Sẵn sàng du học – Mỗi mùa nhập học hàng năm lại có thêm một số lượng lớn các tân sinh viên cho biết họ có những dấu hiệu của lo âu, buồn phiền khi phải trải qua những điều họ chưa hề tính đến trước đó.
Penn State University (Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng trầm cảm ở sinh viên, đặc biệt là các sinh viên năm nhất. Theo khảo sát trên 63.000 sinh viên tại 90 trường đại học khác nhau, có đến 40% cho biết họ cảm thấy chán nản với việc học đại học và 60% trong số những sinh viên chán nản đó đang cảm thấy lo lắng quá mức. Số lượng sinh viên tìm đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe để được tư vấn tâm lý cũng tăng đều 30% mỗi năm.
Mỗi mùa nhập học hàng năm lại có thêm một số lượng lớn các tân sinh viên cho biết họ có những dấu hiệu của lo âu, buồn phiền khi phải trải qua những điều họ chưa hề tính đến trước khi bước chân vào đại học: những kì vọng không như thực tế, cuộc sống xa nhà, áp lực học tập và hòa nhập vào môi trường mới, bạn bè mới. Chuyện tình cảm có trục trặc cũng tác động rất lớn đến cảm xúc và tâm lý của các tân sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các áp lực, căng thẳng.
Không chỉ ở Mỹ mà tình trạng tâm lý bất ổn còn diễn ra với sinh viên ở khắp nơi trên thế giới, một báo cáo năm 2018 của Tạp Chí Tâm lý Bất thường được thực hiện với 14.000 sinh viên đến từ 8 quốc gia, có 35% người được hỏi cho biết có ít nhất 1 dấu hiệu nào đó liên quan đến tâm lý bất ổn. Các chuyên gia tại khoa Tâm thần học, Đại học Columbia còn tuyên bố có một phần ba sinh viên trên toàn thế giới dương tính với 1 nhất một trong số các triệu chứng của trầm cảm.
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, các chuyên gia cho biết sinh viên năm đầu có biểu hiện trầm cảm nhiều hơn so với số còn lại. Đó là lần đầu tiên học xa nhà, cuộc sống sinh hoạt đảo lộn, thậm chí cả chế độ ăn cũng thay đổi dẫn đến tác động đến cảm xúc và sức khỏe. Nhiều sinh viên gặp vấn đề với việc kết bạn mới và tìm cho mình một cộng đồng thực sự tại trường. Một số khác gặp khó khăn với việc thay đổi cách học, số lượng các bài luận và báo cáo tăng vọt trong khi chưa thích ứng được với cách học tập là làm việc chủ động ở đại học.
Chất kích thích cũng là một nguyên nhân. Ban đầu, nhiều người tìm đến các chất kích thích để học tập hiệu quả và tỉnh táo hơn, nhưng sự lạm dụng dẫn đến những cảm xúc tiêu cực và trạng thái lo âu quá mức khi không có chất kích thích.
Hệ thống y tế ở các trường đại học cũng không có đủ nhân lực và chuyên môn cao để có thể giúp sinh viên giải quyết triệt để vấn đề này nên một số sinh viên tìm đến các trung tâm tư vấn bên ngoài, một số khác thì lờ đi các dấu hiệu bất ổn của chính mình.
Trước tình trạng nghiêm trọng này, Đại học Bang Pennsylvania đã đưa ra một số khuyến cáo đơn giản nhất nhưng cần thực hiện ngay cho cả sinh viên và gia đình để hạn chế nguy cơ các vấn đề tâm lý của sinh viên trở nên xấu hơn:
– Giữ thói quen ngủ đủ giấc và thức dậy đúng giờ: Những bữa tiệc đêm hay chỉ đơn giản là thói quen "cú đêm" của nhiều sinh viên có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm lý. Bạn sẽ dễ cáu gắt, lo âu thái quá và luôn mệt mỏi nếu không được ngủ đủ hay ngủ sâu. Hãy duy trì một giờ đi ngủ và thức dậy ổn định, ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm để luôn có trạng thái tinh thần tốt nhất.
– Ăn uống lành mạnh và tập thể dục: Chế độ ăn nhiều chất béo cũng dễ gây ra những cảm xúc tiêu cực. Hãy bắt đầu xây dựng cho mình một chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe và thường xuyên hoạt động thể chất.
– Thường xuyên trò chuyện và cho mọi người biết về những lo lắng của bạn. Những người xung quanh có thể giúp bạn phát hiện ra sự nghiêm trọng của vấn đề. Thường xuyên trò chuyện cũng giúp bạn bớt đi cảm giác lo âu quá mức. Bạn không thể tự mình giải quyết được tình trạng trầm cảm, bạn cần có sự giúp đỡ.
Trầm cảm ở sinh viên là vấn đề không thể chủ quan được nên bạn hãy nhớ tìm đến sự giúp đỡ nếu bản thân và những người bạn xung quanh có các dấu hiệu bất thường.
Thái Hải (SSDH) – Theo Kênh 14