Những cú sốc văn hóa khi du học Australia

0

Sẵn sàng du học – Sau 13 tuần làm việc, gắn bó thân thiết với người bạn Australia, khi gặp lại trong trường, chị Giang bất ngờ vì người bạn xem mình như xa lạ.

Từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), hiện làm việc cho chính phủ Australia, chị Trương Nguyễn Thoại Giang chia sẻ trải nghiệm khi làm quen với văn hóa nơi này.

Trước khi du học, tôi làm việc cho công ty liên doanh giữa Việt Nam và Australia, tiếp xúc với nhiều người Australia. Tôi chú ý tìm hiểu văn hóa xứ chuột túi qua sách vở, phim ảnh và báo chí. Trăm nghe không bằng một thấy, tôi đi du lịch vài tuần ở đất nước này, nhưng như cưỡi ngựa xem hoa. Kiến thức và kinh nghiệm đó chỉ mang tính cục bộ, phiến diện. Khi đến Australia với tư cách du học sinh Đại học Victoria, tôi đã không tránh khỏi những cú sốc văn hóa.

Từ lâu người Việt Nam hay nói bông đùa, phớt tỉnh Ăng-lê. Nghe vậy, nhưng tôi chưa từng trải nghiệm bị phớt lờ kiểu Ăng-lê cho đến khi sang Australia. Người Anh đặt chân đến Australia và biến xứ này thành thuộc địa nên đến bây giờ dù đã độc lập hơn 100 năm, văn hóa chính mạch và tính cách người Australia vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc của người Anh, trong đó có kiểu phớt Ăng-lê.

Học kỳ một năm nhất, ngày đầu tiên lên giảng đường, tôi ngồi cạnh một bạn người Australia. Thấy bạn thân thiện, tôi bắt chuyện làm quen. Rất may bạn ấy cùng lớp thực hành (tutorial) với tôi nên khi thành lập nhóm tôi liền bắt cặp. Chúng tôi như cặp bài trùng, cùng học, trao đổi, phân chia làm bài tập lớn (assignment) rất ăn ý, nhịp nhàng. Tôi tính toán, còn bạn ấy viết.

Có hôm thư viện trường đại học đóng cửa, chúng tôi phải đến thư viện địa phương để làm cho xong. Cả hai gắn bó với nhau suốt 13 tuần, rồi thi cử, chia tay và hẹn sớm gặp lại. Vậy mà học kỳ sau khi không còn học cùng môn (subject) nữa, gặp lại nhau trong khuôn viên trường, trong khi tôi tay bắt mặt mừng thì bạn ấy xem tôi như người xa lạ, làm tôi chưng hửng.

Đến học kỳ hai, nhờ kết quả tốt môn kế toán cơ bản, tôi được trường phân công dạy kèm (mentor) cho sinh viên khóa sau. Chỉ là công việc tình nguyện, nhưng sinh viên nào cũng ao ước được một suất để đánh bóng hồ sơ xin việc trong tương lai. Mỗi tuần tôi dành một tiếng đến lớp giúp các bạn khóa sau giải bài tập. Trước đó, tôi phải dành ra thêm ít nhất một tiếng nữa để chuẩn bị.

Tôi rất tự hào về công việc nên luôn nhiệt tình hướng dẫn, kiên nhẫn giảng giải cho sinh viên khóa sau. Hôm nào các bạn ấy cũng cảm ơn rối rít làm tôi quên hết mệt nhọc. Không ngờ thi xong, học kỳ sau gặp lại trong sân trường, 10 bạn thì hết 9 bạn phớt lờ, coi như chưa hề quen biết tôi. Người bạn thứ 10 cũng chào hỏi nhưng hời hợt cho có lệ. Có người thấy tôi từ xa, nhưng nhìn thẳng xem như tôi không hiện hữu. Họ tiết kiệm từng cái nhìn, nụ cười, cái gật đầu.

"Tiên học lễ, hậu học văn" hay "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" dường như không có ở xứ này. Tôi rút kinh nghiệm, lúc chung nhóm dù thân thiết, qua lại giúp đỡ lẫn nhau nhiều bao nhiêu thì khi thi xong đường ai nấy đi, Facebook, điện thoại liên lạc cũng xóa sạch. Học đại học ở Australia 4 năm và sau đại học 1,5 năm, nhưng bây giờ nghĩ lại tôi chẳng có một người bạn lâu hơn một học kỳ. Có lẽ các bạn ấy không nhớ nổi tên tôi thì làm gì có chuyện họp mặt 20 năm nhớ lại những "ngày xưa thân ái" như ở Việt Nam. Ở Australia, chỉ có "tình bạn học kỳ".

Đại học Victoria, nơi chị Thoại Giang từng theo học.

Đại học Victoria, nơi chị Thoại Giang từng theo học.

Ngoài kiểu phớt Ăng-lê, tôi còn ngạc nhiên trước tính sòng phẳng của sinh viên bản xứ. 

Có lần một bạn học cùng khóa cần photo tờ tài liệu A4 mà quên thẻ sinh viên, nên mượn thẻ của tôi. Xong việc bạn ấy nhất quyết trả cho tôi 50 xu mặc dù tôi nói không cần, có đáng bao nhiêu. Làm việc nhóm cũng vậy, mua cuộn băng keo hết $1 thì chia ra 4 người mỗi người đóng đủ 25 xu.

Tôi còn nhớ hôm sinh nhật của một bạn trong nhóm, bữa trước bạn ấy dặn cả nhóm đừng mang đồ ăn trưa theo, mình đi ăn cùng nhau. Tôi đinh ninh được đãi sinh nhật, không ngờ vào quán mạnh ai nấy gọi món. Chỉ là ngồi chung, tán gẫu với nhau, nhưng đồ ai nấy ăn, nước ai nấy uống, và dĩ nhiên tiền ai nấy trả. Người Australia đã hiểu quy luật "go Dutch" này từ lúc nhỏ, không ai phiền ai.

Thói quen ăn uống của người Australia rất khác biệt so với Việt Nam. 

Thời gian đầu, tôi vẫn quen trưa mang theo một hộp cơm to trong khi mấy bạn sinh viên Australia chỉ ăn trưa với một trái táo hay một miếng sandwich bé kẹp cà chua và phô mai. Một bữa làm biếng chán cơm, tôi cũng bắt chước ăn trưa một trái táo. Kết quả là cả chiều hôm đó vào lớp tôi đói hoa cả mắt, ù cả tai trong khi mấy bạn Australia vẫn ung dung tự tại.

Những lúc học nhóm, tôi thường đem theo đồ ăn chơi, ví dụ một bịch nho và thay vì "ăn một mình đau tức" tôi hay mời cả nhóm cùng ăn. Mấy bạn Australia không khách sáo, hưởng ứng rất nhiệt tình. Ngược lại khi các bạn ấy mang theo đồ ăn, thường có thói quen chỉ đem đủ một phần, ví dụ một thỏi chocolate nhỏ, nên các bạn ấy ăn một mình chẳng mời ai.

Tới nhà người bạn Australia chơi, nấu nướng với nhau thì những thứ như cà chua, dưa leo, nấm chỉ lau sơ không cần rửa vì sợ ướt, làm nhão thức ăn, ví dụ bánh mỳ kẹp. Thịt gà, bò, hay cá các loại cứ thế nấu lên dùng, không rửa vì sợ thất thoát chất bổ. Đi nhà hàng các món như tôm, ghẹ đã được luộc sẵn, trữ lạnh khi đánh bắt từ ngoài biển khơi nên được phục vụ lạnh tại chỗ. Vì quen ăn nóng hải sản, tôi chỉ ngồi nhìn trong khi mấy bạn Australia "chén" ngon lành.

Trong sân trường, hay ở những nơi công cộng, thỉnh thoảng có những tháp nước uống miễn phí cứ vặn ra uống. Ba mẹ là y tá, tôi được dạy là phải "ăn chín uống sôi" từ nhỏ nên cứ tròn mắt nhìn thiên hạ vô tư uống nước máy. Cũng phải mất một thời gian dài tôi mới quen với việc uống nước máy mà không cần nấu 100 độ C, sau khi kiểm chứng là nước máy đạt tiêu chuẩn nước uống, flouride trong nước sống rất tốt cho răng miệng.

Sốc văn hóa khi chuyển đến một môi trường hoàn toàn mới lạ là điều hiển nhiên, ai cũng phải trải qua. Tùy vào tính cách và hoàn cảnh của mỗi người mà tình trạng sốc kéo dài bao lâu, nặng hay nhẹ. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy sốc văn hóa chẳng có gì ghê gớm. Nếu chúng ta suy nghĩ cởi mở, không bảo thủ, chấp nhận sự khác biệt thì sẽ nhanh chóng thích nghi.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply