Sẵn sàng du học – Trang Go Natural English chỉ ra sáu quy tắc ngữ pháp thường bị dùng sai, nhưng người bản xứ vẫn hiểu và thường áp dụng khi trò chuyện với bạn bè, người thân.
Nếu chỉ thuộc ngữ pháp, người học khó có thể sử dụng tiếng Anh thuần thục, tự nhiên như người bản xứ bởi trong quá trình giao tiếp, nhiều quy tắc ngữ pháp có thể bị phá vỡ bởi chính người sử dụng nó.
1. Who và Whom
"Who" là đại từ nghi vấn, là chủ ngữ trong câu hỏi. Ví dụ: "Who is going with us?" (Ai sẽ đi với chúng ta?).
"Whom" cũng là đại từ nghi vấn, đóng vai trò là bổ ngữ trong câu hỏi. Chẳng hạn: "To whom was the letter addressed?" (Bức thư này được gửi đến ai?).
Nhiều người bản xứ không sử dụng từ "whom" trong giao tiếp. Họ cho rằng việc phân biệt "who" và "whom" tương đối phức tạp nên đã ngừng sử dụng "whom" và chỉ sử dụng từ này khi nói và viết trong bối cảnh trang trọng.
Chẳng hạn, thay vì nói đúng là "Whom should I ask?" (Tôi nên hỏi ai?), người bản ngữ hỏi "Who should I ask?". Khi bạn giao tiếp với người nói tiếng Anh, hãy nhớ rằng họ dùng từ "who" cho cả trường hợp "whom".
2. Số ít và số nhiều
Thực tế người nói tiếng Anh thường trộn lẫn cách dùng số ít và số nhiều, đặc biệt nếu danh từ đứng sau "there". Khi học ngữ pháp, bạn biết rằng đứng đằng sau "There is" là danh từ số ít, trong khi danh từ số nhiều đi kèm với "There are".
Lấy ví dụ: "There is a problem with this report" (Có một vấn đề trong báo cáo này) khác với "There are some problems with this report" (Có một số vấn đề trong báo cáo này).
Tuy nhiên, người bản ngữ nói: "There’s problems with this report". Bởi lẽ, "there is" thường được đọc thành "there's" và "there are" là "there're" nhưng việc phát âm "there're" khó hơn "there’s".
Trong giao tiếp, người bản ngữ thích nói nhanh gọn, dễ nghe nên họ thiên dùng "there's", dù đứng sau đó là danh từ số nhiều. Quy tắc này không thể áp dụng trong ngữ pháp nhưng rất phổ biến trong giao tiếp thông thường.
3. Thì quá khứ hoàn thành
Trong quy tắc ngữ pháp, thì quá khứ hoàn thành dùng để diễn tả một hành động xảy ra trước một hành động khác và cả hai hành động này đều thuộc về quá khứ. Ví dụ, "Before I went to New York City, I had thought it was dangerous" (Trước khi đến thành phố New York, tôi từng nghĩ đây là một nơi nguy hiểm). Tuy nhiên, người bản ngữ sẽ nói: "Before I went to New York City, I thought it was dangerous".
Hầu hết người nói tiếng Anh không chú trọng thì quá khứ hoàn thành trong giao tiếp mà sử dụng thì quá khứ đơn cho cả hai vế. Khi cần nhấn mạnh hành động hoặc sử dụng trong bối cảnh học thuật, họ mới sử dụng đến.
4. Was và Were
Không ít người nói tiếng Anh thường sử dụng "was" thay vì "were" khi nói về câu điều kiện. Theo chuẩn quy tắc ngữ pháp, câu điều kiện loại 2 được viết: "If I were you, I wouldn’t do that" (Nếu tôi là bạn, tôi sẽ không làm điều đó". Nhưng nếu chuyển sang giao tiếp, người bản ngữ nói: "If I was you, I wouldn’t do that".
Không phải tất cả người nói tiếng Anh đều tuân thủ quy tắc ngữ pháp khi giao tiếp. Nhưng nếu muốn sử dụng tiếng Anh chính xác, bạn vẫn nên dùng "were".
5. They
Tiếng Anh không có đại từ số ít để chỉ chung nam và nữ. Đại từ "it" không được sử dụng cho người. Vì vậy, khi không biết rõ đối tượng được nhắc đến là nam hay nữ, người bản ngữ dùng "they".
Chẳng hạn: "I met someone yesterday and he/she is from Brazil" (Hôm qua, tôi gặp một người và anh ấy hoặc cô ấy đến từ Brazil". Cách nói này nghe thiếu tự nhiên nên người bản ngữ sẽ chuyển thành: "I met someone yesterday, and they are from Brazil".
Điều này có thể khiến người học tiếng Anh cảm thấy bối rối vì không hiểu "they" nói về một hay nhiều người. Người bản ngữ gợi ý bạn hãy chú ý đến bối cảnh giao tiếp để phân biệt. Ví dụ, nếu bạn nghe thấy từ "someone", từ "they" theo sau dùng để chỉ một người.
6. Giới từ
Trong giao tiếp, người nói tiếng Anh hay kết thúc câu với giới từ, dù theo quy tắc ngữ pháp giới từ không đứng cuối cùng. Chẳng hạn, câu viết đúng ngữ pháp là: "We need a box in which to put it" (Chúng ta cần một cái hộp để đặt nó vào) nhưng người bản ngữ nói: "We need a box to put it in".
Cách nói như vậy là sai quy tắc ngữ pháp nhưng người bản ngữ không coi đó là sai lầm lớn khi trò chuyện. Họ cảm thấy thoải mái khi nói như vậy.
Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress