Sẵn sàng du học – Du học sẽ mở ra một con đường mới sáng sủa nhưng cũng không ít chông gai, nếu phụ huynh và học sinh không tìm hiểu chu đáo và chuẩn bị kỹ càng. Dưới đây là một vài vấn đề cần lưu ý.
Khả năng tài chính của gia đình
Một chặng đường dài 3-4 năm du học tốn rất nhiều tiền của. Để không bị ảnh hưởng đến việc học, các bậc phụ huynh nên có kế hoạch ổn định và dài hơi trong vấn đề tài chính.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tìm hiểu các chương trình học tiết kiệm, kết hợp vừa học vừa làm hoặc chương trình thực tập hưởng lương. Dưới đây là một số chương trình học có lợi nhất cho nguồn tài chính của các bậc phụ huynh, học sinh:
- Du học Mỹ: Chương trình kép 2+2 tiết kiệm chi phí; chương trình thực tập hưởng lương (Internship, Externship, CO-OP, OPT và CPT); chính sách làm thêm 20 giờ/tuần và toàn thời gian chủ nhật cùng các ngày lễ.
- Du học Canada: Visa ưu tiên CES, SDS không chứng minh tài chính; chương trình thực tập hưởng lương; chính sách làm thêm 20 giờ/tuần và toàn thời gian chủ nhật cùng các ngày lễ, chính sách việc làm và định cư cao sau khi tốt nghiệp…
Du học Australia: Visa ưu tiên SSVF không chứng minh tài chính; chương trình thực tập hưởng lương; chính sách làm thêm 20 giờ/tuần và toàn thời gian chủ nhật cùng các ngày lễ; chính sách ở lại làm việc 2- 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học/thạc sĩ; chính sách visa phụ thuộc vợ chồng…
Du học New Zealand: Chi phí sinh hoạt và học tập thấp; chính sách làm thêm 20 giờ/tuần và toàn thời gian vào chủ nhật và các ngày lễ; chính sách ở lại làm việc 2-3 năm sau khi tốt nghiệp đại học/thạc sĩ; chính sách visa phụ thuộc vợ chồng kèm theo cơ hội việc làm và định cư cao…
Cùng việc đối chiếu giữa khả năng tài chính của gia đình và mức phí dành cho học tập, những thông tin này sẽ là yếu tố tiên quyết đi đến quyết định chọn ngành, trường và bậc học phù hợp.
Chọn quốc gia, trường và ngành
Có rất nhiều quốc gia và trường tuyển sinh du học sinh toàn thế giới. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta cần xem xét chọn du học ngành nghề gì, có phải là ngành yêu thích không.
Mục tiêu nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn quốc gia du học. Theo quan điểm của đa số người Việt, chương trình đào tạo của New Zealand sẽ mang tính hàn lâm hơn trong khi nền giáo dục của Mỹ và Australia lại đẩy mạnh phát triển kỹ năng và kinh nghiệm thực tế.
Ngoài ra, chọn quốc gia du học còn phụ thuộc vào việc xin visa ở các nước có khó hay không. Một số quốc gia áp dụng các hình thức thi tuyển visa rất khắt khe và tốn rất nhiều chi phí.
Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News