Vỡ mộng về giáo dục Mỹ khi tuyển sinh đại học là ngành công nghiệp siêu lợi nhuận

0

Sẵn sàng du học – Sau bê bối chạy điểm cho con em của giới nhà giàu Mỹ do Willam Singer cầm đầu bị phanh phui, chia sẻ trên tờ New York Times, tác giả Rainesford Stauffer tiết lộ, vụ bê bối chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm vì từ lâu việc tuyển sinh đại học dường như đã trở thành một ngành công nghiệp hợp pháp tại Mỹ.

Trả tiền để có lợi thế

Tác giả Rainesford Stauffer nhớ lại quãng thời gian sau năm thứ nhất đại học, khi đang phân vân giữa việc nên chuyển sang một đại học khác hay bỏ học để đi làm, cô đã quyết định gặp gỡ một người bạn đang theo học tại một trường thuộc khối Ivy (Ivy League) – nhóm các trường đại học xuất chúng nhất nước Mỹ. “Tôi muốn xin lời khuyên của chị ấy vì chị cũng từng có những băn khoăn giống như tôi”, Rainesford Stauffer nói.

“Em sẽ thích cuộc sống ở đây”, người bạn của tác giả thuyết phục, không quên dặn thêm “vấn đề là em phải thực sự thông minh”. Và Stauffer đã sớm nhận ra rằng, sự “thông minh” mà người bạn nói đến không giống như cô vẫn lầm tưởng.

Việc chạy điểm dường như đã trở thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, “hợp pháp” và diễn ra ngang nhiên vào mỗi mùa tuyển sinh tại Mỹ. (Nguồn: Washington Post)

Việc chạy điểm dường như đã trở thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, “hợp pháp” và diễn ra ngang nhiên vào mỗi mùa tuyển sinh tại Mỹ. (Nguồn: Washington Post)

Sau này, Stauffer biết được, người bạn của mình đã phải dành rất nhiều thời gian để thuê gia sư luyện thi riêng vào trường và bỏ ra không ít tiền của để nâng cao điểm số. “Tuy nhiên, cha mẹ chị ấy đã không chi tiền cho một biên tập viên chuyên nghiệp ngồi kèm cặp và chỉnh sửa bài luận giống như nhiều bạn cùng lớp chị ấy đã làm”, tác giả Rainesford Stauffer kể lại.

Sau một thời gian tìm hiểu, Stauffer biết rằng, những “chiêu trò” mà người chị đi trước từng áp dụng là rất phổ biến và nhiều bạn bè của cô cũng từng phải dùng tiền để mua điểm số như mong muốn. “Tôi có cảm giác như mình đã trượt kỳ thi ngay từ lúc bắt đầu”, tác giả cho biết. Và theo Stauffer, điểm “A” môn Văn học mà cô từng đạt được và những kinh nghiệm tích lũy từ công việc làm thêm vào mỗi cuối tuần trở nên vô nghĩa khi so với sự hỗ trợ hùng hậu từ phía các gia sư, huấn luyện viên tuyển sinh đại học mà các bạn đồng trang lứa vốn xuất thân từ các gia đình quyền thế có được.

Cuối cùng, tác giả Rainesford Stauffer đã quyết định không chuyển tới ngôi trường danh giá mà người bạn cô đang học mà theo học một khóa hàm thụ từ xa tại ngôi trường ít tên tuổi. Trong thời gian đó, cô vẫn tiếp tục làm thêm để tích lũy thêm kinh nghiệm. “Giờ đây, khi nói chuyện với những bạn trẻ chuẩn bị bước vào cánh cổng đại học, bao gồm cả em gái tôi, tôi vẫn khuyên rằng dù các bạn có học chăm chỉ đến đâu thì các bạn sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh với những sinh viên con nhà giàu luôn được nâng đỡ về điểm số”, Stauffer chua chát thừa nhận.

Ngành công nghiệp siêu lợi nhuận

Tác giả Rainesford Stauffer cho biết, rất nhiều gia đình giàu có tại Mỹ sẵn sàng “phá luật” để giúp con em mình lọt vào các Đại học thuộc top đầu thông qua diện “học bổng” dành cho các vận động viên dù con cái họ chưa từng chơi một môn thể thao nào thời trung học. “Điều này là không thể chấp nhận được”, Stauffer khẳng định.

Điều đáng phẫn nộ, theo Stauffer, đó là việc chạy điểm dường như đã trở thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, “hợp pháp” và diễn ra ngang nhiên vào mỗi mùa tuyển sinh tại Mỹ.

Cây viết của tờ New York Times tiết lộ, để chuẩn bị hồ sơ đầu vào các Đại học thuộc khối Ivy, các phụ huynh nhà giàu Mỹ thường phải chi tới 200 USD/giờ để thuê các gia sư đến từ các trường Ivy đến luyện thi cho con. Giá tiền này nghiễm nhiên chưa bao gồm phí hướng dẫn, chỉnh sửa bài tiểu luận ứng dụng đầu vào. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn mạnh tay chi cho các huấn luyện viên viết hộ bài tiểu luận cho con em mình.

Theo Rainesford Stauffer, chi phí cho công ty hướng dẫn thi đại học – nơi lo toàn bộ quá trình từ đăng ký đến thi cử cho thí sinh rơi vào khoảng 40.000 USD cho một ứng viên.

Ngoài ra, việc các phụ huynh đóng góp vào quỹ của trường càng hào phóng bao nhiêu thì cơ hội để con em họ vào trường sẽ càng cao bấy nhiêu.

“Nếu bạn muốn thấy một hệ thống giáo dục luôn o bế cho những sinh viên nhà giàu, khi họ có thể dễ dàng vào được những trường cao đẳng và đại học danh tiếng thì bạn đã tìm thấy rồi đấy” – ông Nikhil Goyal, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh) cho biết.

Nghiên cứu của ông cũng cho thấy, nếu muốn tạo ra một môi trường học đa dạng về chủng tộc và tầng lớp, hệ thống thi cử Mỹ cần bớt đánh giá học sinh qua điểm số, mà thay vào đó là sự đam mê và yếu tố sáng tạo. “Điểm số là thứ có thể mua được, trong khi sự sáng tạo và đam mê thì không”, ông nói.

Thái Hải (SSDH) – Theo Một Thế Giới

Share.

Leave A Reply