểu tham gia sẽ tự trả chi phí vé máy bay và bảo hiểm trước (sau đó sẽ nộp hoá đơn cho BTC để được hoàn tiền lại). Tụi mình được cho thêm tiền để di chuyển bằng taxi tới sân bay và về khách sạn, tiền ăn uống những buổi tối đi ăn ngoài và tiền MRT.

3. Youth internet governance forum Viet Nam

Dự án Diễn Đàn Thanh niên quản trị Internet Việt Nam (Tên tiếng Anh: Youth Internet Governance Forum Viet Nam, viết tắt: YIGF Viet Nam) được thành lập năm 2019 dưới sự hợp tác của Quỹ SecDev và Trung tâm Công nghệ Thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT).

1 tuần sau mình sẽ tham dự chương trình nên sẽ không viết về trải nghiệm mà sẽ chỉ chia sẻ về vòng đơn: Khác hoàn toàn với các chương trình ở trên thì YIGF hoàn thành hồ sơ khá đơn giản, mình mất khoảng 1 giờ điền đơn ngay sau khi xem thông tin chương trình (trước khi đi ngủ) và trả lời các câu hỏi hoàn toàn bằng tiếng Việt. Ngoài những thông tin cá nhân, thành tích, thì mình còn được hỏi về các câu hỏi như:

  • Hãy nêu 3 lý do chúng tôi nên chọn bạn làm đại sứ YIGF Việt Nam 2022? 

Mình chia sẻ những kinh nghiệm mình đã tham gia các chương trình liên quan tới Internet, IoT và những khoá học ở trường/ trong thời gian đi trao đổi sinh viên tại châu Âu, nó giúp gì cho sự thành công của diễn đàn với sự tham gia của mình. Cộng thêm việc mình có kinh nghiệm tham gia các cuộc đối thoại thanh niên quốc tế và chia sẻ với cộng đồng kinh nghiệm của mình sau các chuyến đi này -> nó giúp cho chương trình như thế nào.

  • Bạn mong đợi điều gì khi tham gia chương trình YIGF Việt Nam 2022 với vai trò Đại Sứ? 

Đây là câu hỏi mình gặp khá nhiều ở các chương trình. Cơ bản là mình muốn học hỏi, giao lưu, kiến thức và trải nghiệm. Kết nối với các bạn có cùng suy nghĩ/ mục tiêu trong tương lai.

[ Tham khảo : Nữ sinh viên chu du Mỹ, Nauy nhờ các học bổng ngắn hạn ]

[ Tham khảo : Học bổng ngắn hạn dành cho sinh viên quốc tế: Global China Program ]

[ Tham khảo : Chinh phục học bổng ngắn hạn thế nào? ]

SSDH ( Nguồn : Tác giả Ly Phuong Thanh, Scholarship Hunters)

Share.

Leave A Reply