Sẵn sàng du học – Đánh lẻ cùng Samuel L. Jackson với "Unicorn Store", Brie Larson tiếp tục mang đến cho khán giả một bộ phim hời hợt và nông cạn.
Sau khi "làm mưa làm gió" màn ảnh rộng với Captain Marvel, Brie Larson cùng "sếp" Samuel L. Jackson quyết định đánh lẻ với Unicorn Store (Cửa hàng Kỳ Lân) của Netflix. Đây cũng là tác phẩm nữ diễn viên ra mắt khán giả với vai trò đạo diễn. Tiếc thay, bộ phim là bước thử nghiệm không mấy suôn sẻ của "Carol Danvers".
Unicorn Store là bộ phim thuộc thể loại hài, tâm lí xoay quanh cuộc đời "ẩm ương" của Kit (Brie Larson) – một người phụ nữ gần 30 tuổi, sống cùng với bố mẹ và có niềm đam mê lớn dành cho 7 sắc cầu vồng và kì lân. Sau khi bị loại khỏi trường nghệ thuật vì góc sáng tạo bị đánh giá là kì quái, Kit trải qua chuỗi ngày thất nghiệp, nằm dài trên ghế sô pha chỉ để xem phim truyền hình. Một ngày nọ, cô quyết định nộp đơn xin làm công việc văn phòng, không phải vì thiếu tiền hay đam mê, mà chỉ vì không muốn trở thành "nỗi thất vọng" lớn của cha mẹ.
Cùng với thời điểm bắt đầu làm việc tại một công ty truyền thông, Kit cũng nhận được những tấm thiệp đầy màu sắc, mời gọi cô đến với cửa hàng của The Salesman (Samuel L. Jackson). Người đàn ông với bộ vest hồng dâu rực rỡ, mái tóc được tạo kiểu phồng điệu đà đã đem đến lời hứa hẹn, biến giấc mơ của Kit trở thành sự thật: mang đến cho cô một con kì lân thực sự để làm… thú cưng.
Hành trình trưởng thành nhạt nhẽo của nữ chính "trẻ trâu"
Sau khi trở về từ tiệm bán hàng kì lạ của The Salesman, Kit bắt đầu chuỗi ngày bận rộn: một cuộc sống văn phòng tẻ nhạt, buồn chán với một lão sếp Gary (Hamish Linklater) kì cục và những "bà tám" công sở. Hai là hành trình đi cùng anh chàng Virgil (Mamoudou Athie) trong việc tìm kiếm những vật dụng để xây dựng "tổ ấm" nuôi kì lân.
Theo lời ngụ ý của The Salesman, một chú kì lân thực sự sẽ yêu thương Kit mãi mãi. Nhưng để rước bé kì lân về nhà, Kit phải có sự chuẩn bị đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần. Điều này ngụ ý cho Kit phải xây dựng một kế hoạch tài chính trong tương lai, cũng như củng cố một gia đình vững chắc, sẵn sàng ủng hộ việc mà cô làm. Hình tượng kì lân ở đây là phép ẩn dụ cho việc làm cha, làm mẹ. Và Kit cần phải trở thành một người phụ nữ thực sự trưởng thành, để trở nên xứng đáng với tình yêu.
Kit là một phụ nữ có tính cách ương ngạnh, ích kỉ và đầy nổi loạn. Đôi khi, cách xây dựng nhân vật kì quặc và lối diễn có phần hơi "lố" của Brie mang lại cảm giác Kit là một người có "thân hình phụ huynh nhưng tâm hồn thì vẫn còn là một bé gái" ngây ngô, thích chơi thú bông và nói những chuyện chẳng ai có thể hiểu nổi. Hình tượng nhân vật không tạo ra bất kì liên hệ chân thực hay gần gũi nào với khán giả mà chỉ đem đến sự khó hiểu, thậm chí là đôi chút khó chịu. Chẳng hạn như Kit lâu lâu lại thốt ra những câu hỏi "trời ơi đất hỡi" như: "Tôi có đủ xinh đẹp để bị quấy rối tình dục không?" hay khá khiếm nhã như "Trông anh không giống với người có tên Virgil."
Những nhân vật còn lại cũng có gì khá hơn, chỉ quẩn quanh trong sự nhạt nhẽo và vô hồn. Samuel L. Jackson trong phim giống như được giao nhiệm vụ, mặc những trang phục sặc sỡ chỉ để nói ra những câu thoại "tỏ ra bí ẩn". Đôi khi, có cảm giác là đến ngay cả chính các diễn viên cũng không thể hiểu nổi nhân vật của mình, Điểm sáng diễn xuất duy nhất thuộc về Mamoudou Athie. Nam diễn viên da màu với lối diễn xuất tự nhiên, nhẹ nhàng đã mang đến sự duyên dáng, đầy dễ chịu qua từng khuôn hình.
Vẻ ngoài sặc sỡ, phô trương nhưng nhạt nhẽo về nội dung
Điểm sáng duy nhất của Unicorn Store là phần hình ảnh khá bắt mắt, với những tông màu được sắp đặt khá khéo léo, mang lại cảm giác "thần tiên" như cổ tích. Nhưng việc "bị" cho ăn quá nhiều đồ ngọt, cùng với cách hành xử kì quặc của các nhân vật trong phim có thể sẽ khiến bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi và… ngáp dài.
Unicorn Store mong muốn truyền tải câu chuyện về một người phụ nữ đam mê nghệ thuật, với tâm hồn tự do, phóng khoáng nhưng lại bị trói buộc trong một xã hội với những quy tắc, thông lệ mà bất cứ ai cũng phải làm theo như một lẽ tất nhiên. Phim cũng đề cập đến những lựa chọn khi con người đến tuổi trưởng thành, đó là bỏ qua tất cả để hành động theo ý mình hay phải chấp nhận một sự thỏa hiệp?
Thất bại của Unicorn Store đến từ phần kịch bản kém duyên của biên kịch Samantha McIntyre. Ngoài ra, khả năng đạo diễn của Brie Larson không đem lại sự mạch lạc hay làm nổi bật được ý nghĩa của phim. Mạch phim diễn ra đều đều, tẻ nhạt với những màn đối đáp gượng gạo, cùng sự phát triển tâm lí nhân vật được xử lí đầy nông cạn. Thậm chí, ý đồ châm biếm cuộc sống công sở và sự cay đắng của tuổi trưởng thành cũng nhạt nhòa tới mức chẳng ai buồn quan tâm.
Mặc dù thời lượng chỉ có 92 phút, nhưng Unicorn Store giống như bộ phim lê thê, dài dòng với một nhân vật chính thật sự gây cảm giác khó chịu. Phim là cái tên tiếp theo trong bộ sưu tập những tác phẩm lẻ với chất lượng thảm hại do Netflix đầu tư, sản xuất. Có lẽ đã đến lúc, họ cần phải có sự thẩm định tốt hơn với các kịch bản phim, để đỡ tốn công sản xuất và thời gian của chính khán giả.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14