Tình báo Mỹ tuyển học sinh trung học, cạnh tranh Thung lũng Silicon

0

Sẵn sàng du học – Bạn của Summer ở trường trung học nói đùa rằng cô đang nghe lén điện thoại của họ. Họ phỏng đoán về “những điều ghê gớm” mà cô làm ở NSA và trêu cô là gián điệp.

“Họ có vẻ thích thú với điều đó”, Summer nói với CNN. Nhưng bạn bè cô cũng có phần đúng, vì cô gái 18 tuổi không tới trường của mình ở bang Maryland  năm học vừa rồi mà làm việc trong tòa nhà rộng lớn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tại Fort Meade, Maryland.

Ở đó, Summer làm “một số việc liên quan đến an ninh mạng”, cô trả lời bí ẩn khi được hỏi về công việc một học sinh tại NSA, cơ quan phụ trách các hoạt động thu thập tín hiệu điện tử, phá mật mã của giới tình báo Mỹ.

Brianna và Simon cũng kín tiếng không kém. Hai học sinh trung học thực tập ở NSA chỉ cho biết làm các việc liên quan tới dịch thuật và an ninh mạng. Họ của hai người được CNN giữ kín, với lý do an ninh.

Trụ sở rộng lớn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tại Fort Meade, bang Maryland, nhìn từ trên cao, tháng 1/2010. Ảnh: AFP.

Trụ sở rộng lớn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tại Fort Meade, bang Maryland, nhìn từ trên cao, tháng 1/2010. Ảnh: AFP.

 

 

Bộ ba nói trên, đều 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học ở Maryland, nằm trong số hơn 150 học sinh trong chương trình “vừa học, vừa làm” tại NSA. Các em được tiếp cận và chứng kiến những thông tin nhạy cảm nhất, những dự án tối mật của nước Mỹ – trách nhiệm không nhỏ với bất kỳ ai, nhất là đối với thế hệ “thứ gì cũng muốn share”. Các em được kiểm tra an ninh mức cao nhất – một điều không dễ dàng.

 

 

“Trước đó, tôi không thực sự hiểu, khi vào rồi mới biết mình thấy được nhiều (thông tin mật) như thế nào”, Summer nói với CNN.

Gây "ấn tượng" bằng công việc

“Có lúc cảm thấy đáng sợ”, Summer nói thêm, “vì mình biết được ngoài kia đang diễn ra những gì”.

Còn với Simon, cân bằng giữa việc học và làm không khó. Anh có đủ tín chỉ để chỉ phải học hai lớp buổi sáng, rồi đi làm buổi chiều. Anh cho rằng được chính phủ kiểm tra an ninh là “chìa khóa vàng” mở ra cơ hội cho tương lai.

“Kèm theo đó là cảm giác mình phải có tinh thần trách nhiệm”, Simon nói. “Tôi thấy rất hay khi họ tin tưởng các học sinh trung học, và nhiều bạn đang có khởi đầu sự nghiệp bằng cách này. Tôi nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời”.

NSA là cơ quan phụ trách các hoạt động thu thập tín hiệu điện tử, phá mật mã của giới tình báo Mỹ. Ảnh: Getty Images.

NSA là cơ quan phụ trách các hoạt động thu thập tín hiệu điện tử, phá mật mã của giới tình báo Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Các nhà tuyển dụng ở NSA hay các cơ quan tình báo khác ở Mỹ biết họ phải cạnh tranh với các công ty nhiều tiền ở Thung lũng Silicon trong việc tuyển mộ những người trẻ thông minh, năng nổ, theo ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Vì vậy, họ muốn gây ấn tượng với các học sinh nhờ tính chất công việc, thay vì lương bổng.

“Một khi bước chân vào đây, các em sẽ cảm thấy công việc mỗi ngày có mục đích, và thấy rằng các em có thể làm những việc không có ở bất cứ đâu”, Courtney, nhà tuyển dụng của NSA, nói. (Họ của bà cũng được giữ kín vì lý do an ninh.)

“Chúng tôi muốn đưa các em vào, gây hứng thú ngay lập tức để các em có thể có sự nghiệp lâu dài ở đây. Chúng tôi đang chú trọng các chương trình học sinh, sinh viên nhất từ trước đến nay, để tuyển được các em khi còn trẻ”, bà nói.

Trụ sở của NSA. Cơ quan này có các chương trình "vừa học, vừa làm" để khuyến khích các học sinh, sinh viên giỏi công nghệ làm việc cho chính phủ. Ảnh: AP.

Trụ sở của NSA. Cơ quan này có các chương trình "vừa học, vừa làm" để khuyến khích các học sinh, sinh viên giỏi công nghệ làm việc cho chính phủ. Ảnh: AP.

Silicon “hào nhoáng” nhưng làm cho chính phủ thỏa mãn hơn?

Được giao các công việc thực sự là điểm hấp dẫn các học sinh. Đối với Summer, đó là việc được làm cùng đội ngũ đang phát triển sản phẩm mới và hỗ trợ các quan chức cao cấp dùng thử sản phẩm.

Kiểm tiền ở Thung lũng Silicon “cũng có sự hào nhoáng”, Summer nói. “Nhưng một trong những mục tiêu cuộc đời tôi là tìm được công việc thỏa mãn và tôi đã cảm thấy điều đó ở đây”.

“Tôi muốn biết rằng mình đến cơ quan, làm được điều gì và giúp được ai đó… Và đó là một trong những mục tiêu của tôi từ năm 12-13 tuổi, và tôi khá vui”, Summer nói.

NSA dùng trang web, mạng xã hội, ngày hội việc làm để tuyển mộ học sinh. Cơ quan này không đến trường của Brianna, nhưng cha cô đã khuyên cô lên thử trang web để xin ứng tuyển.

“Đa phần sinh viên chúng tôi muốn tuyển là từ các chương trình STEM”, Courney, nhà tuyển dụng NSA, nói. Những người phỏng vấn tìm kiếm các em có “kinh nghiệm với các dự án, các câu lạc bộ robot chẳng hạn”.

Các nhà tuyển dụng ở NSA biết là phải cạnh tranh với các công ty nhiều tiền ở Thung lũng Silicon. Ảnh: Reuters.

Các nhà tuyển dụng ở NSA biết là phải cạnh tranh với các công ty nhiều tiền ở Thung lũng Silicon. Ảnh: Reuters.

Brianna vào được một chương trình làm việc các mùa hè trong suốt các năm cô học đại học, nhưng trả lương cho cô cả năm, và bảo đảm công việc ở NSA khi ra trường.

“Thật choáng ngợp khi vừa mới vào họ đã tin tưởng mình nhiều đến vậy”, Brianna nói. Bây giờ điều thú vị nhất là “biết rằng tôi đang giúp người khác, đang bảo vệ an ninh cho mọi người, bảo vệ các thông tin và làm những việc thực sự cần thiết”.

Các bạn của Simon, Brianna và Summer thường làm việc tại nhà hàng, siêu thị hay thư ký văn phòng. Vì vậy, các em không thể tán gẫu với bạn bè về chuyện đi làm thêm, thậm chí không thể nói với cha mẹ.

Cả ba đều sắp vào học đại học. Các em đều chưa biết chính xác sẽ làm gì trong tương lai, nhưng đều muốn ở lại với NSA trong một mảng nào đó.

“(Công việc) bắt những kẻ xấu”, Summer nói với CNN. “Tôi rất thích thú về điều đó”.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News

Share.

Leave A Reply