SSDH – Theo Top Career, hiện nay số lượng du học sinh Việt tại Nhật Bản là 38.882 (đứng thứ 2 sau Trung Quốc) nhưng chỉ có 1.153 người nhận được visa lao động sau tốt nghiệp. Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng Nhật Bản, một phần nguyên nhân do sinh viên Việt bắt đầu “shukatsu” (tìm việc) khá muộn.
Thông tin đưa ra tại “Hội thảo chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tìm việc tại Nhật” do Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Osaka (VYSA Osaka) kết hợp cùng công ty tuyển dụng hàng đầu Nhật Bản Top Career tổ chức mới đây. Chương trình hội thảo gồm hai phần chính: Chia sẻ và Tương tác.
Khác với ở Việt Nam, sinh viên Nhật Bản bắt đầu tìm việc làm từ rất sớm nếu như không có ý định học lên cao hơn. Năm 3 của các sinh viên Nhật Bản có lẽ là năm bận rộn và quan trọng nhất, bởi đó là lúc phần lớn họ bắt đầu “shukatsu” – tìm việc, để khi ra trường có thể sẵn sàng bắt đầu với công việc mới.
Ngoài thời điểm, cách tìm việc cũng như những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt trong việc tìm việc làm giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Kinh nghiệm cụ thể về quá trình tuyển dụng được các “senpai” – tiền bối, tận tình chia sẻ.
Ở phần Chia sẻ, các du học sinh Việt đã được trực tiếp lắng nghe những lời khuyên và lưu ý tới từ phía các công ty tuyển dụng hàng đầu Nhật về quá trình xin việc tại Nhật, cũng như những kinh nghiệm quý báu tới từ những “senpai” – tiền bối, đã thành công trong tìm việc tại Nhật.
Theo thống kê của công ty Nhật Bản Top Career, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là 38.882 người, chỉ đứng thứ 2 – sau Trung Quốc. Tuy nhiên, số sinh viên sau khi tốt nghiệp nhận được visa lao động tại Nhật chỉ là 1.153 người. Và theo đánh giá của các nhà tuyển dụng Nhật Bản tại chương trình thì sinh viên Việt Nam bắt đầu tìm việc khá muộn do thiếu thông tin tuyển dụng tại đất nước này.
Lịch trình tuyển dụng chung đối với sinh viên ĐH, CĐ bắt đầu từ tháng 6, sớm hơn so với mọi năm. Đối với trường chuyên môn, trường tiếng thì lịch trình bắt đầu từ cuối tháng 11, phỏng vấn vào khoảng tháng 3 và chính thức làm việc vào tháng 4 hàng năm.
Các “senpai” chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn cũng như cách tiếp cận nhà tuyển dụng như thế nào. Làm như thế nào để phù hợp với văn hóa và con người Nhật Bản.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (đã ứng tuyển vào hơn 80 công ty khác nhau) chia sẻ cách sắp xếp thời gian hợp lý để tiếp cận các công ty này. Theo chị, như lịch trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng sẽ bắt đầu nhận CV xin việc của sinh viên qua mail hoặc bản viết tay gửi từ bưu điện. Sinh viên cần chuẩn bị thật kĩ từ bước đầu tiên này, ngoài việc gây ấn tượng, sự trau chuốt trong CV sẽ cho thấy thái độ tích cực và tính cách của sinh viên.
Kinh nghiệm chị và các senpai khác là nộp CV cho nhiều công ty càng tốt, sinh viên sẽ có cơ hội để tiếp cận với nhiều nhà tuyển dụng khác nhau để có sự lựa chọn thích hợp cho mình.
Senpai là những người đã thành công trong tìm việc tại Nhật.
Đối với vòng phỏng vấn, ngoài khả năng ngôn ngữ và trình độ chuyên môn, trang phục, tác phong, phong thái khi đi phỏng vấn quyết định không nhỏ đến sự thành công trong phỏng vấn của sinh viên. Đặc biệt, nhà tuyển dụng đánh giá cao sinh viên biết và hiểu được văn hóa con người Nhật Bản cũng như văn hóa làm việc trong công ty. Nhật Bản nổi tiếng là đất nước chăm chỉ và làm việc hiệu quả.
Trong phần phỏng vấn nhóm, chị Hoàng Thị Kim Dung chia sẻ: “Đừng thể hiện mình là người quá nổi trội hơn so với những người còn lại, hãy thể hiện là người làm việc nhóm có hiệu quả, đó mới là cách làm nổi bật mình lên trong phỏng vấn nhóm”.
Các câu hỏi như “tại sao bạn muốn làm việc tại Nhật?”, “kế hoạch trong 5 năm, 10 năm tới của bạn là gì?”.. sẽ đánh giá xem bạn có phù hợp với chiến lược của công ty hay không. Sinh viên hãy cân nhắc và lừa chọn câu trả lời hợp lý cho mình, người phỏng vấn sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến phần trả lời của sinh viên. Cách ứng xử linh hoạt, trung thực trong giao tiếp và thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc giúp sinh viên giành điểm trong buổi phỏng vấn.
Sau phỏng vấn, nếu thành công sinh viên sẽ nhận được naitei (lời hứa) nhận làm tại công ty sau khi tốt nghiệp. Nếu nhận được nhiều naitei từ nhiều công ty khác nhau sinh viên có thể lựa chọn theo sở thích của mình.
Không khí sôi nổi giữa sinh viên và senpai trong phần tương tác.
Phần Tương tác tiếp sau đó kéo dài 1 tiếng 30 phút, sinh viên có thể trực tiếp tới từng bàn của senpai vừa phát biểu để tìm hiểu sâu hơn, tìm lời giải đáp cho những khúc mắc còn chưa được gỡ nút.
Chương trình kết thúc trong sự hào hứng của các sinh viên khi có được thêm nhiều thông tin bổ ích mới. Du học sinh Việt Phạm Nguyên Tính chia sẻ: “Các senpai chia sẻ kinh nghiệm rất hay.
Qua trao đổi tương tác trực tiếp thì mình đã nhận ra rằng để tìm được việc làm tại Nhật thì ngoài biết thông tin về tìm việc, mình cần phải có những kỹ năng gì và phải trau dồi kiến thức, năng lực thật nhiều để thành công, cũng như để theo đuổi công việc mình yêu thích như thế nào”.
Đây là lần thứ 2 chương trình hội thảo chia sẻ kinh nghiệm việc làm được VYSA tổ chức.
Nguồn: Dân Trí