Du học Úc – Vẫn kiểu học Việt

0

SSDH – Giống nhiều bạn, mình biết, mình hiểu rằng du học sinh Việt Nam giỏi, thông minh không thua bất cứ học sinh nước nào trên thế giới. Đó là những gì chúng ta thường thấy báo chí nước nhà đề cập đến, lâu lâu đưa ra những ví dụ sinh động về bạn A, bạn B… đạt học bổng, thành tích này nọ… Ở phần này mình muốn đi vào mặt trái của vấn đề để thấy rằng vẫn còn nhiều sự thật đáng buồn khi mà căn bệnh học giả, học cho có thành tích đã di căn từ trong nước sang tận xứ Úc xa xôi.

 

 

Bạn tin được không, năm 2012 có tổng số hơn 22.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại Úc, chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc là những nước có nhiều sinh viên du học Úc hơn Việt Nam. Con số này làm chúng ta khá bất ngờ bởi ở một nước đang phát triển như Việt Nam mà có số lượng du học sinh đông đến vậy chứng tỏ ngày càng có nhiều gia đình Việt chấp nhận đầu tư tiền của cho con cái ra nước ngoài nhằm tìm kiếm sự thông thoáng trong giáo dục và cũng như tiếp cận với nền văn minh cùng cơ hội đổi đời.

 

Đối với du học sinh Việt Nam tại Úc, mình tạm chia làm hai thành phần:

 

Thứ nhất: Sinh ra ở Việt Nam, học tập một thời gian trong nước rồi sang Úc du học hoặc định cư theo gia đình. Thành phần này thường là những bạn học sinh được đánh giá cao bởi khả năng hội nhập mau chóng. Khi sang Úc các bạn thường bị cho học tụt xuống một lớp vì rào cản ngôn ngữ. Đừng lo, nền giáo dục Úc rất công bằng, mình quen với em D học lớp 8 ở Việt Nam vào năm 2012, sang Úc trường xếp em học lớp Tin tức, nhưng chỉ sau một tuần học, thấy khả năng của em đã đạt đến trình độ lớp 8 nên thầy giáo liền đổi cho em lên học lớp 8 ngay lập tức. Rõ ràng đây là một người thầy ở một nền giáo dục biết nghĩ đến học sinh, chậm một năm là kìm hãm sự phát triển của một con người chứ không phải chuyện đùa.

 

Nhóm thứ hai (Thành phần du học sinh Việt Nam đông nhất) Mình muốn đề cập đến là những bạn học xong phổ thông và đang học tập ở những Trường dạy nghề, Học viện, Cao đẳng và Đại học tại Úc. Mình không dám bàn đến trình độ học vấn sinh viên Việt Nam vì mình nghĩ bản thân chưa đủ hiểu biết để nói đến vấn đề này, mình chỉ muốn chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe và cảm nhận được về cách hội nhập của đa phần du học sinh mà “mình biết”, xin được nhấn mạnh từ ngữ này bởi đối với nhiều du học sinh khác, sự khác biệt về môi trường học tập (khác trường, khác bạn bè, thầy cô…) và môi trường xã hội (khác nghề làm thêm, khác phong cách sống, khác vùng miền…) sẽ tạo nên những nhận thức khác biệt về đề tài mình nêu ra.

 

Có phải đi nước ngoài học – du học – là bạn sẽ học được nhiều điều bổ ích hay không? Chưa hẳn vậy đâu nếu như bạn vẫn còn giữ tư tưởng bảo thủ, phong cách học trả bài, lấy thành tích quen thuộc đã được “đào tạo” từ nhỏ trong nước. Mình xin ví dụ dễ hình dung nhất là ở môn ngoại ngữ Anh văn. Chúng ta đều biết để đi du học Úc thì phải có IELTS cỡ 5 “chấm”, nhưng nếu không có thì cũng không phải thảm họa, vì đã có chính sách cho phép du học sinh sang Úc rồi học cũng được. Những trường dạy nghề, hay Cao đẳng, Đại học ở Úc đều có lớp học Anh văn riêng cho học sinh nước ngoài trước khi bước vào khóa học chính thức. Và tất cả sinh viên đều phải vượt qua lớp học Anh văn này với trình độ tương ứng.

 

 Du học Úc - Vẫn kiểu học Việt

Đây là sáng kiến của các giảng viên Đại học Kasetsart, Thái Lan

nhằm ngăn chặn tuyệt đối tình trạng gian lận trong kỳ thi đang diễn ra. Ảnh dek-d.

 

Tùy từng sinh viên dựa vào khả năng ngoại ngữ hiện có và tốc độ thích ứng với môi trường Anh ngữ mà thời gian học có khác nhau. Chỉ có điều, chắc do cùng là người một nhà nên du học sinh Việt Nam rất hay “thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau” vượt ải. Trong nước khi thi quay bài copy thế nào thì ở nước ngoài cũng thế, đứa này làm được thì đứa kia làm được, đứa này nghe được từ nào chép vào giấy thi thì đứa kia cũng sẽ có kết quả… Thi xong rồi mừng tíu tít dẫn đứa bạn đi ăn “trả ơn”. Đây là câu chuyện có thật mà tôi rất thường thấy ở du học sinh Việt Nam, chuyện copy, gian lận trong kiểm tra du học sinh Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thailand, các nước Đông Nam Á… đều “có đại diện”, nhưng có lẽ tất cả phải tôn du học sinh Việt Nam làm sư phụ. Mình không dám quơ đũa cả nắm nhưng quả thật sinh viên Việt rất lợi hại trong những chuyện này. Lớp mình có một anh bạn người Slovenia, xin lỗi theo cách nhìn của mình thì anh ấy học khá tệ, nhưng anh ấy không bao giờ giở trò trong lúc làm bài kiểm tra. Ngồi chung lớp với sinh viên nhiều nước Châu Á và thấy họ quá tự do xem thường chuyện thi cử khiến anh ta rất ngạc nhiên.

 

Cheating (gian lận thi cử) là định nghĩa khá xa lạ với sinh viên tại các nước phát triển, một số sinh viên Úc vào phòng thi, khi cảm cảm thấy không làm được liền ký tên rồi ra về (về nhà tập trung học dành cơ hội cho lần sau) là điều không mấy lạ lẫm. Họ đã được giáo dục nhân cách từ nhỏ, cái gì của mình mới là của mình, không đúng mà sở hữu chỉ làm nhơ bản thân. Vào một lần làm tình nguyện viên cho Cuộc thi chạy bộ hằng năm ở Úc, mình đã chứng kiến điều này một cách thiết thực nhất. Một em bé Elementary school tham gia cự ly 2km, khi em về đích thì những chiếc huy chương (phong trào) đã được trao hết, chỉ còn những chiếc huy chương dành cho người tham dự ở các cự ly xa hơn như 5km, 10km…, người trong Ban tổ chức xin lỗi và nói em hãy nhận huy chương dành cho người về đích ở cự ly 5km (rõ là oách hơn nhiều), em gái này thẳng thừng từ chối và nói rằng đó không phải của em nên em không nhận, sau đó em ấy về nhà với hai bàn tay trắng. Câu chuyện chứng kiến đã lâu nhưng mình nhớ như vừa mới đây, đến bao giờ ngành giáo dục nước ta mới “trình làng” được những em bé có tâm hồn như vậy?

 

Gian lận thi cử là một, vô trật tự ở nơi công cộng là hai, trên bất kỳ chuyến xe lửa nào ở gần những khu phố Việt đều không thiếu hình ảnh những cô cậu sinh viên mặt mũi non choẹt nhưng lại nói chuyện điện thoại như một cái loa cỡ lớn, tất nhiên là bằng tiếng Việt. Nội dung thì khỏi phải bàn, toàn là chuyện ăn chơi, trai gái, thậm chí còn chửi nhân viên soát vé khi bị phạt vì đi chui, người nước ngoài mà hiểu tiếng Việt họ sẽ nghĩ sao đây?

 

Nhiều bạn sinh ra trong những gia đình quyền quý, có những bậc ba mẹ vì thương con nên “không cho phép” con của họ đi làm, thế nhưng con của họ có học hay không và học được bao nhiêu vẫn còn là câu hỏi khó trả lời. Thường không đi làm mà chịu khó đi học là rất hiếm (theo mình quan sát), thời gian dư thừa các bạn vùi đầu vào những tập phim Hàn như lúc sống ở Việt Nam, có những bạn cặp với nhau để yêu cho hết ngày tháng (một tuần học có hai ba ngày, rảnh đố biết làm gì), kể ra cũng có lý. Trong tất cả bạn bè mà mình quen, mình chỉ biết  duy nhất một cô gái mà theo mình nhận xét là “gái ngoan” theo kiểu gia đình có tiền mà không chảnh (cô ấy là con đại gia ngành xây dựng ở miền Trung), dành tất cả thời gian cho việc học. Chúc bạn ấy thành công !

 

Ngoài ra, phải kể đến có nhiều bạn sinh viên rất chịu khó đi làm để kiếm thêm tiền đỡ đần học phí cho gia đình, nhiều bạn còn dành dụm được tiền gửi về cho gia đình vào mỗi dịp Tết. Tấm lòng của người phương xa bao giờ cũng đáng quý cho dù có nhỏ nhoi, huống hồ đây lại là những du học sinh đang vật lộn với cuộc sống một mình nơi xứ người. Tuy nhiên từ đây lại nảy sang vấn đề mới, đã là du học sinh nhưng lại khoái làm hơn học, và tất cả đều chất chứa ước mơ thầm lặng sẽ được ở lại mảnh đất thần tiên này sau đời sinh viên…

 

Phần này mình đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết ra vì khá nhạy cảm, để cho thấy căn bệnh của giáo dục nước nhà đã vượt tầm không gian và thời gian, nhiều bạn ra nước ngoài chưa hẳn đã sửa được chứ đừng nói đến chuyện cải cách giáo dục mà quá dễ dãi như mấy bác quản lý ở tầm vĩ mô trong nước đang làm. Mình không muốn lên án, chỉ trích bất kỳ một bạn du học sinh Việt nào vì suy cho cùng mình cũng là du học sinh và cũng còn rất nhiều bạn sinh viên Việt đáng là tấm gương.

 

Chúng ta mỗi người một bàn tay, mình chỉ hy vọng sau khoản thời gian 5 năm, 10 năm, bạn bè quốc tế sẽ nhớ đến du học sinh Việt Nam như là những sinh viên học giỏi, chịu khó thật sự, chứ không còn là những tay ma mãnh, chỉ ham thành tích trên ghế nhà trường.

 

Nguồn: Facebook Hi Strangers

Share.

Leave A Reply