Xuất khẩu giáo dục Mỹ rơi vào thoái trào

0

SSDH – Các trường đại học, cao đẳng Mỹ ghi nhận số lượng sinh viên quốc tế đang giảm xuống. Đây là xu hướng đáng lo ngại có thể mở đầu một thời kì thoái trào mới của ngành xuất khẩu GD Mỹ sau hơn một thập kỉ phục hồi từ thời kì thoái trào sau vụ khủng bố 11/9/2001. 

du-hoc-my

Xuất khẩu giáo dục Mỹ rơi vào thoái trào – Nguồn Internet

Có nhiều nguyên nhân như chính sách “hướng nội” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, kinh tế suy thoái tại các thị trường du học sinh lớn như Trung Quốc…

Chu kì thoái trào mới

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, tổng lượng người tới Mỹ giảm đột ngột: Nếu như từ 10/2000 đến 9/2001 có 6,3 triệu người từ các quốc gia đang phát triển xin thị thực vào Mỹ – thì con số này giảm còn 3,7 triệu năm 2003, trong đó số lượng du học sinh giảm mạnh.

Theo “Biên niên sử GD đại học” của Mỹ, số người Trung Quốc nộp đơn xin du học tại các trường CĐ và ĐH Mỹ đã giảm 76% trong năm 2002, trong khi tỉ lệ giảm ở thị trường Ấn Độ là 58%. Số cử nhân quốc tế đăng kí học sau đại học tại Mỹ cũng giảm hơn 25% và 90% các trường ĐH và CĐ Mỹ gặp khó khăn trong thu hút sinh viên quốc tế.

Gần 16 năm sau sự kiện 11/9, lịch sử đang lặp lại theo cách vô cùng đáng lo ngại.

Theo Hiệp hội Các văn phòng đăng kí và tuyển sinh ĐH, CĐ Mỹ (AACRAO), trong tổng số hơn 250 trường CĐ và ĐH Mỹ – có tới 39% trường công bố giảm số lượng du học sinh đăng kí.

Mức giảm đơn đăng kí cao nhất theo dự kiến là từ Trung Đông. Sinh viên khu vực này “bày tỏ lo ngại tới Mỹ”. “Chúng tôi đang lắng nghe ý kiến của sinh viên 7 nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Năm nay thậm chí khi du học sinh được chấp nhận họ cũng chưa chắc đã nhập học” – theo Frances Leslia, cán bộ tuyển sinh ĐH California.

Không chỉ số đơn đăng kí từ “các quốc gia Hồi giáo chiếm đa số” đang giảm xuống, số đơn từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng. 32% cơ sở đào tạo cho biết giảm số đơn xin du học của sinh viên Trung Quốc và mức giảm ở Ấn Độ là 15%. Theo AACRAO, Trung Quốc và Ấn Độ “hiện chiếm 47% tổng số du học sinh tại Mỹ, với khoảng nửa triệu người”.

Thay đổi để tồn tại

Buffalo là một trong nhiều trường ĐH đã đẩy mạnh tuyển sinh toàn cầu nhằm chuẩn bị ứng phó với sự sụt giảm nguồn sinh viên từ Trung Quốc. Bên cạnh tiếp tục quảng bá tuyển sinh tại Trung Quốc, trường này đã nhắm tới những thị trường tiềm năng như Việt Nam và Myanmar. Năm tới, lần đầu tiên Buffalo lên kế hoạch tuyển sinh tại Iran.

Nhiều trường còn tính đến mở rộng địa bàn tuyển sinh sang tận khu vực hạ Sahara châu Phi. Các nước như Uganda, Ethiopia và Angola đều tăng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu – 2 nhân tố mà các trường ĐH Mỹ nhắm tới. Tuy nhiên thực tế thì các chính phủ tại khu vực này không có ngân sách hỗ trợ du học sinh sang Mỹ.

Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng các trường ĐH Mỹ, mà thu hút 1 triệu du học sinh năm ngoái, vẫn có tiềm năng thu hút du học sinh nhiều hơn so với các quốc gia khác. “Sinh viên Trung Quốc vẫn coi Mỹ là điểm du học tốt nhất thế giới” – theo chuyên gia cao cấp Peggy Blumenthal, Viện Giáo dục Quốc tế.

“Với khoảng 15% sinh viên nước ngoài đến từ các quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, chúng ta sẽ mất đi vô số lợi ích về học thuật, văn hoá và đối ngoại mà những sinh viên này mang tới quốc gia chúng ta” – Marlene Johnson, cựu Giám đốc điều hành Hiệp hội tư vấn du học sinh quốc gia, phân tích – “Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nguy cơ mất 4,9 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ và hơn 60.000 việc làm”.

Thái Hải (SSDH) – Theo Thanh Anh/mariettatimes

Share.

Leave A Reply