Vui buồn chuyện hồ sơ tín dụng ở Úc

0
2Ở Úc, mỗi cá nhân đều có hồ sơ tín dụng – đây là bộ hồ sơ điện tử theo dõi việc vay nợ và chi trả các loại hóa đơn nước, điện, điện thoại, ga… của mỗi người. Gọi là hồ sơ cá nhân, nhưng nguời Úc không có quyền… mở ra xem hay cập nhật nó. Các văn phòng dịch vụ tín dụng, ngân hàng, công ty điện, nước, điện thoại thường xuyên duy trì cơ sở dữ liệu về hồ sơ tín dụng của người dân.

Người trẻ hay gặp vấn đề

Theo nghiên cứu gần đây của Bộ Tài chính, có khoảng hai triệu người ở Úc nằm trong danh sách hồ sơ tín dụng xấu, trong đó người trẻ hoặc sinh viên là những đối tượng dễ rơi vào tình trạng này nhiều nhất.

Người Úc dính nợ xấu nhiều nhất ở lĩnh vực nào? Theo chương trình truyền hình ‘TodayTonight’ của Channel 7, dẫn đầu là dịch vụ điện thoại và Internet. Các công ty trong ngành này hiện có 700 ngàn nợ xấu. Thứ nhì là nhóm dịch vụ điện, nước và ga – 650 ngàn người thanh toán hóa đơn chậm. Thứ ba là nhóm các ngân hàng và dịch vụ tín dụng với 600 ngàn vụ “nổi cộm” vì thiếu tiền hay chậm trả nợ.

Nhiều bạn trẻ không hề biết rằng phải mất nhiều năm mới lấy lại được thanh danh một khi bị đưa vào danh sách đen về tín dụng. Theo một chuyên gia từ công ty thẩm định tín dụng Veda Advantage, 5 năm ‘án treo’ dành cho người ‘quỵt nợ’, không thanh toán hóa đơn; 7 năm dành cho người phá sản. Hóa đơn điện, nước, điện thoại không trả trong vòng 60 ngày bị xem là chạy làng, bể nợ.

Rắc rối bảy năm

Cô Claire Trần, giáo viên vùng Gold Coast, phải đợi đến bảy năm để đơn xin vay nợ mua nhà được ngân hàng chấp thuận.

Mọi sự bắt nguồn từ điểm tín dụng xấu với công ty viễn thông Telstra. Claire nói cô không nhận được hóa đơn thanh toán. Telstra đã đưa tên cô vào danh sách những người có nợ xấu. Sau khi ‘săn’ được căn nhà vừa ý, cô Claire đến ngân hàng vay tiền nhưng không thành công do cô có hồ sơ tín dụng xấu.

 “Giải thích ra sao họ cũng không nghe”, cô Claire nói. “Sau nhiều năm làm lụng vất vả, đến lúc có đủ tiền cọc để mua nhà thì tôi bị làm khó chỉ vì một vụ vớ vẩn với Telstra”.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng do lỗi của khách hàng. Văn phòng dịch vụ tín dụng cũng nhiều khi sơ suất. Thanh Tùng, thợ bánh mì ở Croydon, Melbourne, kể lại: trong một lần làm hồ sơ vay tiền để mua ti-vi trả góp, công ty Veda Advantage báo rằng anh đang nợ 500 ngàn đô-la chưa trả. Trước ‘vết chàm’ này, hồ sơ vay tiền mua ti-vi của Tùng bị loại.

“Thật lạ, tự dưng tôi nợ ai đó 500 ngàn đô mà tôi không hề biết. Có thể họ nhầm tôi với một người khác chăng? Tôi sẽ theo vụ này đến cùng”, Tùng nói.

Với nhiều sơ xuất (và cả sơ hở) trong hệ thống theo dõi và ghi nhận tín dụng, rất nhiều người Úc đang sống với hồ sơ đen về tín dụng mà họ không hề hay biết cho đến khi mọi sự đã quá muộn. Các công ty dịch vụ tín dụng khuyên mọi người nên xin tường trình hồ sơ tín dụng cá nhân mỗi năm một lần để tìm hiểu xem mình có thiếu nợ ai không.

So với các nước phương Tây khác, người Úc ít khi hỏi về hồ sơ tín dụng cá nhân. Công ty Veda Advantage cho hay hiện công ty này giữ 14,5 triệu hồ sơ tín dụng của người Úc, thế nhưng chỉ có khoảng 1,5% thân chủ là muốn xem lịch sử tín dụng của họ ra sao. Ở Mỹ, con số này là 8,2 %. Nhiều người Úc chỉ biết hồ sơ tín dụng của mình có vấn đề khi ngân hàng từ chối cho vay tiền. Một số người bị ‘hạnh kiểm xấu’ chỉ vì thiếu nợ tiền điện thoại nhiều năm trước đây.

Người có vấn đề với hồ sơ tín dụng sẽ khó vay tiền từ các ngân hàng lớn với lãi suất ưu đãi. Khi ấy, họ buộc phải vay từ các nguồn không chính thống thường với lãi suất cao. Ngân hàng Quốc gia Úc NAB cho biết đối với mỗi hồ sơ vay tiền, ngân hàng này đều xem kỹ hồ sơ tín dụng của khách hàng. NAB coi đây là tài liệu quan trọng trong việc ra quyết định cho vay hay không.

Khách hàng ca thán

Nhiều báo Úc đăng ý kiến của độc giả về cách lập và duy trì hồ sơ tín dụng cá nhân. Nhiều người không hài lòng về tính bí mật và thiếu công bằng của nó. Các công ty được chuyền tay nhau tiểu sử tín dụng của một người nhưng bản thân người đó lại không có quyền xem… ai đó cho điểm về mình ra sao.

Ông Marc Blundell ở Sydney thì cho rằng quy định mới về theo dõi tín dụng mang tính “xử ép” người dân và không công bằng. Cho đến nay phía ngân hàng và các công ty dịch vụ điện, nước, ga… không có hệ thống ghi lại những ai thanh toán đều. “Hệ thống tín dụng không tính thêm điểm cho những ai trả nợ đều, liên tục trong nhiều năm. Ví dụ ai đó trả nợ đều nhưng chẳng may bị bệnh nặng vài ba tháng, cuối cùng thanh danh coi như tiêu”, Marc lập luận.

Bà Emily Carrera ở Canberra kêu gọi mọi người nên tìm hiểu luật chơi của ngân hàng và cách cho điểm tín dụng tại Úc.

Ngoài ra, bà cũng đặt vấn đề: “Chương trình học phổ thông không dạy học sinh kỹ năng quản lý tài chính, ngân sách cá nhân. Tại sao thanh niên bây giờ lại nợ nhiều như vậy? Tôi làm việc cho ngân hàng, nhiều bạn thanh niên không biết rằng cứ mỗi lần làm đơn xin thẻ tín dụng là một lần bị ghi tên trong hồ sơ… tín dụng. Về sau họ mới té ngửa ra là nhà băng X từ chối không cấp thẻ tín dụng là vì khách hàng đã nhiều lần ‘gõ cửa thẽ thọt’ truớc đây”.

*Tên của các nhân vật người Việt đã được thay đổi

Share.

Leave A Reply