Đại học Oxford bị phản đối vì cho bài thi về nhà làm

0

SSDH – Đại học Oxford đã bị phản đối mạnh mẽ vì quyết định cho phép sinh viên mang bài thi về nhà làm để rút ngắn khoảng cách về giới. Một lịch sử gia đã cảnh báo rằng, quyết định này của trường đã ám chỉ phụ nữ là “phái yếu”.

oxford.jpg

Đại học Oxford bị phản đối vì cho bài thi về nhà làm – Nguồn Internet

Từ đầu năm học sau, Khoa Lịch sử của Trường Oxford (Anh) sẽ thay đổi hệ thống thi cử, theo đó một trong 5 bài thi cuối năm sẽ được thay thế bằng một bài mang về nhà làm. Hành động này nhằm tăng cường kết quả học tập cho các sinh viên nữ tại Oxford vì so với sinh viên nam, họ ít khi đạt được bằng hạng nhất trong chuyên ngành Lịch sử.

Lịch sử gia Amanda Foreman thì cho rằng đây là hành động “có ý định tốt” nhưng lại coi thường phụ nữ. “Làm như vậy là bạn đang nói rằng nữ sinh không chịu được sự căng thẳng khi ngồi làm bài trong phòng thi. Tôi không nghĩ rằng các nữ sinh vốn yếu hơn các nam sinh và không thể làm bài như vậy. Phụ nữ không phải thuộc giới tính yếu đuối hơn” – bà nói.

Bà Foreman đưa ra lý do các nam sinh vượt trội hơn nữ sinh về bằng cấp vì các em được khuyến khích dám mạo hiểm, trong khi các cô gái thường được dạy là không nên phá cách. “Tấm bằng hạng nhất thường được trao cho sinh viên có những ý tưởng mới lạ và những người dám mạo hiểm mới làm được việc này” – bà Foreman nói.

Đại học Oxford cho rằng việc họ làm nằm trong “nỗ lực đa dạng hóa khóa học Lịch sử”.

Theo Cơ quan thống kê Giáo dục bậc cao Anh, những sinh viên nam ở Đại học Oxford có tỷ lệ tốt nghiệp với bằng hạng nhất cao hơn sinh viên nữ 6% trong năm 2016. Trong khi đó, tại Đại học Cambridge tỷ lệ này là 9% ở tất cả các môn học, Cambride cũng đang xem xét lại hệ thống thi cử “để hiểu đầy đủ sự khác biệt và tìm cách giảm bớt”.

Các nữ sinh thường làm tốt các bài thi tốt nghiệp trung học và vượt trội về số lượng ở giáo dục bậc cao.

Một phát ngôn viên của Đại học Oxford cho biết các bài thi “mang về nhà làm” sẽ “buộc sinh viên phải nghiên cứu và tạo ra các bài tiểu luận lịch sử. Các bài thi có giới hạn thời gian vẫn là một phần quan trọng của khóa học, nó đánh giá các kỹ năng để bổ sung cho các loại hình đánh giá khác.

“Thay đổi này sẽ nhằm đạt mục tiêu lớn hơn là đa dạng hóa khóa học Lịch sử, đáp ứng một số yếu tố, bao gồm nhu cầu kiểm tra một loạt kỹ năng học tập. Khoảng cách về giới cũng là yếu tố xem xét trong sự thay đổi này, tuy rằng nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của khoảng cách này rộng không phải chỉ do phương pháp đánh giá” – phát ngôn viên trên cho hay.

Thái Hải (SSDH) – Theo Telegraph

Share.

Leave A Reply