Sẵn sàng du học – Tại Mỹ, giới nhà giàu bắt đầu hành trình chuẩn bị để vào các trường đại học danh giá như Harvard, Princeton hay Yale từ năm 5 tuổi, với hệ thống trường mầm non tư thục đắt đỏ.
Theo Bloomberg, bê bối chạy trường đại học mới bị phanh phui gần đây nhấn mạnh thêm một điều vốn nổi tiếng từ lâu rằng các bậc cha mẹ giàu có sẵn sàng làm mọi thứ để con mình được "học đúng trường".
"Cuộc chiến" mầm non
Với những phụ huynh sẵn sàng trả 50.000 USD một năm cho đứa con ở độ tuổi mầm non, họ còn phải chi không ít tiền để thuê tư vấn tuyển sinh cùng nhiều công tác chuẩn bị khác để con mình vượt qua kỳ tuyển sinh của trường.
Trường liên cấp Trinity School, ở Upper West Side, New York, mới đây cho biết đã ngừng nhận hồ sơ dự tuyển cho năm học này sau khi nhận được tới 642 hồ sơ đăng ký, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là 60. Theo đó, tỷ lệ "chọi" của Trinity School là khoảng 10%, gần tương đương với Đại học Cornell University. Học phí của Trinity là hơn 52.000 USD/năm, cao hơn học phí của Đại học Harvard.
Các trường mầm non danh giá khác tại New York như Horace Mann, Collegiate, Dalton và Brearley không tiết lộ tỷ lệ tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, theo thông tin trong tài liệu liên quan tới một đợt phát hành trái phiếu vào năm 2017, Horace Mann cho biết trung bình trường này nhận được 346 hồ sơ cho 36 chỉ tiêu tuyển sinh.
Vì tỷ lệ cạnh tranh lớn, không ít gia đình giàu có sẵn sàng đi "cửa sau" để chắc suất cho con mình vào học ở các trường mầm non danh giá. Giới giàu New York từng xôn xao câu chuyện về những lá thư giới thiệu từ các đại sứ hoặc thậm chí cả các tổng thống. Trong đó, có thư giới thiệu thậm chí được đặt trong hộp da và chuyển tới trường bằng xe Rolls Royce.
Hàng triệu USD cho dịch vụ tư vấn tuyển sinh
Sau tất cả, hoạt động tư vấn đại học là mảnh đất kinh doanh màu mỡ. Ivy Coach, công ty có trụ sở tại New York, cung cấp gói tư vấn tuyển sinh đại học giá từ 1 – 5 triệu USD, dành cho những bậc phụ huynh có khả năng tài chính và sẵn sàng chịu chi, theo New York Times.
Quy trình tư vấn bắt đầu khi ứng viên học lớp 8. Các chuyên gia của Ivy Coach sẽ theo sát và hướng dẫn ứng viên từ chọn đúng môn học cho đến lên kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa. Mục tiêu cuối cùng là giúp các ứng viên vượt trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Bước tiếp theo là chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn hóa như SAT hay ACT. Các trường đại học Mỹ dựa vào kết quả của một trong hai bài thi này để tuyển sinh.
Theo Brian Taylor, giám đốc điều hành của Ivy Coach, các bài thi chuẩn hóa này đều có thể ôn luyện. "Việc này có vẻ không công bằng nhỉ, khi người giàu có thể trả tiền để cho con được chuẩn bị tốt?", ông Taylor hỏi và tự trả lời: "Đúng là thế. Nhưng đây là cách thế giới vận hành".
Bê bối chấn động
Ngày 12/3, nước Mỹ chấn động khi một công tố viên liên bang cáo buộc 50 người tham gia đường dây chạy trường để đưa con cái của các gia đình giàu có vào những trường đại học danh giá, trong đó có Yale và Stanford.
Theo điều tra ban đầu, mỗi gia đình trả từ 200.000 USD đến 6,5 triệu USD để nhờ người thi hộ hoặc sửa điểm SAT, ACT và hối lộ huấn luyện viên thể thao. Giáo viên thể thao của các trường đại học nhận những đứa trẻ nhà giàu vào đội tuyển của trường nhằm tạo thành tích thể thao giả trong hồ sơ tuyển sinh.
Trên thực tế, "ngành kinh doanh" tư vấn đại học tại Mỹ trị giá hàng tỷ USD và hoàn toàn hợp pháp. Những chuyên gia có kinh nghiệm sẽ giúp học sinh leo lên từng nấc thang để đạt được mục tiêu, bao gồm các khóa học nâng cao, chơi thể thao hay tham gia vào các hoạt động cộng đồng, cũng như hướng dẫn viết bài luận và làm mọi thứ để "làm đẹp" hồ sơ.
Cuộc sống của những sinh viên trước thềm đại học được nhào nặn sao cho vừa mắt nhà tuyển sinh của các trường đại học. Tùy vào khả năng tài chính, các bậc phụ huynh có thể chi khoảng 300 USD, phí tư vấn tiêu chuẩn với các chuyên gia, hoặc đóng góp hàng chục triệu USD vào các trường đại học với hy vọng con họ sẽ được đặc cách vào học.
Điều này cho thấy một thực tế rằng, nhiều bậc cha mẹ, bất kể thu nhập là bao nhiêu, bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng bằng đại học danh giá là tấm vé đảm bảo cho tương lai tài chính của con mình. Và họ sẵn sàng mở hầu bao.
Theo Alexis Reddling, học giả nghiên cứu chương trình cao học về giáo dục tại Đại học Harvard, vài năm gần đây, nhiều trường đại học Mỹ nhận ra rằng các bài thi chuẩn hóa chỉ đơn giản phán ảnh gia đình học sinh chịu chi như thế nào cho các lớp ôn luyện. Và trên thực tế, nhiều trường đã không còn đặt nặng vào điểm số nhằm tạo thêm cơ hội cho những học sinh không sinh ra trong gia đình khá giả.
Vụ bê bối chạy trường "không phải là điều ngạc nhiên với những người trong giới tư vấn đại học ở Mỹ", giáo sư Redding cho biết."Điều ngạc nhiên là quy mô của nó và sự dính líu của các ngôi sao nổi tiếng".
Theo bà Redding, một trong những lý do những người giàu trong đường dây này lựa chọn "đường tắt" là bởi chi phí "đầu tư trực tiếp" đã vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình thượng lưu. Theo các chuyên gia, "món quà" 10 triệu USD của các bậc phụ huynh dưới hình thức quyên góp cho trường đại học giờ đây không còn đủ để chắc một suất vào học cho con họ nữa.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo VNEconomy