Từ thế giới điện ảnh trông thấy ‘Sự lưỡng nan của tình thế làm người’

0

Sẵn sàng du học –  “Sự lưỡng nan của tình thế làm người” là cuốn sách phê bình điện ảnh mới nhất của nhà báo Lê Hồng Lâm ra mắt độc giả vào tháng 7/2018.

Sự lưỡng nan của tình thế làm người là cuốn sách thứ tư của Lê Hồng Lâm sau cuốn Xem chữ đọc hình (2005), Chơi cùng cấu trúc (2009), Cánh chim trong gió (2016).

Trước mỗi bài viết đều có thông tin bộ phim như quốc gia, đạo diễn, diễn viên, năm phát hành, thể loại, thời lượng, giải thưởng để bạn đọc dễ theo dõi.

Tác giả vẫn trung thành với cách chia tác phẩm theo những đề mục lớn, mỗi đề mục tập hợp nhiều bài viết có điểm chung nào đó. Khác với Cánh chim trong gió (2016) có 3 đề mục lớn là “Điện ảnh Việt Nam”, “Điện ảnh Quốc tế”, “Cảm hứng Điện ảnh”, Sự lưỡng nan của tình thế làm người lại gần gũi hơn với bạn đọc mê phim khi phần I tổng hợp những bài review, phần II thiên về tiểu luận và chân dung.

Cuốn sách giới thiệu những bộ phim điện ảnh Việt Nam và quốc tế đáng chú ý, đạt giải thưởng cao và tạo nên hiệu ứng trong dư luận, với các thể loại đa dạng từ phim tâm lý, tình cảm, hài hước, phiêu lưu đến phim tài liệu, khoa học viễn tưởng.

Những bài review nằm ở phần I cuốn sách chủ yếu là những bộ phim có thời điểm phát hành gần đây từ 2016-2017. Với mỗi bài review, nhà báo Lê Hồng Lâm đều đặt cho chúng những cái tên mang tính khái quát cao và giàu chất gợi như "La la land thành phố của những ngôi sao tan vỡ và hồi sinh", "Moonlight dưới ánh trăng, đen biến thành xanh", "Logan buổi hoàng hôn của các dị nhân", "Wonder Wheel vòng xoay cám dỗ và ảo mộng đàn bà"

Đan xen vào đó là những bộ phim không thuộc thời điểm phát hành 2016-2017 nhưng lại có sức nóng, “chưa nguội thời gian” như Rosetta (1999), Elena(2011), Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (2014)…

Tác giả - nhà báo Lê Hồng Lâm.

Tác giả – nhà báo Lê Hồng Lâm.

Cuốn sách Sự lưỡng nan của tình thế làm người không đơn thuần tập hợp những lời khen, lời ưu ái dành cho những bộ phim tưởng chừng thành công về giải thưởng hay doanh thu phòng vé.

Lê Hồng Lâm thẳng thắn đưa ra những đánh giá chuyên sâu, nhận định đa chiều cùng cái nhíu mày chưa thực sự hài lòng trọn vẹn ở các bộ phim.

Đơn cử, tác giả chưa hài lòng về hình tượng “áo dài chỉ là câu chuyện của một tiệm may”, về “bối cảnh và mốc thời gian chỉ là minh họa” trong Cô Ba Sài Gòn (2017); “sự thiếu dụng công về góc máy” với cảnh thiên nhiên trong đoạn kết của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (2014); về cách “triệt tiêu đến tận cùng lối kể chuyện điện ảnh truyền thống” của Trần Anh Hùng trong Éteraité (2016) khiến khán giả “cảm giác ngột ngạt” vì “sự dụng công, kỳ công của bối cảnh, của sử dụng ánh sáng, của đường đi máy quay” đang “lạm dụng quá đà”.

Điện ảnh Việt muốn vươn mình ra thế giới sao cho thuyết phục nhất không chỉ cần đến quá trình lao động miệt mài của các ê-kíp làm phim mà còn cần những lời phê bình sáng suốt, mang tính góp ý và cảnh tỉnh như của nhà báo Lê Hồng Lâm.

Trong cuốn sách mới của mình, với một số bộ phim, nhà báo Lê Hồng Lâm không chỉ dành một bài viết mà là hai bài viết để truyền tải nhiều cách khác nhau những nghĩ suy trăn trở và cảm xúc khắc khoải của một khán giả yêu điện ảnh tới vô vàn khán giả yêu điện ảnh khác.

Đến với phần II cuốn sách, từ thế giới điện ảnh, Lê Hồng Lâm đưa độc giả chiêm nghiệm về những vấn đề nhức nhối của thời đại mà chúng ta đang sống.

Lội ngược dòng thời gian về năm 1941, bộ phim không chỉ dừng lại ở câu chuyện về “Công dân Kane” mà còn mở rộng cái nhìn về hiện tại có “công dân Trump” hay “tổng thống Trump” với lời hứa hẹn “Làm sao để nước Mỹ vĩ đại?”.

Lăng kính của cuốn sách còn chiếu rọi đến cả những góc khuất như “dịch ấu dâm và trò đấu tố trong thời đại chúng ta”, “tình dục, cinema và dối trá”, “chúng ta nói gì khi chúng ta nói về sex?”.

Nhà báo Lê Hồng Lâm còn có những nhan đề bài viết gợi mở khiến chúng ta nghĩ nhiều về chính chúng ta: “Ta làm gì khi ta không thể làm gì?”, “Cậu đã làm gì cho đời mình?”…

Sự lưỡng nan của tình thế làm người là cuốn sách khiến bạn đọc phải đi hai cuộc hành trình: từ thế giới thực tại đầy sự chán chường bước chân vào điện ảnh để mong được xoa dịu và tìm kiếm cảm giác lạ; và rồi lại từ thế giới điện ảnh mộng mơ quay về cuộc sống hiện tại với một phong thái khác, điềm tĩnh, tinh tế và thông suốt hơn, sẵn sàng đối diện với những “tình thế làm người” đang chờ ta phía trước.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply