Có cần thiết học Tiến sĩ PhD tại nước ngoài?

0

Sẵn sàng du học – Tôi biết rằng có nhiều bạn trong group này còn rất trẻ (khá giỏi, năng động), và có lẽ cũng có một tỉ lệ kha khá các bạn đang có ý định “học PhD”. Chính bởi vậy những thảo luận về vấn đề làm (hay là học) PhD trong một cái nhìn tổng quát, đa chiều với mong muốn các bạn dễ dàng đưa ra quyết định cho bản than, từ đó sẽ có một chiến lược đúng đắn để đi đến mục tiêu mà mình chọn.

ssdh-sinh-vien

 

Có cần làm PhD hay không?

Nếu chỉ là một câu hỏi vu vơ như vậy thì câu trả lời là YES hoặc NO đều được. Để đi đến quyết định có nên theo đuổi việc làm PhD hay không, bạn nên cố gắng có được câu trả lời (càng gần với thực tế càng tốt) cho câu hỏi này.

Câu trả lời này cần đặt vào:

1) Mục tiêu tương lai mà bạn muốn theo đuổi;

2) Say mê của bản thân,

3) Tương lai của ngành nghề bạn.

Ví dụ: Bạn có ý định start-up hay khao khát muốn có một công việc kiểu việc nhẹ lương cao thì có lẽ cũng chẳng cần tới mảnh bằng PhD; nhưng nếu bạn có ý định làm một chuyên gia trong lĩnh vực y-sinh thì có thể bạn sẽ cần tới tấm bằng PhD. Bạn thích làm giảng viên đại học ngành tài chính thì có lẽ tấm bằng PhD sẽ quan trọng với bạn, nhưng nếu bạn chỉ có ý định làm một chuyên viên phân tích tài chính thì chưa chắc tấm bằng PhD đã có giá trị bằng chứng chỉ CFA,… Bạn thích làm giáo viên phổ thông ở UK (cũng là một nghề đang thiếu nhân lực) thì đừng phí thời gian làm PhD làm gì (thay vào đó nên vào chương trình teacher training của nước Anh). Bạn có ý định làm chuyên gia phát triển vật liệu mới, tấm bằng PhD có thể sẽ hữu ích; nhưng nếu định đi làm một chuyên gia kiểm toán thì có lẽ chứng chỉ ACCA có vẻ như hữu ích hơn là bằng PhD…

Hãy chú ý một điểm then chốt của việc học (làm PhD): research & academic (nghiên cứu và học thuật) – mọi thứ của thế giới PhD xoay quanh chữ này và những thứ bạn thu được đều liên quan chủ yếu đến hai thứ này (tham khảo bài viết “Tiến sĩ là gì?” của GS. Nguyễn Văn Tuấn [1]). Quá trình làm PhD là giải quyết một vấn đề học thuật rất chuyên sâu và khá hẹp (đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi nghiên cứu bằng cách vận dụng các phương pháp khoa học cụ thể trong chuyên ngành đó). Outcome của PhD là sản phẩm của nghiên cứu và học thuật: ví dụ như book chapters (chuyên khảo), journal articles (scholar journals), patents (chủ yếu ở các ngành khoa học & kỹ thuật, y dược),… Quá trình cày bừa này sẽ giúp bạn rèn luyện nhiều kỹ năng (bên cạnh các kỹ năng nghiên cứu chuyên ngành) mà ở bậc học dưới bạn ít có cơ hội phát triển như problem solving, leadership, creative thinking, self-management, vv (tham khảo ví dụ [2]). Nhưng có được tấm bằng PhD không đồng nghĩa với việc nhà tuyển dụng sẽ mặc định đánh giá bạn cao hơn các ứng viên có bằng thấp hơn. Câu trả lời cho sự nghiệp tương lai sau PhD cũng không hề straight-forward mà cũng khá chông chênh, tùy vào từng ngành cụ thể, tùy từng thời điểm và tùy thuộc vào chính bản thân của PhD candidate.

ssdh-sinh-vien-du-hoc-anh1

Một số ngộ nhận về PhD

– Học xong PhD cơ hội nghề nghiệp mở rộng: điều này không hoàn toàn đúng, thậm chí có thể trái lại (có thể) vì phổ nghề nghiệp thường bị thu hẹp lại đối với PhD. Đối với các job bình thường ngoài thị trường thì người có bằng PhD cũng không hoàn toàn được xem là có kinh nghiệm làm việc (tức là không có lợi thế hơn người không có bằng PhD). Tấm bằng PhD trở nên có ưu thế hơn khi bạn apply các job cần nhiều các kỹ năng nghiên cứu hay các kỹ năng khó có được ở các tấm bằng thấp hơn; hoặc khi bạn apply các academic jobs (làm trong các trường đại học, viện nghiên cứu,..) nhưng đại đa số các job trong xã hội chẳng cần đến tấm bằng PhD.

– Học PhD xong kiếm được nhiều tiền hơn: Không hoàn toàn là như vậy (lương cao hay thấp là do công việc của bạn);

Học PhD nhàn nhã thật: Các bạn học under (hoặc taught course postgraduate) có thể thấy nhiều bạn làm PhD khá thảnh thơi, không phải cắm mặt vào thi cử, nhưng không có nghĩa là làm PhD là nhàn nhã mà có thể trái lại. PhD không có nghĩa là bạn chỉ cần “học giỏi”, mà bạn cần cả lao động học thuật bền bỉ và chăm chỉ: chạy đua với thời gian, xây dựng mô hình, sản xuất và xử lý số liệu, trao đổi, hợp tác học thuật, họp nhóm, seminar, hội thảo, viết báo,… Làm PhD thường phổ biến với thành ngữ “thức khuya dậy sớm” (dậy sớm thì có thể tùy chứ thức khuya là phổ biến): có thể để làm thí nghiệm, xử lý data, và phổ biến nữa là đọc references, cập nhật nghiên cứu mới (đọc nhiều là căn bệnh kinh niên đáng sợ của làm PhD). Rất nhiều PhD bị stress nặng vì việc chạy đua này, thậm chí dẫn đến trầm cảm khi không thể đối đầu với áp lực.

– Làm PhD là biết tuốt: KHÔNG, điều này hoàn toàn sai. Làm PhD là theo đuổi một đề tài rất hẹp chứ không tổng quát như ở các khóa học Master. Đề tài nghiên cứu cấp tiến sĩ không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức cho chuyên ngành. “Tri thức mới” ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ, v.v… Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn.

– Bạn thích làm giảng viên (giáo sư) đại học, học xong phát là thành ngay: Điều này lại có thể khiến bạn thất vọng. Chỉ một tỉ lệ nhỏ các nhà nghiên cứu có bằng PhD sau này trở thành các giảng viên, giáo sư. Đơn giản là vì nguyên lý “mật ít ruồi nhiều”. Mỗi vị trí giảng viên, giáo sư tuyển dụng có tới hàng trăm hồ sơ nộp và việc tuyển dụng là rất cạnh tranh. Nhiều người sau khi tốt nghiệp PhD, đi làm sau tiến sĩ (postdoc) với các hợp đồng ngắn hạn với các dự án nhiều lần vẫn chưa có được hợp đồng biên chế trong thế giới academics. Việc bạn có thể trở thành lecturers, professor, tenured scientist phụ thuộc tình thế từng ngành, từng trường, từng thời điểm và cả khả năng (nghiên cứu, giảng dạy,..) của chính bản thân bạn. Xem thêm hình ảnh tôi chia sẻ trong post này để có thêm cái nhìn chi tiết hơn đối với từng ngành.

– Làm PhD khá hay gắn với việc làm teaching assistant (trợ giảng), và tiếp xúc với sinh viên trẻ có vé như làm cho PhD candidate trẻ trung hơn bên cạnh việc kiếm được thêm chút đỉnh từ công việc trợ giảng.

Nói tóm lại là, hãy tìm hiểu kỹ về việc làm PhD (trong ngành học mà bạn yêu thích) và đối chiếu với những mong muốn và say mê của bản thân để có câu trả lời: BẠN CÓ CẦN THIẾT THEO ĐUỔI VIỆC HỌC PhD HAY KHÔNG? Có thể đọc hết cái bài viết dài dòng, hơi luẩn quẩn này xong nhiều bạn từ bỏ ý định theo đuổi PhD (đó là điều rất bình thường).

Nhưng có nhiều người ban đầu chưa hề tìm thấy sự hứng thú mà chỉ khám phá được sự say mê của mình khi bắt tay vào làm nó. Nếu bạn còn trẻ và chưa bị gánh nặng gia đình thì đừng ngại sự lựa chọn sai. Sai bạn có thể sửa, hay bạn có thể rẽ ngang, từ bỏ một khi bạn không thể giải quyết. Nếu bạn có gánh nặng con nhỏ thì việc rẽ ngang hoặc thay đổi có thể ảnh hưởng lớn tới con trẻ. Vì thế cũng nên cân nhắc thận trọng. Lời khuyên từ bản thân tôi: hãy nên lựa chọn việc theo đuổi PhD xuất phát từ mong muốn của bản thân bạn cho sự nghiệp tương lại, đừng vì danh hão tiến sĩ hay vì áp lực gia đình.

Khánh Ngọc (SSDH)

Share.

Leave A Reply