Ngày càng nhiều con nhà giàu châu Á du học Mỹ từ khi rất bé

0

Sẵn sàng du học – Các bậc cha mẹ châu Á từ lâu đã xem bằng đại học Mỹ là chìa khóa mở ra cánh cửa sự nghiệp xán lạn cho con mình. Và họ gửi con em mình đi du học khi chúng chỉ mới học cấp 2.

Chàng trai Đài Loan Philip Tsuei đã phải xa nhà hơn 11.000 km khi chỉ mới 12 tuổi để đến học tại Trường nam sinh Eaglebrook ở phía tây bang Massachusetts, Mỹ. “Điều đó thật sự kinh hoàng. Tôi cảm giác như mình đã dính án tử và đếm ngược từng ngày để mong về nhà”, Bloomberg dẫn lời Tsuei nhớ lại.

Nhưng Tsuei biết đó là nhiệm vụ của mình, cũng như anh trai của Tsuei trước đó đã thực hiện, để thuận lợi hơn cho việc nộp đơn vào các trường đại học ở Mỹ.

Theo Bloomberg, các bậc phụ huynh châu Á từ lâu đã xem đại học Mỹ là tấm vé vàng cho con cái mình tiến đến tương lai tươi sáng. Với việc số đối thủ cạnh tranh ngày càng tăng cao, những bậc cha mẹ này mong muốn con em mình có lợi thế sớm hơn.

Các bậc phụ huynh dư dả tiền bạc ở châu Á không muốn con cái mình phải cặm cụi học theo tiêu chuẩn trong nước, do đó đưa chúng sang Mỹ từ khi còn nhỏ. Ảnh: SCMP. 

Các bậc phụ huynh dư dả tiền bạc ở châu Á không muốn con cái mình phải cặm cụi học theo tiêu chuẩn trong nước, do đó đưa chúng sang Mỹ từ khi còn nhỏ. Ảnh: SCMP. 

Tấm vé vàng

Ngày càng nhiều gia đình châu Á – đặc biệt là từ Trung Quốc – gửi con cái mình đến theo học những trường cấp 2 nội trú ở Mỹ. Các trường này có thể thu học phí đến 74.000 USD/năm, và hứa hẹn sẽ giúp học sinh đậu vào các trường cấp 3, đại học danh tiếng.

“Việc các gia đình châu Á cho con cái theo học trung học cơ sở tại Mỹ là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi vì họ thấy điều đó sẽ khiến con mình chiếm ưu thế trong cuộc đua vào đại học”, ông Rick Dickson, quản lý Công ty tư vấn giáo dục Dunbar Consultants, giải thích.

Dường như giáo dục trung học cơ sở đã trở thành một thị trường ngách ở Mỹ, và quy mô của nó rất khó để định lượng. Tại Trường trung học Fay, bang Massachusetts, số đơn xin nhập học nội trú từ nước ngoài (lớp 7-9) tăng đều đặn trong những năm gần đây, còn lượng ứng viên Mỹ gần như giữ nguyên.

Trường Berment cũng ghi nhận thực trạng tương tự. Trong khi đó, Eaglebrook nhận được một lượng lớn đơn đăng ký nhập học từ Trung Quốc nhiều đến nỗi họ phải tổ chức một chương trình đánh giá trình độ tiếng Anh riêng cho các ứng viên của quốc gia này.

Nam sinh ở Trường trung học Eaglebrook. Ảnh: Eaglebrook.

Nam sinh ở Trường trung học Eaglebrook. Ảnh: Eaglebrook.

John Rao, 21 tuổi, là một trong những người tiên phong của làn sóng du học từ nhỏ này. Khi Rao 13 tuổi, cha anh – giám đốc một tập đoàn công nghệ – nhận thấy hệ thống giáo dục nghiêm ngặt, đầy bài kiểm tra của Trung Quốc không phù hợp với con mình, nên đã cho con mình sang Mỹ học.

Khoảng 10 năm trước, rất hiếm gia đình gửi những đứa con còn thơ dại của mình đi học xa nhà đến nửa vòng trái đất. Nhưng đối với Rao, trường trung học ở Mỹ là cơ hội tốt. Rao thừa nhận rằng trường học tại quê hương Thâm Quyến không giúp anh có thể làm nhiều điều mà anh yêu thích.

Học sinh vùng Đông Á chiếm phần lớn số học viên quốc tế tại Mỹ, và đến chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo thống kê từ Viện Giáo dục Quốc tế, dù tăng trưởng chậm lại, học sinh Trung Quốc vẫn chiếm đến 37% trong số học sinh trung học nước ngoài ở xứ cờ hoa năm 2018.

Mối quan hệ với những trường cấp 3 danh tiếng

Một số trường cấp 2 này nhận được các khoản tài trợ hàng chục triệu hay thậm chí là 100 triệu USD cùng các cơ sở hạ tầng, vật chất vượt xa một số trường đại học. Eaglebrook thậm chí còn có khuôn viên rộng hơn 3 triệu m2 với sân trượt tuyết riêng biệt.

Theo trang web của Trung học Fay, trường nội trú lâu đời nhất ở Mỹ sở hữu 8 sân tennis, 4 sân bóng rổ, 2 hồ bơi nước nóng ngoài trời, 2 trung tâm thể dục, 1 sân cỏ và tường leo núi trong nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ sở vật chất, chuyên gia tư vấn Rick Dickson cho rằng mối quan hệ giữa các trường này và một số trường trung học phổ thông danh tiếng mới là điểm thu hút chính đối với các bậc phụ huynh.

Nhiều học sinh châu Á sẽ theo học cấp 3 tại Học viện Phillips Andover, Học viện Phillips Exeter, Choate Rosemary Hall và Học viện Deerfield. “Chúng tôi đều ngầm biết điều này. Hầu hết học sinh sẽ được hỏi họ mong muốn vào trường cấp 3 nào”, Philip Tsuei cho biết.

Cơ sở vật chất ở các trường cấp 2 nội trú thậm chí còn vượt xa một số trường đại học ở Mỹ. Ảnh: Fay School.

Cơ sở vật chất ở các trường cấp 2 nội trú thậm chí còn vượt xa một số trường đại học ở Mỹ. Ảnh: Fay School.

Theo thông tin từ Trung học Berment, các giám đốc tuyển sinh cấp 3 thường đích thân đến thăm, thậm chí đôi khi còn ăn tối với nhứng học sinh lớp 9 để trò chuyện về kế hoạch học tập của các em.

Trung học Fay cho biết có nhiều học sinh của trường theo học tại những trường trung học phổ thông hàng đầu. Và những trường cấp 3 này sẽ đóng vai trò như trạm trung chuyển đến các đại học hàng đầu thế giới trong khối Ivy League như Harvard, Yale, hay Princeton.

Rao và Tsuei nói rằng rằng nhiều bạn cùng lớp của họ là con em của các giám đốc cấp cao trong những tập đoàn toàn cầu. Những câu chuyện về kỳ nghỉ xa xỉ hay máy bay phản lực tư nhân thường xuyên được nghe thấy từ học sinh Eaglebrook.

Yuan-Hsiu Lien – một giáo viên tiếng Trung tại trường này – cho biết những bậc phụ huynh gửi con cái đến trường nội trú Mỹ hầu hết là những doanh nhân thành đạt, và thấu hiểu giá trị của tấm bằng đại học danh tiếng. Nhưng việc đi du học từ lúc còn non thơ bé thật sự là một thách thức lớn đối với đứa trẻ.

Philip Tsuei chia sẻ anh đã khao khát được về nhà. “Đôi khi tôi tự đặt câu hỏi tại sao những đứa trẻ thông minh ở Đài Loan hay các nơi khác tại châu Á phải đến Mỹ để có thể đổi đời. Chẳng lẽ ở lại châu Á là không đủ tốt?”, anh bày tỏ.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News

Share.

Leave A Reply