SSDH- Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được những lợi ích của việc học Y, triển vọng nghề nghiệp trong tương lai và cách để có được tấm bằng Y khoa một cách dễ dàng nhất.
1. Bạn có thể làm gì với tấm bằng Y khoa trên tay?
Mặc dù nhiều người chọn học ngành Y bởi vì họ muốn trở thành bác sĩ, nhưng bạn vẫn có thể tiếp cận nhiều công việc khác với tấm bằng Y khoa. Qua quá trình học tập trên giảng đường, bạn sẽ học được các kỹ năng đặc thù của ngành Y cũng như kỹ năng làm việc nhóm, quan sát, giao tiếp, đưa ra quyết định và quản lý thời gian. Tất cả những kỹ năng này đều có thể giúp bạn hoạt động tốt trong các lĩnh vực khác nhau như tim mạch, hô hấp, nhi khoa,…
Sinh viên tốt nghiệp ngành Y có thể cân nhắc một số công việc sau: bác sĩ gây mê, bác sĩ tim mạch, bác sĩ X-quang, bác sĩ thần kinh, nhà nghiên cứu bệnh học, bác sĩ tâm lý, bác sĩ phẫu thuật, điều dưỡng, nhà khoa học lâm sàng, nhân viên y tế, và nhà nghiên cứu khoa học sự sống.
2. Y học là gì?
Nói một cách đơn giản, y học là khoa học ứng dụng liên quan đến chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Y học luôn là một lựa chọn phổ biến của sinh viên đại học. Một số trường đại học đầu tiên trên thế giới cũng là trường Y, và thế giới luôn luôn có nhu cầu về các bác sĩ có trình độ học vấn cao.
Y học là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm công việc thuộc nhiều mảng khác nhau. Vì thế có rất nhiều lựa chọn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp bất kể họ muốn chuyên về một mảng cụ thể nào.
[Tham khảo: Các trường đại học hàng đầu về khoa học đời sống và y học 2022]
Con đường theo học ngành Y rất khó khăn và các chương trình học thường kéo dài ít nhất 5 năm. Nhiều trường đại học có bệnh viện giảng dạy riêng, cho phép sinh viên trau dồi kinh nghiệm thực tế ngay từ khi còn đi học trên giảng đường và hiểu rõ công việc của một người làm trong ngành y.
3. Sinh viên ngành Y phải học những gì?
Hầu hết các chuyên ngành Y khoa đều kết hợp việc dạy lý thuyết với thực hành. Thời gian đầu sinh viên sẽ được đào tạo những kiến thức cơ bản và dần dần học sâu hơn trong những năm tiếp theo.
Đầu tiên, mọi sinh viên sẽ phải hoàn thành chương trình học sơ cấp. Việc này giúp họ xây dựng một nền tảng y học vững chắc và giới thiệu cho họ các chủ đề mà họ sẽ phải học trong suốt thời gian còn lại. Qua 1-2 năm, sinh viên sẽ được trao cơ hội thực tập thay vì tiếp tục học lý thuyết.
Y học là một môn học thực tế và sinh viên tích lũy kinh nghiệm qua việc thực hành trong các phòng thí nghiệm và bệnh viện của trường đại học ngay từ giai đoạn đầu. Các giai đoạn sau của chương trình học sẽ tập trung vào việc áp dụng kiến thức từ 2-3 năm đầu tiên vào thực tế, làm việc trong bệnh viện hoặc phòng khám của các bác sĩ công.
Sau đó, sinh viên có thể học chuyên sâu về một lĩnh vực. Quá trình này có thể mất từ 3-7 năm tùy thuộc vào lĩnh vực mà họ lựa chọn. Sau khi lấy được bằng, các bác sĩ y khoa sẽ phải đăng ký với cơ quan chăm sóc sức khỏe của quốc gia mà họ dự định hành nghề.
[Tham khảo: Học bổng chuyên ngành tâm lý học trên toàn thế giới]
4. Sinh viên ngành Y cần phải trau dồi những kỹ năng gì?
Nếu muốn học ngành Y, bạn sẽ cần đạt điểm cao trong các môn khoa học và toán. Nhiều trường đại học yêu cầu sinh viên phải đạt điểm cao trong các môn Toán, Lý, Hóa và Sinh học. Đặc biệt, sinh viên cũng sẽ phải học Đạo đức trong chương trình của mình. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp và cách ứng xử linh hoạt cũng cực kỳ quan trọng trong ngành Y.
Các kỹ năng hữu ích khác cho việc học Y bao gồm: quản lý thời gian, chú ý đến chi tiết, tổ chức, giải quyết vấn đề, kỷ luật, làm việc nhóm, lãnh đạo và kiên nhẫn. Ngoài các kỹ năng thực hành, bác sĩ còn phải làm rất nhiều công việc hành chính, cập nhật hồ sơ bệnh nhân và đảm bảo các thủ tục giấy tờ được điền đầy đủ. Y khoa là một ngành đòi hỏi bạn phải bỏ rất nhiều công sức, nhưng bù lại trong tương lai bạn sẽ nhận được những phần thưởng xứng đáng với tâm huyết bạn đã bỏ ra.
5. Sinh viên ngành Y ra trường làm gì?
Có rất nhiều cơ hội việc làm chờ đón sinh viên ngành Y sau khi tốt nghiệp. Sinh viên có thể lựa chọn một trong các lĩnh vực như: cấp cứu, y học thực hành, điều dưỡng, nhi khoa, X-quang, sản phụ khoa, gây mê và phẫu thuật. Dù lựa chọn chuyên ngành nào, triển vọng nghề nghiệp của bạn đều rất cao bởi các bác sĩ và chuyên gia y tế đều được tôn trọng trên toàn thế giới, nhiều công việc trong ngành Y được trả lương rất cao.
Đôi khi sinh viên tốt nghiệp ngành Y lại không đi theo con đường mình đã chọn. Một số trở thành nhà báo, nhân viên y tế công cộng hoặc nhà nghiên cứu y tế, trong khi những người khác lại làm việc cho các công ty cung cấp vật tư y tế cho các dịch vụ y tế công cộng, giúp đào tạo bác sĩ địa phương về kỹ thuật và cách sử dụng thiết bị tiên tiến.
[Tham khảo: Học bổng ngành y trên thế giới, tìm ở đâu?]
6. Có những người nổi tiếng nào từng học ngành Y?
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết có rất nhiều người nổi tiếng theo học Y khoa trước khi họ tìm đến ánh đèn sân khấu.
Tác giả kiêm nhà biên kịch Michael Crichton – tác giả của Công viên kỷ Jura và nhiều tiểu thuyết và kịch bản phim khác đã tốt nghiệp Harvard medical school vào năm 1969. Ông chưa bao giờ hành nghề y nhưng kinh nghiệm làm bác sĩ sinh viên tại Bệnh viện Thành phố Boston đã truyền cảm hứng cho ông tạo nên bộ phim truyền hình ăn khách của Mỹ mang tên ER.
Chiến sĩ du kích và nhà cách mạng cánh tả Ernesto ‘Che’ Guevara cũng đã tốt nghiệp trường Y tại Argentina vào năm 1953.
Người dịch: Thu Huyền (theo Times Higher Education)