Giấc mơ miễn phí đại học chưa thành của Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Các chương trình miễn học phí cho giáo dục bậc cao hiện vẫn chỉ diễn ra ở từng địa phương hoặc từng bang, tồn tại nhiều bất cập.

Tháng 11 năm 2005, tại trường trung học phổ thông Kalamazoo Central ở Michigan (Mỹ), một thông tin bất ngờ khiến rất nhiều học sinh bật khóc. Những giọt nước mắt thể hiện tâm trạng hân hoan khó tả, theo The Atlantic.

Các em có lý do chính đáng để hạnh phúc. Hiệu phó thông báo về chương trình miễn học phí đại học (Kalamazoo Promise) do các nhà hảo tâm tài trợ, trong đó tất cả học sinh của khu học chánh Kalamazoo từ mẫu giáo đến cuối cấp trung học đều được hưởng lợi. Chương trình sẽ không kết thúc mà được duy trì suốt nhiều năm về sau, áp dụng cho những ai đăng ký vào đại học công lập bất kỳ trong bang Michigan.

Từ năm 2006 đến nay, số học sinh ghi danh vào khu học chánh tăng lên đáng kể, số lượng giáo viên cũng vậy. Lần đầu tiên kể từ những năm 1970, nhiều tòa nhà của các trường học được xây mới.

Tin vui đó không chỉ khiến khu học chánh Kalamazoo thay đổi tích cực mà còn mang luồng gió mới đến cho toàn thành phố. Các doanh nghiệp đến khu vực ngày một nhiều, cùng những nhân viên khao khát cho con được hưởng nền giáo dục miễn phí. Tất nhiên những gia đình này vẫn sẽ phải trả tiền ăn ở và khoản phí đại học khác, nhưng việc miễn học phí chắc chắn giảm bớt một phần nỗi lo của họ và giảm khả năng những đứa trẻ phải gánh mối nợ sinh viên suốt đời.

Làn sóng miễn học phí

Đó là khởi đầu của một làn sóng. Khi cuộc khủng hoảng chi phí đại học ngày một trầm trọng, sinh viên ngày càng phải vay nhiều tiền để giành được một tấm bằng, một số nhà lãnh đạo đã vào cuộc để cải thiện tình hình. Hiện có hơn 350 “promise program”, chương trình cam kết miễn học phí đại học, rải rác trên khắp đất nước sau khi Kalamazoo mở màn. Một số được tài trợ bởi chính phủ, một số hoạt động thông qua tổ chức từ thiện. Và các khoản tài trợ đều chung mục đích: tăng tỷ lệ sinh viên vào đại học, tạo sự bứt phá về kinh tế cho khu vực.

Tennessee đã phát động Tennessee Promise, chương trình quy mô toàn bang nhằm cung cấp cho học sinh lớp 12 cơ hội miễn học phí ở bất kỳ trường cao đẳng cộng đồng nào của bang vào năm 2014. Thành phố Chicago cũng công bố một chương trình tương tự trong cùng năm.

Xem xét hiệu quả của những chương trình này, các nhà nghiên cứu nghĩ “đại học miễn phí” có vẻ cũng sẽ khả thi trên quy mô lớn hơn. Họ tin chính quyền liên bang có thể sử dụng sức mạnh tài chính để khuyến khích các tiểu bang áp dụng chương trình.

Học phí là gánh nặng của nhiều sinh viên Mỹ. Ảnh: The Florida College System

Học phí là gánh nặng của nhiều sinh viên Mỹ. Ảnh: The Florida College System

Ngay cả khi các tiểu bang không thể trả tiền cho bốn năm đại học của mọi sinh viên, việc miễn phí chỉ hai năm vẫn mang lại lợi ích đáng kế. Một báo cáo từ năm 2014 cho thấy chương trình miễn phí hai năm ở tất cả 50 bang có thể được thực hiện thông qua nguồn hỗ trợ tài chính liên bang đã có sẵn. Nhiều chương trình đề xuất chỉ áp dụng miễn phí cho bằng liên kết hai năm (thường được cung cấp ở trường cao đẳng cộng đồng), số khác muốn áp dụng hai năm miễn phí cho cả sinh viên theo học hệ bốn năm.

Trong suốt một thời gian, phong trào đại học miễn phí được ủng hộ bởi rất nhiều người và thậm chí cả tổng thống. Tháng 1 năm 2015, đại học miễn phí được tổng thống Obama nhắc tới trong Thông điệp Liên bang, trở thành nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách giáo dục đại học.

Người Mỹ có thể nâng cao kỹ năng của mình với một mức giá hợp lý, Obama lập luận. 40% sinh viên Mỹ theo học trường cao đẳng cộng đồng, và theo ông đây là nơi để bắt đầu miễn học phí.

Trước các nhà lập pháp và những người tụ tập ở Capitol Hill, Obama nhắc đến sự thành công của bang Tennessee và thành phố Chicago. Ông muốn truyền bá ý tưởng đó đến khắp nước Mỹ để người dân được phổ cập hai năm đại học như phổ cập trình độ trung học hiện nay.

Mặc dù kế hoạch này không có cơ hội trở thành luật, chủ yếu do Quốc hội không hoàn toàn ủng hộ, nó vẫn có ý nghĩa nhất định. Robert Kelchen, giáo sư Đại học Seton Hall nhận xét: “Đề xuất của chính quyền Obama thực sự lôi kéo sự chú ý của quốc gia về nền đại học miễn phí”.

Quả bóng tuyết mang tên “đại học miễn phí” tiếp tục bành trướng. Đến mùa bầu cử, những chính trị gia như thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont hay thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang đều thể hiện sự ủng hộ với ý tưởng miễn học phí giáo dục bậc cao. Vấn đề này từng là điểm bất đồng lớn giữa Sanders và Hillary Clinton, người ban đầu lập luận rằng bà tin vào “đại học giá cả phải chăng” chứ không phải “đại học miễn phí”.

Sau đó, Hillary Clinton đại diện Đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng. Trong chiến dịch tranh cử, bà đổi luận điệu, đề xuất bỏ học phí tại đại học công lập cho các gia đình có thu nhập mỗi năm dưới 125.000 USD.

Tuy nhiên, có một người không cùng chung tiếng nói trong vấn đề miễn học phí đại học: Donald Trump. Tháng 5 năm 2016, Inside Higher Ed phỏng vấn Sam Clovis, cựu đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử của Trump, về quan điểm của ứng viên Đảng Cộng hòa. Liệu Trump có ủng hộ đại học miễn phí không? Câu trả lời theo Clovis là “chắc chắn không”.

Nhiều người nghĩ điều đó không quan trọng lắm, bởi bà Clinton được cho là sẽ trở thành tổng thống. Một chương trình miễn phí đại học trên toàn quốc, dù chỉ áp dụng với nhóm sinh viên nhất định, dường như vẫn có thể diễn ra. Tuy nhiên, Donald Trump đắc cử. 

Khó khăn về ngân sách

Các “promise program” hiện phức tạp hơn so với năm 2005. "Đại học miễn phí” đã trở thành thuật ngữ không chính xác cho tất cả kế hoạch với mục đích giảm giá đại học xuống mức phải chăng, nếu không miễn phí theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, kế hoạch ở cấp địa phương, tiểu bang và liên bang có sự khác biệt.

Thực trạng áp dụng miễn học phí đại học ở nước Mỹ. Ảnh: The Atlantic

Thực trạng áp dụng miễn học phí đại học ở nước Mỹ. Ảnh: The Atlantic

Chẳng hạn, chương trình ở một số bang thường hoạt động theo cơ chế bang sẽ trả học phí cho sinh viên sau khi nộp trợ cấp Pell của chính phủ hoặc các loại hỗ trợ tài chính khác. Đối với nhiều sinh viên có thu nhập thấp, mặc dù chương trình này làm giảm bớt gánh nặng một cách đáng kể, việc đó cũng đồng nghĩa họ phải sử dụng tiền trợ cấp để đóng học phí và không thể dùng để chi trả cho phí sách và tài liệu, tiền thuê nhà hay đồ ăn.

Một mô hình khác là "đại học xóa nợ". Nhiều người lập luận rằng xóa nợ thích hợp hơn đối với phổ cập đại học vì nó giải quyết các chi phí phát sinh cho sinh viên. Tất nhiên loại hỗ trợ này cần được trả lại bằng cách nào đó.

Dù vậy, chiến thắng của Trump khiến hy vọng về kế hoạch đại học miễn phí hoặc xóa nợ trên toàn quốc đã trở nên mờ nhạt. Kim Dancy, nhà phân tích chính sách tại tổ chức New America, tin rằng kế hoạch đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Những người ủng hộ đã chuyển sự chú ý sang cấp tiểu bang, bắt đầu theo dõi những bang đang đi đúng hướng.

Một trong những bang đó là Tennessee. Mô hình miễn học phí của nơi này đã trở thành tiêu chuẩn để mọi bang noi theo, đặc biệt là sau khi mở rộng áp dụng cho người lớn tuổi và cựu sinh viên chưa hoàn thành bằng cấp, ngoài những học sinh vừa tốt nghiệp trung học.

Tuy nhiên, bất lợi của các bang là ràng buộc về ngân sách. Số tiền sẵn sàng chi cho chương trình đại học miễn phí bị hạn chế, khiến các điều khoản cũng được thắt chặt. Chẳng hạn, chương trình miễn học phí có thể chỉ áp dụng cho một số môn học nhất định tại các trường cao đẳng cộng đồng, yêu cầu sinh viên sống và làm việc trong tiểu bang vài năm sau khi tốt nghiệp, hoặc chỉ miễn phí cho học sinh tốt nghiệp trung học với số điểm GPA nhất định.

Ngân sách của bang cho giáo dục đại học đang cạn kiệt, đồng nghĩa nhiều kế hoạch miễn học phí không được xếp vào nhóm chi tiêu bắt buộc, mà có thể thay đổi từ năm này sang năm khác.

Tài trợ thấp và không chắc chắn có thể dẫn đến hậu quả khủng khiếp cho sinh viên. Ví dụ, Oregon, nơi miễn học phí tại các trường cao đẳng cộng đồng trong năm 2016, không thể tài trợ đầy đủ trong năm 2017, nên một số sinh viên đã không được hưởng quyền lợi dù đạt điều kiện.

Giấc mơ xa vời

Abraham Lincoln ký Đạo luật Morrill vào ngày 2/7/1862, giữa cuộc nội chiến. Đạo luật đã thông qua việc cấp đất cho các bang để mở trường đại học. Nhiệm vụ của các tổ chức giáo dục bậc cao thời bấy giờ là đào tạo những người trẻ về “kỹ thuật nông nghiệp và cơ khí”.

Trong vài thập niên đầu tiên sau khi thành lập, các trường đại học ở các bang thuộc Liên minh miền Nam cũ không cho phép sinh viên da đen tham dự. Vì vậy, Đạo luật Morrill chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, không phải tất cả. 28 năm sau, sự bất công đó mới được giải quyết. Đạo luật Morrill thứ hai do Benjamin Harrison ký vào năm 1890 đã tạo ra các trường đại học được cấp đất dành riêng cho sinh viên da đen.

Tất cả nói lên rằng Mỹ từng có nhiều chương trình liên quan đến giáo dục đại học với định hướng tốt nhưng không hoàn hảo. Nhưng lịch sử cũng cho thấy rằng các chương trình này có thể được cải thiện và mở rộng, nếu đủ quyết tâm.

Tiffany Jones, giám đốc chính sách giáo dục đại học tại Education Trust, cho biết tổ chức này sử dụng nhiều tiêu chí để đánh giá các mô hình miễn học phí đại học, kết luận rằng hàng chục chương trình được đề xuất và đang thực hiện trên toàn quốc không đáp ứng được tất cả. Tương tự, Viện Chính sách Giáo dục bậc cao cũng nhận thấy những chương trình hiện tại ở Tennessee và New York không mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên có thu nhập thấp, trong khi đó là đối tượng cần được chú ý đầu tiên.

Một số người ủng hộ miễn phí đại học lập luận rằng cách duy nhất để có đủ viện trợ cho những người cần nhất là sự can thiệp của liên bang. Tuy nhiên, đảng viên Đảng Dân chủ, nhóm ủng hộ nhiệt tình lại có ít hoặc không có quyền lực trong thời điểm hiện tại. Thượng nghị sĩ Brian Schatz của Hawaii khẳng định khi Đảng Dân chủ có cơ hội trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử sắp tới, họ sẽ cố gắng vì mục tiêu giúp sinh viên đủ khả năng vào đại học. Cho đến nay, tất cả đều là giả thuyết.

Ý tưởng về đại học miễn phí đúng nghĩa vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Phải mất 28 năm để Đạo luật Morrill sửa chữa bất cập, trong khi chương trình Kalamazoo Promise mới ra đời 13 năm. Giấc mơ về một hệ thống giáo dục công lập cơ bản không còn được coi là K-12 (từ lớp mẫu giáo đến lớp 12) mà là K-16, hiện vẫn nằm ngoài tầm với.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply